Đầu tư hoàn thiện hạ tầng du lịch, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình
Quảng Trị là vùng đất có bề dày văn hóa lịch sử và nhiều di tích chiến tranh cách mạng, danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Đây chính là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Phóng viên Báo Quảng Trị đã phỏng vấn Phó Chủ tịch UBND tỉnh HOÀNG NAM về các nội dung liên quan.
- Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phong phú, đặc sắc, đa dạng về du lịch, trong đó có những nét tiêu biểu vượt trội về văn hóa, lịch sử và tâm linh. Trên địa bàn tỉnh có hệ thống di tích đồ sộ về số lượng, phong phú, đa dạng về loại hình với trên 500 di tích, trong đó có 4 di tích quốc gia đặc biệt, 20 di tích quốc gia, 476 di tích cấp tỉnh.
Đặc biệt có một số di tích gắn với địa danh có ý nghĩa lịch sử sâu sắc, có tầm ảnh hưởng lớn mà cả thế giới đều biết đến và ngưỡng mộ, là biểu tượng khí chất Việt Nam như Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, Di tích quốc gia đặc biệt địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm ở Vĩnh Linh; Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị; Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9.
Có 2 dòng sông lịch sử ghi dấu một thời kỳ đất nước chia cắt là sông Bến Hải, sông Thạch Hãn. Hệ thống giếng cổ Gio An đã được công nhận di tích quốc gia. Cùng với đó là hệ thống di tích, công trình tôn giáo tiêu biểu như Di tích lịch sử chùa Sắc Tứ Tịnh Quang; Trung tâm hành hương Đức Mẹ La Vang...
Quảng Trị còn có hệ sinh thái du lịch tự nhiên phong phú đó là 75 km bờ biển đẹp. Ngoài biển có đảo Cồn Cỏ, một trong những điểm du lịch độc đáo. Về phía Tây, Quảng Trị có phong cảnh hữu tình của núi rừng trùng điệp, hệ thống thác nước đẹp như Tà-Puồng (Hướng Hóa), Ba-vòi (Đakrông), các hang động hoang sơ chưa được khai phá và một Sa Mù được ví như “tiểu Đà Lạt” để phát triển du lịch cộng đồng gắn với truyền thống văn hóa lịch sử của người dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô…
Tóm lại, Quảng Trị có các sản phẩm du lịch chủ yếu như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch biển, đảo; du lịch cộng đồng; du lịch khát vọng vì hòa bình gắn với các di tích lịch sử, văn hóa và tâm linh. Đây là sản phẩm chủ yếu, là thế mạnh, tiềm năng nổi trội của du lịch Quảng Trị so với các địa phương khác.
Mặc dù dư địa phát triển du lịch Quảng Trị còn rất lớn, tuy nhiên ngoài những tour, tuyến đang khai thác thì du lịch Quảng Trị vẫn đang thiếu những sản phẩm mới xứng tầm với di sản văn hóa. Vì thế, cần phải nhận diện đúng, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để du lịch phát triển.
Đặc biệt, cần có các cơ chế chính sách tốt hơn nữa để nâng cao giá trị, phát huy các tiềm năng hiện có và nâng cao chất lượng đội ngũ làm du lịch đủ khả năng liên kết với các tỉnh, thành trong nước.
- Nhiều du khách đang đợi chờ đến năm 2024, khi tỉnh Quảng Trị tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình sẽ có nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, ông có thể cho biết kế hoạch chuẩn bị đến nay như thế nào?
Để có hòa bình, thống nhất đất nước, lớp lớp người con thân yêu của Tổ quốc đã ngã xuống. Quảng Trị hôm nay có 72 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có hai nghĩa trang quốc gia, có những nghĩa trang không nấm mộ, nơi hình hài người lính đã hóa thành sông núi.
Di sản của lịch sử để lại trên đất Quảng Trị với nhiều địa danh là điểm đến nổi tiếng không chỉ ở trong nước mà còn lay động lương tri nhân loại yêu chuộng hòa bình như Đường 9, Khe Sanh, Hiền Lương, Bến Hải, Vịnh Mốc, Tà Cơn, Dốc Miếu, Hàng rào điện tử Mc.Namara, Thành Cổ Quảng Trị…
Từ năm 2021, Chính phủ đồng ý chủ trương cho phép tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ hội với thông điệp vì hòa bình thì việc thúc đẩy các loại hình du lịch, nhất là du lịch vì hòa bình càng có cơ hội phát triển. Lễ hội Vì Hòa bình dự kiến sẽ tổ chức vào tháng 7, định kỳ 2 năm một lần và nằm trong danh mục các sự kiện văn hóa lớn của quốc gia nhằm tôn vinh giá trị của hòa bình, kêu gọi mọi người chung tay đấu tranh, gìn giữ, xây dựng cuộc sống hòa bình, thịnh vượng cho quê hương, đất nước và nhân loại.
Lễ hội còn để tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự trường tồn của Tổ quốc; tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh, những mất mát đau thương do chiến tranh gây ra.
