Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (CII) vợ lãnh đạo mua 'chui' cổ phiếu
Vợ của lãnh đạo CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (CII) vừa có 2 giao dịch mua cổ phiếu. Điều đáng nói là 2 giao dịch này không được công bố thông tin trên dữ liệu của HoSE.
Vợ lãnh đạo CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (CII) vừa có giao dịch mua 'chui' cổ phiếu
Vừa qua, bà Nguyễn Thị Huyền Sương, vợ của ông Lưu Hải Ca, một thành viên HĐQT của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (Mã CII) đã vừa có giao dịch mua 30.000 cổ phiếu CII. Lượng cổ phiếu này đã giúp tăng tỷ lệ sở hữu của bà Sương từ 0 lên 0,01% vốn điều lệ công ty.
Việc mua cổ phiếu của bà Sương diễn ra 2 lần. Lần 1 vào ngày 27/6/2023 với 20.000 cổ phiếu và lần thứ 2 vào ngày 28/6/2023 với 10.000 cổ phiếu. Cả 2 lần giao dịch trên đều chưa được thông báo với HoSE và theo dữ liệu của cơ quan này thì trong vòng 1 tháng trở lại đây không hề có thông tin về giao dịch của bà Nguyễn Thị Huyền Sương.
Theo quy định tại Điểm 1a, Điều 33 của Thông tư 96/2020/TT-BTC thì người nội bộ và người có liên quan sẽ phải công bố thông tin về giao dịch của mình theo quy định với thời gian trước tối thiểu là 3 ngày làm việc.
Như vậy, giao dịch của bà Sương khi chưa thông báo với HoSE theo đúng quy định có thể được gọi là một giao dịch "chui".
Giá cổ phiếu CII giảm sâu, công ty chật vật mời cổ đông tham dự ĐHĐCĐ thường niên 2023
Như trong một bài viết đã từng đăng tải trên Báo Nhà báo & Công luận, cơ cấu cổ đông của CII vô cùng phân tán. Cổ đông nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng cao khiến cho việc quy tụ đủ số lượng cổ đông để tổ chức họp ĐHĐCĐ là điều vô cùng khó khăn.
Trước đó, trong lần tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023 lần 1 diễn ra vào ngày 26/4/2023, chỉ có 45,81% trên tổng số cổ phần được biểu quyết tham dự. Trong khi tỷ lệ tối thiểu cần để tổ chức đại hội lần 1 là 50%.
Cổ đông nhỏ lẻ của CII đã không tham dự đủ số lượng để tổ chức ĐHĐCĐ lần 1 bất chấp phía công ty đã thông báo sẽ tặng phần quà tri ân bằng tiền mặt cho cổ đông dựa theo số cổ phần sở hữu ngay khi tham gia đại hội.
Có thể thấy rõ tâm lý không quá mặn mà với ĐHĐCĐ thường niên của cổ đông của cổ đông CII. Điều này diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu CII từng liên tục giảm sâu. Tại thời điểm đầu năm 2022, mã CII từng có lúc đạt đỉnh tới 57.900 đồng/cổ phiếu vào ngày 7/1/2022.
Đến giữa năm 2022, CII đã giảm giá rất sâu và chỉ còn được giao dịch quanh ngưỡng 15.000 đồng/cổ phiếu. Hiện tại, ghi nhận trong ngày 17/7/2023, CII đang được giao dịch ở mức giá 19.950 đồng/cổ phiếu, đã hồi phục hơn so với đáy tạo lập vào giữa năm 2022 nhưng vẫn chưa hoàn toàn hồi phục so với đỉnh hồi đầu năm 2022.
Kết quả kinh doanh quý 1 giảm sâu, tài sản phần lớn là nợ
Về tình hình kinh doanh của CII thì trong quý 1 năm 2023, đơn vị này ghi nhận doanh thu thuần đạt 748,1 tỷ đồng, lợi nhuận gộp duy trì ở mức 275,7 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp lên tới 36,9%. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 34,8 tỷ đồng.
So với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp sụt giảm tới 95%. Bên cạnh đó, cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp cũng đang cho thấy một số vấn đề tồn đọng khi mà lượng nợ phải trả đang chiếm tỷ trọng vô cùng lớn.
Cụ thể thì tính tới hết quý 1 năm 2023, tổng tài sản của CII đạt 29.373,3 tỷ đồng. Trong đó nợ phải trả chiếm 21.165,5 tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ 72% tổng nguồn vốn của công ty. Chỉ tính riêng nợ ngắn hạn cũng đã chiếm 9.186,2 tỷ đồng, cao hơn hẳn so với vốn chủ sở hữu. Điều này cho thấy cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp vẫn đang có khá nhiều rủi ro.
Bên cạnh đó, câu chuyện vay nợ của CII tiếp tục được hâm nóng trong tháng 6 vừa qua khi mà công ty đã thông báo về việc một ngân hàng cấp khoản tín dụng 9.340 tỷ đồng. Khoản tín dụng này sẽ được sử dụng cho 2 công ty thực hiện dự án Xa lộ Hà Nội và BOT Trung Lương - Mỹ Thuận. Điều này đồng nghĩa với việc cơ cấu nguồn vốn của CII sẽ có thể còn tiếp tục gia tăng tỷ lệ nợ phải trả trong thời gian sắp tới.