Đầu tư hạ tầng, nâng hiệu quả phòng cháy, chữa cháy

Những năm gần đây, tình hình cháy, nổ trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Việc quy hoạch xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng phòng cháy, chữa cháy (PCCC) là rất cần thiết, góp phần bảo đảm an toàn cho các khu dân cư, cơ sở sản xuất và doanh nghiệp.

Chưa đáp ứng yêu cầu

Theo thống kê sơ bộ, từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh xảy ra hơn 400 vụ cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản. Chủ yếu là do nhiều cơ quan, doanh nghiệp và người dân chưa nhận thức đầy đủ về công tác PCCC, sơ suất trong sử dụng nguồn nhiệt, điện. Một số phương tiện, thiết bị, điều kiện phục vụ chữa cháy còn thiếu. Đặc biệt, hạ tầng PCCC chưa đáp ứng yêu cầu, bao gồm hạ tầng về giao thông, nguồn nước, thông tin liên lạc, trụ sở cơ quan, doanh trại của lực lượng PCCC.

 Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH hướng dẫn kỹ năng chữa cháy cho người dân tổ dân phố My Điền 2, phường Nếnh (thị xã Việt Yên).

Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH hướng dẫn kỹ năng chữa cháy cho người dân tổ dân phố My Điền 2, phường Nếnh (thị xã Việt Yên).

Toàn tỉnh có hơn 11 nghìn km đường bộ, trong đó đường thôn, xóm, khu dân cư chiếm 68%. Ở một số nơi, đường thôn, xóm, khu dân cư nhỏ, hẹp, không đủ chiều rộng để xe ô tô chữa cháy di chuyển tiếp cận hiện trường. Khảo sát tại các phường: Lê Lợi, Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang); Nếnh, Quang Châu (thị xã Việt Yên) tồn tại nhiều ngõ chỉ vừa hai xe máy tránh nhau. Một số ngõ dài đến 500, 600 m, nhà cửa san sát. Ông Nguyễn Như Thống, tổ dân phố My Điền 1, phường Nếnh nói: “Vào giờ cao điểm, người dân họp chợ, bày bán hàng hóa kín cả lối đi, di chuyển bằng xe máy, xe đạp còn chật vật nói gì đến ô tô chữa cháy”.

Hạ tầng nguồn nước cũng chưa được quy hoạch, xây dựng đồng bộ, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả chữa cháy. Vụ cháy cửa hàng kinh doanh xe đạp điện Thành Bắc ở đường Lý Thái Tổ, phường Trần Phú (TP Bắc Giang) năm 2022 hay vụ cháy quán Bin Coffee DJ ở phường Nếnh (thị xã Việt Yên) năm 2023… ở nơi đông dân cư song thời điểm xảy ra cháy, nguồn nước chưa bảo đảm. Lực lượng chức năng phải lấy nước ở hồ Nhà Dầu cách đó gần 500 m. Hồ chưa có bến lấy nước làm mất nhiều thời gian, nhân lực. Không chỉ vậy, việc quản lý, khai thác sử dụng nguồn nước tự nhiên chưa tốt, các ao, hồ, kênh, mương bị thu hẹp do quá trình mở rộng đô thị.

Theo Trung tá Nguyễn Thành Đoàn, Đội trưởng Đội Tham mưu, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH- Công an tỉnh), toàn tỉnh đã lắp đặt được gần 800 trụ nước chữa cháy, tập trung ở TP Bắc Giang, thị xã Việt Yên và một số huyện, khu, cụm công nghiệp. Song hệ thống mạng lưới trụ lấy nước chữa cháy không bảo đảm về số lượng, khoảng cách. Ngoài ra, hiện trạng trụ sở, doanh trại, công trình của lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH chưa đáp ứng được yêu cầu nghiệp vụ, đặc biệt là công tác thường trực, đào tạo, huấn luyện và tổ chức chữa cháy.

Sớm hoàn thiện hạ tầng, hạn chế thiệt hại khi cháy

Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngày 10/7/2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 123/KH-UBND về quy hoạch hạ tầng PCCC thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật về quy hoạch; hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về PCCC; phát triển hạ tầng PCCC.

UBND tỉnh ưu tiên phân bổ vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030 để triển khai các dự án quan trọng. Hiện UBND tỉnh và các huyện, thị xã, TP đã bố trí quỹ đất để xây dựng mới khu nhà ở, tập luyện của cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH; xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa trụ sở 10 đội cảnh sát PCCC và CNCH các huyện, thị xã và TP. Thời gian thực hiện bắt đầu từ năm 2025 đến hết năm 2028. Mỗi trụ sở có diện tích tối thiểu là 0,5 ha, kinh phí xây dựng trích từ ngân sách địa phương bảo đảm phù hợp với thực tiễn.

Tỉnh tập trung bố trí đủ nguồn vốn cho công tác quy hoạch; xây dựng cơ chế thu hút, tiếp nhận nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân tài trợ nhằm giảm bớt áp lực ngân sách. Đồng thời, ưu tiên cân đối, bố trí đủ nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng PCCC…

Một số địa phương, đơn vị đã tích cực triển khai kế hoạch trên, như TP Bắc Giang đã có hơn 400 trụ nước chữa cháy được lắp đặt ở các vị trí bảo đảm phát huy hiệu quả. Theo ông Đào Công Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Bắc Giang, năm 2023, TP đã trích 1 tỷ đồng từ nguồn chi sự nghiệp kiến thiết thị chính để bổ sung 27 trụ nước tại một số tuyến đường và khu dân cư phục vụ PCCC. Còn thị xã Việt Yên, dự kiến dành hàng chục tỷ đồng để lắp đặt hệ thống họng nước chữa cháy cao áp, trước mắt thí điểm ở tổ dân phố My Điền 1, 2 thuộc phường Nếnh.

Nhằm bảo đảm an toàn phòng cháy, Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH thông tin, trong thời gian tới, Phòng sẽ tiếp tục cùng công an các huyện, thị xã, TP thường xuyên kiểm tra theo chuyên đề tại doanh nghiệp, cơ quan, hộ dân về việc bố trí, xây dựng hạ tầng phục vụ công tác PCCC và CNCH. Qua đó nhằm phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm các quy định về PCCC. Mặt khác, lực lượng chức năng quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về công tác này.

Trước mắt, UBND các xã, phường, thị trấn tiến hành khảo sát, có biện pháp phá dỡ, di dời ụ, cọc bê tông, rào chắn trên các tuyến giao thông liên thôn, xã, không để xảy ra những sự cố đáng tiếc; quản lý, bảo vệ nguồn nước tự nhiên (ao, hồ, kênh, mương)…, bảo đảm điều kiện phục vụ chữa cháy.

Bài, ảnh: Tuyết Mai

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/dau-tu-ha-tang-nang-hieu-qua-phong-chay-chua-chay-100829.bbg