Đầu tư mạnh vào quân sự, vũ khí thế hệ mới của TQ đã sẵn sàng
Sau quá trình đầu tư mạnh cho nghiên cứu quốc phòng, Trung Quốc dường như đã sẵn sàng để xuất xưởng thế hệ vũ khí mới hiện đại, không thua kém phương Tây.
Những năm gần đây, Trung Quốc đã đầu tư mạnh cho quốc phòng, với trọng tâm là nghiên cứu và phát triển các loại vũ khí thế hệ mới. Sự đầu tư đó đã giúp Trung Quốc đạt được nhiều tiến bộ, một số vũ khí mới đã cải thiện đáng kể năng lực của quân đội nước này (PLA).
Một số vũ khí mới sắp hoàn thành, số khác có thể được đưa vào sử dụng trong năm 2019, đánh dấu cột mốc quan trọng tham vọng quân sự của Trung Quốc, South China Morning Post cho biết.
Tàu sân bay thứ 2
Type-001A, tàu sân bay đầu tiên được đóng mới tại Trung Quốc đã trải qua 3 đợt thử nghiệm trên biển trong năm 2018. Nó có thể được đưa vào vận hành trong năm tới. Tàu sân bay Liêu Ninh, hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc, thử nghiệm lần đầu vào năm 2011 và đưa vào vận hành trong năm 2012.
Tàu sân bay Type-001A được thiết kế dựa trên Liêu Ninh, hàng không mẫu hạm lớp Kuznetsov của Liên Xô mà Trung Quốc mua lại từ Ukraine, Type-001A có một số sửa đổi đáng kể, gồm nâng cấp radar, thiết kế lại tháp chỉ huy và nhà chứa máy bay để có thể mang theo 32 tiêm kích J-15, thay vì 26 như bản gốc.
Hàng không mẫu hạm này vẫn sử dụng đường băng kiểu “nhảy cầu” tương tự Liêu Ninh. Theo cách đặt tên của hải quân Trung Quốc, Type-001A sẽ được đặt theo tên một tỉnh của Trung Quốc trước khi đưa vào vận hành, có thể là Sơn Đông.
Tàu khu trục Type-055
Trong năm 2019, hải quân Trung Quốc dự kiến tiếp nhận tàu khu trục Type-055 đầu tiên, đã được thử nghiệm trên biển từ tháng 8. Lớp tàu khu trục mang tên lửa điều khiển này có lượng choán nước tới 12.000 tấn, vượt quá kích cỡ của tàu khu trục thông thường. Nó có thể đóng vai trò hộ tống chính cho tàu sân bay.
Type-055 được đánh giá là tàu khu trục mạnh thứ 2 thế giới, sau khu trục hạm tương lai lớp Zumwalt của Mỹ, đồng thời là chiến hạm lớn nhất châu Á. Trung Quốc đang đẩy mạnh quá trình đóng mới Type-055 với tốc độ đáng kinh ngạc.
3 tàu đã được hạ thủy cùng lúc trong năm 2018, 4 tàu khác đang được đóng mới, nhằm đáp ứng tham vọng xây dựng lực lượng hải quân nước xanh của Trung Quốc.
Tên lửa đạn đạo JL-3
Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm thành công đầu tiên đối với tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) JL-3 vào cuối tháng 11. Washington Free Beacon trích dẫn nguồn tin tình báo Mỹ cho biết tên lửa được phóng từ tàu ngầm thông thường Type-032 sửa đổi. Vụ phóng diễn ra ở đông bắc vịnh Bột Hải.
JL-3 là SLBM thế hệ mới của Trung Quốc, dự kiến có thể mang theo tới 10 đầu đạn hạt nhân. JL-3 thuộc loại tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn. Nó được cho là phiên bản sử dụng trên tàu ngầm của tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41.
JL-3 có tầm bắn khoảng 12.000 km, tuy vậy tên lửa này vẫn chưa đạt tầm bắn đầy đủ do nền tảng thử nghiệm không đáp ứng được. Nếu JL-3 đạt tầm bắn 12.000 km có thể tấn công bất kỳ nơi nào trên lục địa Mỹ.
