Đầu tư để xây dựng thương hiệu, phát triển bền vững

Trong số 10 sàn thương mại điện tử có tổng số lượt truy cập website cao nhất tại thị trường Đông Nam Á, có tới 5 sàn là của các doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) cho biết, tại thị trường trong nước, lĩnh vực này đang đạt tốc độ tăng trưởng cao và quy mô giao dịch trực tuyến đạt gần 10 tỷ USD. Tuy nhiên, mua bán trực tuyến hiện chỉ phổ cập ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Và trong tổng thị trường bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, thì tỷ trọng của thương mại điện tử còn rất thấp. Bởi mặc dù số người sử dụng Internet ở Việt Nam là cao, nhưng tỷ lệ người mua sắm trực tuyến lại vẫn thấp, cộng với thu nhập bình quân đầu người cũng chưa cao, người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng vào hình thức mua sắm trực tuyến. Điều này dẫn đến quy mô của từng giao dịch còn nhỏ, giá trị trung bình không quá vài trăm ngàn đồng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nếu chỉ nhìn vào thống kê từ các doanh nghiệp nghiên cứu thị trường có thể thấy, doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam hiện chiếm đến 50% trong TOP 10 sàn thương mại điện tử có tổng số lượt truy cập website cao nhất tại Đông Nam Á (trong 6 tháng/năm 2019). Điều này cho thấy, tiềm năng của thương mại điện tử còn rất lớn tại Việt Nam.

Để khai thác hết tiềm năng này, trong Chương trình Phát triển Thương mại điện tử bền vững giai đoạn 2019 – 2025, Vecom đã đề xuất các giải pháp thúc đẩy mua sắm trực tuyến ở các thành phố trực thuộc Trung ương và các thành phố tỉnh lỵ, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ, hộ gia đình, tổ hợp tác, làng nghề ở các địa phương bán sản phẩm trực tuyến. Hiện nay, ước tính tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chiếm khoảng 70% lượng giao dịch thương mại điện tử trên cả nước. Trong khi đó, với khoảng 70% dân số hiện đang sinh sống, thì quy mô thương mại điện tử ở nông thôn lại rất nhỏ. Khu vực nông thôn có tiềm năng tiêu thụ lớn, đồng thời cũng là nơi cung cấp sản phẩm đa dạng phù hợp với bán hàng trực tuyến.

Doanh nghiệp Việt muốn thương mại điện tử phát triển nhanh, bền vững, nhất thiết phải xử lý được bài toán này. Đây là thời điểm các cơ quan quản lý Nhà nước, hiệp hội ngành nghề cần có chính sách và giải pháp đồng bộ, để biến cơ hội của thương mại điện tử thành hiện thực tại mọi địa phương, doanh nghiệp và người dân cả nước. Đồng thời, nâng cao lòng tin cho người tiêu dùng và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ gia đình ở khu vực nông thôn… bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ trên môi trường trực tuyến.

Theo Vecom, mục tiêu phát triển thương mại điện tử tại các địa phương trong cả nước đến năm 2025 là, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chiếm 50% giao dịch thương mại điện tử, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm trên 25%; 61 địa phương còn lại chiếm 50%, 30% số xã trên cả nước có ít nhất 5 đơn vị (doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân) bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trực tuyến. Còn trước mắt, sẽ thực hiện việc hỗ trợ doanh nghiệp, tổ hợp tác, hộ kinh doanh hoặc cá nhân ở 20 thị xã, thị trấn… tại một số địa phương bán hàng trực tuyến trong nước hoặc xuất khẩu có hiệu quả. Cùng với đó, hỗ trợ ít nhất 10 sản phẩm sử dụng nhiều lao động nông thôn, nguyên liệu địa phương được đông đảo người tiêu dùng trong nước quan tâm vào năm 2020….

Trong khi Chương trình Phát triển thương mại điện tử đang triển khai thực hiện, thì hiện trạng các trang thương mại điện tử đang hoạt động mạnh tại Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn, thậm chí số tiền thua lỗ không nhỏ. Tuy nhiên, đó là do họ đang thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, quảng cáo, đầu tư công nghệ… để giành vị trí trong thị trường. Và như thế, thương hiệu doanh nghiệp ngày càng được biết đến nhiều hơn.

Thanh Thanh

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/dau-tu-de-xay-dung-thuong-hieu-phat-trien-ben-vung-92323.html