Đầu tư điện mặt trời áp mái: Nhu cầu cao, lo ngại quá tải hạ tầng

Với chính sách giá mới, nhiều khách hàng có nhu cầu đầu tư điện mặt trời áp mái. Ảnh: NGÔ XUÂN

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành giá điện mặt trời áp mái mới về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, nhiều người dân, doanh nghiệp đã đổ xô lắp đặt hệ thống điện mặt trời. Điều này hợp với chủ trương về khuyến khích các nguồn năng lượng tái tạo, nhưng hiện trạng cơ sở hạ tầng lưới điện trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu xuất hiện tình trạng quá tải đáng lo ngại.

Nhu cầu lớn

Theo Công ty Điện lực Phú Yên (PYPC), năm 2020, chỉ tiêu kế hoạch Tổng Công ty Điện lực Miền Trung (EVNCPC) giao PYPC phát triển 15MWp điện mặt trời mái nhà. Tuy nhiên, chỉ riêng trong các tháng đầu năm 2020, các nhà đầu tư đã đăng ký đấu nối phát điện lên lưới điện tỉnh Phú Yên với tổng cộng hơn 81MWp.

Tại TP Tuy Hòa, hiện có 133 dự án đầu tư điện mặt trời áp mái, với tổng công suất lắp đặt trên 3MWp. Trong đó, riêng trong giai đoạn từ sau 30/6 đến nay có 67 dự án lắp đặt mới, với công suất trên 1,3MWp. Tiêu biểu, tại Khu công nghiệp An Phú, Công ty TNHH Xây dựng và Quảng cáo Phương Tuấn tận dụng mái nhà xưởng lắp đặt hệ thống điện mặt trời với công suất 270kWp từ giữa năm 2019.

“Đến nay, ngoài lượng điện cung cấp cho hoạt động sản xuất, bình quân, hệ thống này còn phát lên lưới 23.000-25.600kWh, mang lại cho doanh nghiệp nguồn thu khoảng 53-55 triệu đồng mỗi tháng. Doanh nghiệp đang tính toán triển khai giai đoạn 2 với công suất dự kiến dưới 1MWp”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc công ty này cho biết.

Tương tự, Công ty CP Đầu tư Nam Việt Hưng tại Khu công nghiệp An Phú cũng đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà với công suất gần 933kWp. Từ tháng 12/2019 đến nay, hệ thống này phát lên lưới gần 500.000kWh, tương đương doanh thu hơn 1 tỉ đồng.

Tại các địa phương khác, nhu cầu lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái cũng ngày càng lớn; đặc biệt là các dự án có công suất dưới 1MWp. Đơn cử, đầu năm 2020, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Phú Tiến (buôn Quang Dù, xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh) tận dụng nhà xưởng đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái. Hiện mỗi tháng, hệ thống phát lên lưới khoảng 18.000kWh, tương đương gần 35 triệu đồng.

Theo PYPC, trước ngày 30/6/2019, toàn tỉnh có 97 khách hàng lắp đặt điện mặt trời mái nhà với tổng công suất trên 2,5MWp. Sau 30/6 có thêm 139 khách hàng đã lắp đặt điện mặt trời áp mái, với tổng công suất 4,4MWp và được ngành Điện ký thỏa thuận hợp đồng ghi nhận sản lượng điện phát lên lưới. Ngoài ra, hiện ngành Điện Phú Yên cũng ghi nhận thêm 87 khách hàng đăng ký lắp đặt điện mặt trời với tổng công suất trên 81MWp.

