Đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi để phát triển nông nghiệp thuận thiên
Việc đầu tư hạ tầng thủy lợi, hạ tầng giao thông, tạo sinh kế cho người dân là giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng thuận thiên ở Cà Mau.
Ngày 21/3, tại Cà Mau diễn ra Hội nghị Quốc gia huy động nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì tổ chức.
Tại hội nghị, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT mong muốn huy động nguồn lực, mở ra những ý tưởng tốt để thu hút sự chú ý của bạn bè thế giới, của các nhà tài trợ.
"Khi có ý tưởng tốt chúng ta sẽ có giải pháp, mô hình tốt", ông Hoan nói.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng mong muốn bạn bè quốc tế hãy một lần đến với Cà Mau và ĐBSCL để hiểu hơn về con người nơi đây và hãy đến cùng rung động, hòa cùng nhịp đập gần 20 triệu trái tim với con người đồng bằng trong quá trình vượt lên thách thức biến đổi khí hậu.
Nói về nông nghiệp thuận thiên, ông Hoan cho rằng: "Thuận thiên không phải là không làm gì cả, mà là quá trình thích nghi, hài hòa giữa con người với tự nhiên một cách có kiểm soát, thuận theo các quy luật của tự nhiên để đem lại lợi ích cho con người và bảo vệ hệ sinh thái".
Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, thời gian qua, nhiều tổ chức quốc tế đã triển khai các chương trình hỗ trợ, phát triển sinh kế thuận thiên trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Ông Sử mong muốn các tổ chức quốc tế triển khai đồng bộ hai nhiệm vụ là đầu tư hạ tầng (hạ tầng thủy lợi, hạ tầng giao thông...) và sinh kế cho người dân.
“Để lồng ghép được hai vấn đề này, cần có thêm sự tham gia của doanh nghiệp. Đây là đối tác quan trọng tham gia vào dự án, đảm bảo mục tiêu sản xuất kinh doanh, như thế mới đáp ứng được nhu cầu thực tế tại tỉnh Cà Mau”, ông Sử nhấn mạnh.
Ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú cho rằng, mô hình tôm - lúa là một hình thức canh tác nông nghiệp độc đáo, thuận thiên gắn liền với khí hậu nhiệt đới gió mùa của vùng ĐBSCL.
Bởi theo ông Quang, nông dân chỉ dùng tiền mua lúa và tôm giống, nên số tiền đầu tư rất nhỏ, nhưng đạt doanh thu từ 250-500 triệu đồng/ha/năm.
Tuy nhiên, ông Quang cho rằng để nông dân đạt được thu nhập 1-2,5 tỷ đồng/ha/năm thì cần phải liên kết hợp tác lại thành thửa ruộng lớn.
"Nhiều hộ liên kết với nhau lại thành tổ hợp tác và nhiều tổ hợp tác liên kết với nhau thành hợp tác xã kiểu mới. Lúc đó, mới cần tiền để đầu tư cơ sở hạ tầng như kênh cấp, thoát nước và đường giao thông nội bộ.
Điều này giúp sản xuất cơ giới hóa trong khâu giống, thu hoạch nhằm giảm chi phí đồng thời tăng năng suất, tăng sản lượng lên gấp 2-10 lần", ông Quang chia sẻ.
Bên cạnh những lợi thế, toàn vùng còn hơn 560 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển, với tổng chiều dài khoảng 810km. Trong đó, sạt lở đặc biệt nguy hiểm có 63 điểm với 204km cần được xử lý với kinh phí hơn 13.600 tỷ đồng.
Theo các đại biểu, chuyên gia, thực tế trên đòi hỏi phải có tầm nhìn mới, định hướng chiến lược, các giải pháp toàn diện, căn cơ, đồng bộ, huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để phát triển bền vững vùng.
Trong giai đoạn 2021-2025, ngân sách Nhà nước hỗ trợ ĐBSCL 266.000 tỷ đồng (tăng 20% so với giai đoạn 2016-2020). Trong đó ngân sách Trung ương 82.000 tỷ đồng; ngân sách các địa phương 162.000 tỷ đồng; vốn nước ngoài (ODA) 22.000 tỷ đồng.
Tổng vốn đầu tư vào nông nghiệp ĐBSCL trong năm 2023 đạt khoảng 100.000 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022. Hiện, đã có những giải pháp thuận thiên được thực hiện tại khu vực như: Mô hình kinh tế dưới tán rừng; tôm - lúa; nuôi tôm rừng kết hợp nuôi sò huyết; nuôi tôm siêu thâm canh lót bạt tuần hoàn kín.