Hiện nay, UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hoàn thành dự thảo kế hoạch, kịch bản tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình lần thứ nhất năm 2024. Đồng thời, tích cực làm việc với các ban, bộ ngành Trung ương, các địa phương, đơn vị liên quan để tranh thủ các điều kiện tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình.
- Thưa ông, để hướng đến Lễ hội Vì Hòa bình được tổ chức tại các địa phương như được thông qua tại Đề án Lễ hội Vì Hòa bình thì vấn đề tôn tạo các di tích cần được quan tâm. Vậy đến thời điểm hiện tại các nguồn lực từ trung ương và địa phương tập trung cho công việc này như thế nào?
- Chúng tôi xác định đây là nội dung rất quan trọng. Nhằm bảo tồn và phát huy khai thác tiềm năng, thế mạnh văn hóa cội nguồn và di tích lịch sử để thúc đẩy du lịch phát triển, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho Nhân dân và đảm bảo tăng trưởng kinh tế, ngay từ năm 2017, Tỉnh ủy Quảng Trị đã ban hành Chương trình hành động số 83-CTHĐ/TU đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, tạo đột phá trong phát triển cho giai đoạn tiếp theo.
HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 167/ NQ-HĐND ngày 9/12/2021 về đầu tư bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp hệ thống di tích lịch sử văn hóa tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2025; Nghị quyết số 12/2022/NQ-HĐND về Chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2030 để thu hút và hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí khoảng hơn 72 tỉ đồng.
Ngày 29/11/2022, kỳ họp lần thứ 14, HĐND tỉnh Khóa VIII, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua 2 nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Công viên Thống nhất tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền LươngBến Hải và Dự án Khu di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu, bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị. Hai dự án có tổng kinh phí đầu tư 170 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách trung ương.
Dự án Công viên Thống nhất tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải là điểm nhấn về văn hóa, du lịch của tỉnh Quảng Trị. Kiến trúc công trình mang tính biểu tượng về truyền thống, bản sắc văn hóa, lịch sử tại địa phương, đất nước, phục vụ tham quan, nghiên cứu, học tập và giáo dục truyền thống cho các thế hệ.
Dự án Trùng tu, tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu, bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích thành một chuỗi di tích thiêng liêng, tôn vinh công lao to lớn của các chiến sĩ quân giải phóng, tạo ra một điểm đến du lịch mang giá trị nhân văn sâu sắc.
Cùng với đó, tất cả các di tích nằm trên những địa phương được quy hoạch để chuẩn bị tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình cũng được quan tâm, đầu tư, tôn tạo bằng nhiều nguồn lực và hình thức khác nhau để tạo điều kiện tốt nhất cho lễ hội này diễn ra thành công như mong đợi.
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động hướng tới Lễ hội Vì Hòa bình như chuỗi các hoạt động của tuổi trẻ cả nước với điểm nhấn là Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Khát vọng vì hòa bình năm 2022” tại thị xã Quảng Trị, các cuộc thi: sáng tác biểu tượng “Khát vọng hòa bình”, sáng tác logo và slogan du lịch Quảng Trị, khai trương các tour du lịch đêm đến Thành Cổ Quảng Trị, cầu Hiền Lương và 2 Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và Đường 9.
Phối hợp với Đại sứ quán Ai Len tổ chức “Lễ thắp đèn Xanh” trên cầu Hiền Lương, phối hợp với Đại sứ quán Mỹ tổ chức cho các đại sứ Mỹ dâng hương, viếng các anh hùng liệt sĩ tại các Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Đường 9; phối hợp với các tổ chức phi chính phủ Mỹ tổ chức các hoạt động giao lưu hữu nghị, trồng “Cây xanh hòa bình”…
Lễ hội Vì Hòa bình là một hoạt động văn hóa đương đại nhằm giáo dục, tôn vinh các giá trị hòa bình đồng thời tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và mảnh đất, con người Quảng Trị; thu hút du khách trong nước và quốc tế, qua đó thúc đẩy phát triển KT-XH.
Vì vậy, để Lễ hội Vì Hòa bình phát huy hết các giá trị và ý nghĩa cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quảng bá, đầu tư nguồn lực thích đáng đảm bảo lễ hội được tổ chức thành công và duy trì dài lâu. Thời kỳ đầu trong điều kiện nguồn lực tổ chức lễ hội của tỉnh còn hạn hẹp, các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội cần có sự tham gia, hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương và của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Sau khi định hình được thương hiệu tỉnh sẽ huy động nguồn lực xã hội hóa để thực hiện.
Như vậy, với những chủ trương, hành động quyết liệt, cụ thể của Tỉnh ủy và UBND tỉnh trong lĩnh vực du lịch, nhất là chuẩn bị cho Lễ hội Vì Hòa bình, hy vọng du lịch Quảng Trị sẽ tạo ra sức hấp dẫn mới để thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Quảng Trị.
- Xin cảm ơn đồng chí!
Tú Linh (thực hiện)