Đầu tư dự án phủ sóng Wifi của CSE: Có dấu hiệu kinh doanh đa cấp không phép
Thời gian gần đây, một số cá nhân thường xuyên tổ chức các hội thảo, hội nghị, đào tạo trực tiếp hoặc gián tiếp qua các ứng dụng điện thoại (Zoom Meeting) để giới thiệu, kêu gọi tham gia đầu tư vào một dự án có tên OWifi nhằm được hưởng lợi nhuận rất cao từ dự án này.
Theo nội dung phản ánh, Dự án OWIFI được quảng cáo với công nghệ tiên tiến “Blockchain 3.0” từ nhà cung cấp CSE của Singapore. Đây là dự án phủ sóng Wifi miễn phí sử dụng công nghệ hiện đại nhất trên thế giới với ưu việt là tính cơ động (không dây), sóng khỏe và ổn định (30 - 70 Mbps) và bảo mật bằng công nghệ Blockchain 3.0 và Big Data. Có thể phát triển tương thích với công nghệ 5G và 6G.
Theo quảng cáo từ dự án, do hệ thống đáp ứng đủ yêu cầu bảo mật nên sẽ được Google và Facebook chia sẻ tài nguyên Bigdata của khách hàng (hành vi người dùng, lịch sử người dùng...) phục vụ cho khâu nghiên cứu, marketing. Sử dụng Blockchain để mã hóa, lưu trữ phân tán, chống biến đổi dữ liệu là điểm mạnh đặc biệt của dự án.
OWifi đem lại hiệu quả sử dụng và kinh tế cao: Sóng khỏe và ổn định, tốc độ cao; không tốn thời gian lắp đặt và kéo dây, không tốn thời gian sửa chữa khi bị sự cố về dây; tiết kiệm tài chính hơn 30% so với phương pháp thông thường; Nhà nước và người dân không phải bỏ bất kỳ chi phí vì công ty đã thu phí từ quảng cáo; đạt mỹ quan, nhất là đối với các trường đại học, khu phức hợp, khu đô thị, thành phố du lịch và thành phố thông minh.
Thêm vào đó công nghệ Blockchain còn tiết kiệm thao tác và giảm bớt chi phí nhân sự vận hành. Tất cả các điều khoản giữa các đối tác tham gia hệ thống như nhà quảng cáo, người sử dụng sẽ được mã hóa thành các điều khoản số của Smart Contract 2.0 và không cần đơn vị trung gian để xác nhận cũng như điều khiển hệ thống OWifi.
Cũng theo quảng cáo, dự án có tổng mức kinh phí lên đến hàng trăm tỷ đồng, trong đó Nhà nước và Nhân dân không phải bỏ bất kỳ chi phí nào, nguồn doanh thu chính của dự án đến từ việc bán quảng cáo cho các DN.
Đáng lưu ý, người tham gia đầu tư và phát triển mạng lưới kinh doanh còn được hưởng nhiều lợi ích khác nhau như: Lãi suất hấp dẫn (các gói tham gia từ 50 USD đến 25.000 USD với lãi suất lên tới 6%/tháng, lợi nhuận được trả theo ngày), tiền thưởng theo số lượt truy cập vào bộ phát wifi 5G đã đầu tư, hoa hồng từ việc phát triển mạng lưới tuyến dưới tham gia đầu tư kinh doanh. Việc vận hành và quản lý người tham gia được thực hiện qua hệ thống https://pos.cse30.io/ (có máy chủ đặt tại nước ngoài).
Ví dụ, dự án quảng cáo quyền lợi khi đầu tư sở hữu bộ Wifi 5G: Mỗi lượt truy cập sử dụng Wifi của bạn, bạn có thu nhập 1.000 VND. “Mỗi ngày có 300 lượt truy cập, bạn có thu nhập 300.000 đồng. Một tháng bạn có thu nhập 9 triệu đồng.
Mỗi ngày có 500 lượt truy cập, bạn có thu nhập 500.000 đồng. Một tháng bạn có thu nhập 15 triệu đồng. Chúc bạn sở hữu thật nhiều bộ Wifi”, quảng cáo nêu. Từ những lời quảng cáo siêu lợi nhuận trên, việc có nên đầu tư tiền bạc phát triển dự án thu hút được sự thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội như một kênh đầu tư lợi nhuận cao trong thời gian này.
Trước sự việc trên, theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), qua đánh giá hoạt động của các tổ chức cá nhân nêu trên có dấu hiệu là hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Tuy nhiên đến nay, chưa có đơn vị/tổ chức nào có tên OWifi hay CSE nêu trên được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của Nghị định 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Do đó, các tổ chức cá nhân trên có dấu hiệu hiệu kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp và có thể bị xử lý hình sự với mức phạt tới 5 tỷ đồng hoặc 5 năm tù giam (Điều 217a Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2017).
Để tránh các rủi ro vật chất và pháp lý liên quan, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người dân không tham gia đầu tư, hay phát triển hệ thống kinh doanh của các tổ chức cá nhân nêu trên.