Đầu tư Mỹ - Trung chạm đáy gần 10 năm vì Covid-19 và căng thẳng chính trị

Dự kiến trong những tháng cuối năm nay, dòng chảy đầu tư giữa Mỹ và Trung Quốc khó có khả năng phục hồi do môi trường chính trị cũng như thỏa thuận ít ỏi.

Căng thẳng leo thang trong quan hệ song phương cùng sự suy thoái kinh tế vì đại dịch Covid-19 đã đẩy dòng vốn giữa Mỹ và Trung Quốc nửa đầu năm 2020 xuống mức thấp nhất gần 10 năm, theo báo cáo mới đây từ Dự án đầu tư Mỹ - Trung (US - China Investment Project).

Sáng kiến này hiện được dẫn dắt bởi công ty nghiên cứu kinh tế Rhodium Group và tổ chức phi lợi nhuận có tên Ủy ban Quốc gia về quan hệ Mỹ - Trung Quốc.

Cụ thể, tổng đầu tư trực tiếp lẫn đầu tư mạo hiểm (venture capital) giữa hai quốc gia đạt 10,9 tỷ USD trong 6 tháng đầu 2020, rơi về mức thấp nhất kể từ nửa sau của năm 2011. Mức sụt giảm này thậm chí đã có nguy cơ lớn hơn nữa nếu không có thương vụ mua lại đặc biệt lớn được thúc đẩy từ năm ngoái.

Vốn đầu tư mạo hiểm và FDI đã hoàn thành giữa Trung Quốc và Mỹ (tỷ USD).

Vốn đầu tư mạo hiểm và FDI đã hoàn thành giữa Trung Quốc và Mỹ (tỷ USD).

Tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc vào Mỹ tăng nhẹ lên mức 4,7 tỷ USD nửa đầu năm nay so với con số 3,4 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ thương vụ mua cổ phần tại Universal Music Group trị giá 3,4 tỷ USD của Tencent.

Số lượng các giao dịch đầu tư được hoàn thành vẫn ở mức thấp do hàng loạt chính sách hạn chế rộng hơn được Mỹ áp dụng, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ. Sự hào hứng mua tài sản Mỹ gặp khó khăn vì Covid-19 của Trung Quốc đã không trở thành hiện thực.

Ở chiều ngược lại, FDI từ Mỹ vào Trung Quốc giảm do tác động kép từ đại dịch cũng như căng thẳng trong quan hệ song phương. Các doanh nghiệp Washington đã cắt giảm đầu tư mới vào Bắc Kinh trong 6 tháng đầu năm nhưng vẫn cam kết với các dự án đang được thực hiện và các thương vụ mua lại đã được công bố trước đó.

Các khoản đầu tư đã được hoàn thành giảm tới 31% so với 6 tháng đầu năm ngoái, ở mức 4,1 tỷ USD.

Cho đến nay, phản ứng của Trung Quốc đối với các chính sách từ Mỹ đã ít hơn, khác với tình trạng "ăn miếng trả miếng" từng diễn ra trong khu vực thương mại. Tuy nhiên, các nhà đầu tư Mỹ có thể phải đối mặt với phản ứng dữ dội, mạnh mẽ nếu quan hệ song phương trở nên tồi tệ, báo cáo nhấn mạnh.

Xét về đầu tư mạo hiểm, hoạt động đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ vẫn ổn định nhưng tổng số vốn tính trong thời kỳ 6 tháng đầu năm đã giảm xuống mức thấp nhất 6 năm, đạt khoảng 800 triệu USD. Lĩnh vực y tế và sinh học đóng góp tới khoảng 50% tổng giá trị giao dịch và chiếm 5/10 giao dịch lớn nhất trong nửa đầu năm 2020.

Ở chiều ngược lại, đầu tư mạo hiểm từ Mỹ vào Trung Quốc rơi về mức thấp nhất 4 năm do sự suy thoái trên diện rộng của lĩnh vực công nghệ. Ước tính các nhà đầu tư Washington đã tham gia vào 120 giao dịch với tổng giá trị đầu tư khoảng 1,3 tỷ USD cho các doanh nghiệp khởi nghiệp của Bắc Kinh với sự sụt giảm đáng kể trong đóng góp cho các vòng gọi vốn giai đoạn đầu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa qua đã yêu cầu Bytedance bán ứng dụng truyền thông xã hội TikTok cho Mỹ là ví dụ mới nhất trong loạt thương vụ bị buộc phải diễn ra dưới áp lực từ cơ quan quản lý Mỹ.

Trước đó, chính quyền ông Trump đã tiến hành một số hành động cứng rằn với doanh nghiệp Trung Quốc với lý do rủi ro an ninh quốc gia như đưa gã khổng lồ viễn thông Huawei vào danh sách đen – danh sách những doanh nghiệp bị cấm mua linh kiện và công nghệ bởi công ty Mỹ khi không có sự chấp thuận từ chính phủ.

Điều này đồng nghĩa rằng trong bối cảnh căng thẳng song phương ngày càng gia tăng, nhiều công ty khác, bao gồm công ty Trung Quốc hoạt động tại Mỹ và ngược lại, có thể đối mặt với áp lực thoái vốn gia tăng.

Dự báo trong nửa cuối năm nay, dòng chảy đầu tư giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới khó có khả năng phục hồi do môi trường chính trị cũng như thỏa thuận ít ỏi của hai bên.

Minh Nhật

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/dau-tu-my-trung-cham-day-gan-10-nam-vi-covid-19-va-cang-thang-chinh-tri-1600414832991.htm