Sớm nâng cấp lưới điện

Từ đầu năm đến nay, tính riêng 2 huyện Sơn Hòa, Sông Hinh có 62 khách hàng đăng ký đầu tư điện mặt trời với tổng công suất 61,38MWp. Trong đó có 34 khách hàng đã ký thỏa thuận với tổng công suất 33,64MWp, còn lại 28 khách hàng đăng ký với công suất 28,19MWp nhưng không còn khả năng đấu nối do TBA 110kV Sơn Hòa đang bị quá tải. Tại huyện Đồng Xuân cũng có 10 khách hàng đăng ký; hiện 7 khách hàng đã ký thỏa thuận với công suất 6,94MWp, còn 3 khách hàng đã đăng ký nhưng chưa khảo sát với tổng công suất 2,99MWp. Do đó, đường dây 22kV cấp điện cho khu vực huyện Đồng Xuân cũng đã đầy tải. Riêng lưới điện tại TP Tuy Hòa, Đông Hòa, Tây Hòa, Tuy An, Sông Cầu mới đang vận hành khoảng dưới 60% công suất cho phép, còn nhiều khả năng tiếp nhận các dự án mới.

Theo PYPC, với chính sách khuyến khích về mức giá, thủ tục đơn giản nên nhiều người dân, doanh nghiệp đang có xu hướng đầu tư lắp điện mặt trời áp mái. Tuy nhiên, hiện các dự án lưới điện trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng kịp; gây nguy cơ về “ách tắc” và không thể giải tỏa hết công suất điện.

Ông Nguyễn Khoa Trình, Phó Giám đốc PYPC, cho biết: Trước tình hình trên, PYPC buộc phải xem xét lại toàn bộ kết cấu, khả năng mang tải của lưới điện; tính toán luồng công suất tiêu thụ trên địa bàn và luồng công suất phát từ các dự án điện mặt trời mái nhà của khách hàng đấu nối ảnh hưởng đến lưới. Từ đó, đơn vị đề xuất các giải pháp kỹ thuật cũng như phương án đầu tư cải tạo lưới điện tối ưu để đáp ứng khả năng giải tỏa hết nguồn công suất do điện mặt trời mái nhà phát lên lưới điện 22kV.

Cụ thể, PYPC đã thỏa thuận cải tạo lưới điện 22kV khu vực huyện Sơn Hòa và Sông Hinh với tổng khối lượng lưới hơn 24km và nhiều thiết bị đóng cắt có kết nối SCADA, xây dựng mới hơn 2,5km đường dây 22kV trục chính từ trạm 110kV Sơn Hòa đến nút thắt các xuất tuyến con thuộc trạm cắt 22kV Sơn Hòa nhằm nâng cao khả năng cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời giải tỏa công suất các dự án nguồn điện điện mặt trời mái nhà.

Về lâu dài, ngành Điện Phú Yên cũng kiến nghị EVNCPC ưu tiên bố trí vốn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư và bổ sung các dự án lưới điện 110kV, 220kV trên địa bàn như xây dựng mới các trạm biến áp 110kV Đồng Xuân, Phú Hòa và Sông Hinh; xây dựng mới đường dây 110kV sử dụng dây dẫn ACSR-300 với tổng chiều dài 14km từ TBA 220kV Tuy Hòa - Tuy Hòa 2; xây dựng mới đường dây 110kV từ TBA 220kV Tuy Hòa - Đèo Cả có chiều dài 35km; xây dựng mới đường dây 110kV Sơn Hòa - thủy điện Krông H’Năng, đấu nối chuyển tiếp TBA 110kV Sông Hinh, nâng khả năng mang tải của đường dây Tuy Hòa 220 - Quy Nhơn 220… để giải tỏa hết công suất các dự án nguồn điện được đầu tư trong thời gian đến.

Theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, các dự án điện mặt trời nối lưới có quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 23/11/2019 và vận hành thương mại từ 1/7/2019-31/12/2020 thì được áp dụng biểu giá mua điện của các dự án điện mặt trời nối lưới tại điểm giao nhận điện. Cụ thể, các dự án điện mặt trời nổi được áp dụng mức giá 7,69 UScent/kWh, tương đương 1.783 đồng/kWh; điện mặt trời mặt đất 7,09 UScent/kWh, tương đương 1.644 đồng/kWh; điện mặt trời mái nhà 8,38 UScent/kWh, tương đương 1.943 VNĐ/kWh. Quyết định có hiệu lực thi hành từ 22/5/2020.

NGÔ XUÂN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/239920/dau-tu-dien-mat-troi-ap-mai--nhu-cau-cao-lo-ngai-qua-tai-ha-tang.html