Đầu tư đổi mới công nghệ, tạo sản phẩm mới

Tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp của tỉnh phát triển nhanh, mạnh, Trung tâm Khuyến công tỉnh đã triển khai có hiệu quả nguồn quỹ để đầu tư đổi mới công nghệ nhằm tạo ra sản phẩm mới, đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Từ nguồn vốn của Quỹ Khuyến công quốc gia, Công ty TNHH Long Thắng, xã Ninh Lai (Sơn Dương) có thêm lực để mở rộng ngành nghề sản xuất. Anh Lê Văn Quyền, Giám đốc Công ty phấn khởi cho biết, trước đây công ty chỉ tập trung sản xuất gạch tuynel. Từ năm 2019 nhờ được vay 1 tỷ đồng từ Quỹ Khuyến công quốc gia, công ty đã mạnh dạn bỏ vốn để mở ngành nghề sản xuất ván ép xuất khẩu. Toàn bộ dây chuyền sản xuất ván ép xuất khẩu được được công ty đầu tư trên 22 tỷ đồng, với công suất 100m3/ngày (tương đương 24.500m3/năm). Anh Quyền khoe, ưu điểm của công nghệ này là ván ép coppha phủ phim được tạo nên từ các lớp gỗ lạng mỏng liên kết với nhau bằng keo chuyên dụng chịu nước 100% WBP Phenolic theo phương pháp ép nóng ở nhiệt độ 125 độ C đến 140 độ C. Sản phẩm ván được dùng chủ yếu trong xây dựng, khả năng chịu nước và độ bền cao, có thể tái sử dụng được nhiều lần. Theo tính toán, doanh thu từ sản xuất ván ép xuất khẩu của doanh nghiệp mỗi năm đạt gần 150 tỷ đồng, tạo việc làm cho 50 lao động địa phương.

Sản phẩm gỗ ván ép xuất khẩu của Công ty TNHH Long Thắng, xã Ninh Lai (Sơn Dương).

Sản phẩm gỗ ván ép xuất khẩu của Công ty TNHH Long Thắng, xã Ninh Lai (Sơn Dương).

Cũng như công ty TNHH Long Thắng, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Sử Anh cũng được tiếp cận nguồn Quỹ Khuyến công hoàn thiện dây chuyền sản xuất chè đặc sản. Giám đốc Hợp tác xã, anh Nguyễn Công Sử vui mừng cho biết, từ nguồn Quỹ Khuyến công, hợp tác xã đã đầu tư cải tiến dây chuyền sản xuất từ sao chè bằng củi sang công nghệ sao bằng ga, ngoài ra là 1 lò cấp nhiệt để phục vụ quá trình chế biến chè. Với công nghệ mới sao chè bằng ga, việc điều chỉnh nhiệt dễ dàng hơn. Anh Sử khoe, hiện Hợp tác xã đã có 3 sản phẩm chè được tỉnh chứng nhận sản phẩm OCOP tiêu chuẩn 3-4 sao.

Ông Đàm Xuân Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công tỉnh cho biết, chỉ tính riêng trong 2 năm trở lại đây đã có ít nhất 8 cơ sở sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp được tiếp cận nguồn vốn khuyến công để đầu tư mua sắm máy móc, đổi mới công nghệ trong sản xuất, tạo ra sản phẩm mới mang lại giá trị kinh tế cao hơn.

Nhằm khuyến khích chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, áp dụng sản xuất sạch hơn, tạo ra sản phẩm có chất lượng hơn, hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, tỉnh đã có cả 1 chương trình khuyến công giai đoạn 2021-2025. Đây được coi là chiến lược dài hơi nhất từ trước đến nay để trợ lực cho các cơ sở công nghiệp, thủ công nghiệp. Theo đó, tỉnh sẽ dành nguồn vốn trên 30 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng 10 mô hình trình diễn kỹ thuật áp dụng công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới, áp dụng sản xuất sạch hơn; hỗ trợ 95 cơ sở công nghiệp nông thôn về ứng dụng máy móc thiết bị, cụm thiết bị, dây chuyền công nghệ tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp. Trong đó, ưu tiên các cơ sở sản xuất sản phẩm mới mà địa phương có lợi thế.

Để chính sách sớm đi vào cuộc sống, Trung tâm Khuyến công tỉnh đang phối hợp với Phòng Kinh tế - hạ tầng các huyện, thành phố rà soát, khảo sát, tư vấn hỗ trợ các chủ cơ sở đủ các tiêu chí có nhu cầu để thực hiện hỗ trợ. Giám đốc Trung tâm Khuyến công tỉnh Đàm Xuân Hùng tin tưởng, với chính sách của tỉnh trong giai đoạn tới sẽ có nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được hỗ trợ để tạo ra nhiều sản phẩm mới có lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/cong-nghiep-ha-tang/dau-tu-doi-moi-cong-nghe-tao-san-pham-moi-155818.html