Đầu tư mạnh hơn cho y tế tuyến trạm
Hiện nay, các cơ sở y tế tuyến tỉnh đã được đầu tư bài bản. Theo chủ trương của ngành Y tế, những năm tiếp theo, ngành sẽ tập trung xây dựng, đầu tư cho y tế cơ sở, đặc biệt là trạm y tế.
Ngày 5-9, ông Lưu Thế Hạnh (61 tuổi, ngụ tại xã đồi 61, huyện Trảng Bom) bị sốc phản vệ trong tình trạng nặng. Sau khi uống thuốc, ông Hạnh bắt đầu thấy chân tay bủn rủn, khó thở và buồn nôn.
Khi vào Trạm y tế xã đồi 61, ông Hạnh liên tục ói, mạch, huyết áp tụt, tri giác bắt đầu lơ mơ. Sau khi khám, bác sĩ chẩn đoán, ông Hạnh bị sốc phản vệ do thuốc.
* Xây dựng mô hình điểm
Bác sĩ Nguyễn Đình Công, Trưởng trạm y tế xã đồi 61 cho biết, y, bác sĩ của trạm đã tiến hành cấp cứu sốc phản vệ theo đúng phác đồ. Tuy nhiên, tình trạng bệnh của ông Hạnh nặng nên các y, bác sĩ khá lo lắng. Sau 1 tiếng cấp cứu, mạch, huyết áp của ông Hạnh bắt đầu ổn định, trạm y tế mới chuyển bệnh nhân lên Trung tâm y tế huyện Trảng Bom điều trị tiếp. “Nếu chỉ chậm 5-10 phút, bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong rất cao” - bác sĩ Công nói.
Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ đánh giá, các trạm y tế trên địa bàn tỉnh chưa được đầu tư tương xứng nên người dân cũng chưa thực sự “mặn mà” đến trạm. Chính vì vậy, ngành Y tế sẽ tiếp tục trang bị chuyên sâu hơn về trang thiết bị, cơ sở vật chất cho các trạm. Từ đó, người dân sẽ yên tâm đến trạm chăm sóc y tế ban đầu, giảm tải rất lớn cho các bệnh viện, trung tâm y tế.
Gần đây, bác sĩ Công đã đi tham quan một trạm y tế theo mô hình Bộ Y tế đang xây dựng thí điểm tại TP.Hồ Chí Minh. Qua đó, bác sĩ Công thấy rằng, bác sĩ của trạm y tế này có công cụ kết nối trực tuyến với bác sĩ tuyến trên nhằm hỗ trợ chữa trị những ca bệnh nặng. Bác sĩ Công đánh giá: “Việc kết nối chẩn đoán giữa bác sĩ tuyến trạm và bác sĩ tuyến trên là rất quan trọng và thiết thực. Thực tế, trạm chỉ khám các bệnh thông thường hoặc bệnh mạn tính ổn định. Tuy nhiên, thỉnh thoảng trạm y tế vẫn tiếp nhận các ca bệnh nặng, vượt khả năng. Trong những trường hợp đó, nếu có sự hướng dẫn từ xa của các bác sĩ tuyến trên, chúng tôi tự tin hơn trong việc cứu bệnh nhân”.
Đồng quan điểm này, bác sĩ Nguyễn Thi Văn Văn, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Long Thành cho rằng, điểm đặc biệt nhất của các trạm y tế điểm là có hệ thống camera kết nối với các cơ sở y tế tuyến trên. Khi bác sĩ tuyến trạm tiến hành khám bệnh, gặp các ca khó sẽ hội chẩn trực tiếp với các bác sĩ ở bệnh viện lớn. Từ đó, các bác sĩ ở bệnh viện lớn sẽ hướng dẫn, hỗ trợ trực tiếp cho bác sĩ tuyến trạm.
Còn bác sĩ Trần Minh Đăng, Trưởng trạm y tế xã Tân Hiệp (huyện Long Thành) cho rằng, trạm y tế mà Bộ Y tế đang làm mô hình điểm có chuẩn khá cao, cơ sở vật chất rộng rãi, đầy đủ phòng chuyên môn và sạch sẽ. Cơ sở vật chất hiện tại của trạm còn thiếu, nhưng nhân lực sẽ đáp ứng được so với mô hình điểm.
* Cần “cởi trói” cho tuyến trạm
Để các trạm theo mô hình trên hoạt động tốt, Bộ Y tế cũng phải “cởi trói” cho tuyến trạm. Cụ thể như, theo quy định, những bệnh nhân bị mắc bệnh tiểu đường, đo đường huyết tại trạm y tế phải tự bỏ tiền túi vì bảo hiểm y tế không thanh toán. Hoặc theo quy định của Bảo hiểm xã hội, trạm phải có bác sĩ y học cổ truyền mới được thanh toán bảo hiểm y tế cho các dịch vụ: bấm huyệt, chiếu đèn, châm cứu… Trong khi các trạm y tế chỉ có y sĩ y học cổ truyền có chứng chỉ hành nghề.
“Nguồn bác sĩ y học cổ truyền rất khan hiếm, ngay ở các bệnh viện lớn cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu bác sĩ. Vì vậy, yêu cầu tuyến trạm có bác sĩ y học cổ truyền khó thực hiện được “giấc mơ” suốt nhiều năm qua. Hiện Bộ Y tế còn nhiều quy định bất cập đối với tuyến trạm” - bác sĩ Trần Minh Đăng chia sẻ.
Khi tham quan thực tế các trạm y tế điểm ở TP.Hồ Chí Minh, bác sĩ Nguyễn Thi Văn Văn nhận xét, trạm mô hình điểm được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, nhiều chuyên khoa hơn so với các trạm y tế ở Đồng Nai. Tuy nhiên, các phòng khám chuyên khoa này đều do các bác sĩ ở các bệnh viện hoặc trung tâm y tế hỗ trợ bởi các trạm không đủ nhân lực có chứng chỉ hành nghề để được thanh toán bảo hiểm y tế.
TS-BS.Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế cho hay, Sở Y tế đang chờ thông tư hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế về mô hình này. Sau đó, Sở sẽ triển khai cụ thể tại Đồng Nai, dựa vào nguồn kinh phí của ngành và tỉnh. Mỗi năm, 3 bệnh viện đang thực hiện cơ chế tự chủ (Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất và Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh) đã tiết kiệm cho ngân sách 200 tỷ đồng. Ngành Y tế chủ trương xin UBND tỉnh sử dụng số tiền này đầu tư cho y tế cơ sở.
“Mục tiêu của chúng tôi là đầu tư 4-5 năm sẽ hình thành được mạng lưới các trạm y tế theo đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Khi có mô hình cụ thể, nguồn lực thực sự sẽ thu hút được bác sĩ về tuyến trạm làm việc” - TS-BS.Phan Huy Anh Vũ chia sẻ.