Sau khi được phát triển đầy đủ, JL-3 sẽ sánh ngang với tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Trident II của Mỹ và Bulava của Nga. JL-3 dự kiến trang bị cho tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type-096 trong tương lai.
Tàu ngầm hạt nhân Type-095
Type-095 sẽ là tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân đảm nhận nhiệm vụ hộ tống dưới nước cho các nhóm tác chiến tàu sân bay trong tương lai. Tổng cộng 8 tàu sẽ được đóng mới. Một số nguồn tin quân sự Trung Quốc cho biết quá trình đóng mới Type-095 có thể đã bắt đầu trong năm 2017.
Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, Type-095 có thảm âm thanh mới và công nghệ chống ồn tốt hơn. Type-095 được cho là sẽ yên tĩnh hơn nhiều so với tàu ngầm hạt nhân Type-093B, vốn nổi tiếng có độ ồn lớn khi hoạt động.
Type-095 cũng có thể tùy chọn sử dụng động cơ không khí tuần hoàn độc lập (AIP) có thể duy trì nhiệm vụ dưới nước trong nhiều tháng. Tàu ngầm này được trang bị hệ thống vũ khí có năng lực hơn.
Tiêm kích FC-31 và máy bay cảnh báo sớm KJ-600
FC-31 là chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5. Nó thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2012. Tiêm kích này đang trong quá trình thử nghiệm và sửa đổi, dự kiến hoàn thành trong một hoặc hai năm tới. FC-31 nhỏ hơn so với máy bay chiến đấu tàng hình J-20.
Một số nhà phân tích nhận định, FC-31 có thể thay thế J-15 trong vai trò tiêm kích trên hạm chủ lực của hải quân Trung Quốc.
Trong khi đó KJ-600 được cho là sẽ giúp nâng cao đáng kể năng lực cảnh báo sớm trên không vốn còn nhiều hạn chế của Trung Quốc, đặc biệt là cảnh báo sớm trên hạm. KJ-600 có thể được phát triển để trang bị cho tàu sân bay tương lai của Trung Quốc.
KJ-600 được trang bị radar quét mạng pha điện tử chủ động (AESA) có thể phát hiện nhiều mục tiêu cùng lúc. Nó sẽ sớm thực hiện chuyến bay đầu tiên trong thời gian tới. Trung Quốc vẫn chưa có máy bay cảnh báo sớm cánh cố định trên hạm, do các tàu sân bay hiện tại không được thiết kế cho loại máy bay này.
KJ-600 được thiết kế cho tàu sân bay thế hệ tiếp theo của Trung Quốc, sử dụng máy phóng có thể là điện từ như siêu tàu sân bay lớp Ford của Mỹ.
Máy bay ném bom tàng hình H-20
Trung Quốc đã xác nhận rằng máy bay ném bom chiến lược mới được gọi là H-20. Trong tháng 8, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc cho biết quá trình chế tạo H-20 đã đạt được tiến bộ đáng kể.
H-20 cùng với tiêm kích tàng hình J-20, máy bay vận tải hạng nặng Y-20, trực thăng vận tải đa năng Z-20 sẽ là những vũ khí mới của không quân Trung Quốc vào năm 2020. Một số nhà phân tích dự đoán những máy bay được đặt số hiệu 20 nhằm ám chỉ thời gian đưa vào hoạt động là năm 2020.
Dù ít được biết đến, H-20 được cho là bước tiến lớn so với máy bay ném bom tầm xa H-6K, loại máy bay ném bom chiến lược duy nhất hiện nay của Trung Quốc. H-6K là một thiết kế dựa trên Tu-16 do Liên Xô sản xuất trong thập niên 50.
Trong video quảng cáo được Tập đoàn máy bay Xian công bố, nguyên mẫu H-20 được phủ một tấm màn tương tự như cách Tập đoàn Northrop Grumman giới thiệu máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-21 Raider. Một số nhà phân tích nhận định H-20 có thiết kế giống B-2 Spirit của Mỹ.