Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) giá cổ phiếu giảm sâu, từng chật vật mời cổ đông tham dự đại hội
Từng chỉ có 73 đại biểu đại diện cho 23,85% vốn điều lệ tham dự khiến ĐHĐCĐ năm 2022 không thể tổ chức, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) đang phải tặng tiền mặt cho cổ đông dự đại hội năm 2023.
Đại hội đồng cổ đông thường niên luôn là một thời điểm quan trọng được nhiều cổ đông trông ngóng bởi lẽ đây là thời điểm công ty tổng kết một năm hoạt động cũng như công bố kế hoạch hoạt động, kế hoạch chia cổ tức trong năm tiếp theo. Do đó, rất hiếm khi cổ đông bỏ lỡ cuộc họp quan trọng này.
Tuy nhiên, một câu chuyện hi hữu lại đang xảy ra với CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (Mã CII) khi mà đơn vị này phải thực hiện phương án tặng tiền cho cổ đông để khuyến khích cổ đông tham dự đại hội năm 2023.
Cụ thể thì Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 vào ngày 26/4/2023 tới đây tại TP HCM. Công ty đã công bố thêm phần quà tri ân đối với nhà đầu tư tham gia đại hội, đó là tiền mặt, giá trị phụ thuộc vào lượng cổ phần mà cổ đông sở hữu.
Cũng trong năm 2022, ĐHĐCĐ lần 1 được tổ chức vào ngày 25/4/2022 của Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM chỉ ghi nhận có 73 cổ đông tham dự, đại diện cho phần sở hữu của 58,48 triệu cổ phiếu, tương đương với 23,85% vốn cổ phần nên đã không thể tổ chức được đại hội. Trong lần thứ 2 tổ chức vào ngày 20/5/2022, số cổ đông tham dự đại diện cho 80,89 triệu cổ phiếu, tương ứng 33,03% vốn điều lệ.
Theo điều lệ năm 2021 của CII thì ĐHĐCĐ lần 1 phải có trên 50% tổng số cổ phần biểu quyết tham dự, lần 2 phải có ít nhất 33% tổng số cổ phần biểu quyết tham dự thì mới được tổ chức đại hội.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng "vắng vẻ" trong buổi họp ĐHĐCĐ thường niên của Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM là bởi tình trạng sụt giảm mạnh giá cổ phiếu CII cũng như cơ cấu cổ đông phần lớn là nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Về diễn biến giá cổ phiếu CII, mã này từng có giai đoạn tăng nóng chóng mặt, từ ngưỡng 17.100 đồng/cổ phiếu vào ngày 27/9/2021 đã tăng tới gần 2,5 lần, lên mức 57.900 đồng/cổ phiếu vào ngày 7/1/2022.
Đến giữa năm 2022, cổ phiếu CII đã giảm sâu và chỉ còn giao dịch quanh ngưỡng 15.000 đồng/cổ phiếu, và duy trì ngưỡng này từ đó đến nay. Trong phiên giao dịch ngày 14/4/2023, cổ phiếu CII chỉ ghi nhận ở mức giá 14.900 đồng/cổ phiếu.
Về tình hình kinh doanh trong năm 2022, CII ghi nhận doanh thu đạt 5.755,7 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với thực hiện trong năm 2021. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán chiếm tỷ trọng cao cùng chi phí gia tăng khiến lợi nhuận sau thuế của đơn vị bị bào mòn đi đôi chút. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận ở mức 896 tỷ đồng.
Trong đó, chiếm tới 810 tỷ đồng tiền lãi là từ hoạt động thoái vốn công ty con và chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính; 666,8 tỷ đồng tiền lãi từ các khoản hợp tác đầu tư, hỗ trợ vốn tiền gửi và trái phiếu. Nếu không tính các khoản lãi này thì có thể nói rằng CII vẫn đang lỗ trong hoạt động kinh doanh chính.
Bên cạnh đó, khi nhìn vào cơ cấu tài sản của CII, có thể thấy rằng tài sản trong năm 2022 của CII ghi nhận ở mức 28.595,6 tỷ đồng, giảm tới 7,4%. Tiền và các khoản tương đương tiền cũng giảm mạnh từ 689,2 tỷ đồng xuống chỉ còn 287,2 tỷ đồng, tỷ lệ giảm tới 2,4 lần.
Ghi nhận về hàng tồn kho trong kỳ của CII cũng chỉ còn 1.640,8 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ giảm khoảng 2,8 lần. Phần lớn hàng tồn kho là bất động sản hoàn thành chờ bán/
Trong cơ cấu nguồn vốn của CII, nợ phải trả chiếm tỷ trọng tương đối lớn, tới 20.264,6 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ 70,9% tổng tài sản. Chỉ tiêu về vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn trong năm 2022 ghi nhận ở mức 5.166,4 tỷ đồng, tăng 1.305 tỷ đồng chỉ trong 1 năm.
Vốn chủ sở hữu trong kỳ của CII đi ngang ở mức 8.331 tỷ đồng. Trong đó vốn góp chủ sở hữu chiếm 2.840,2 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối ghi nhận ở mức 2.493,4 tỷ đồng, tăng nhẹ so với thời điểm đầu năm 2022.