Đầu tư năng lượng xanh: Doanh nghiệp 'ngóng' cơ chế
Nhiều doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam đã và đang đầu tư cho các nguồn năng lượng xanh như điện mặt trời mái nhà tuy nhiên còn nhiều vướng mắc.
Doanh nghiệp băn khoăn
Phát biểu tại Tọa đàm “Năng lượng xanh cho doanh nghiệp: Tính cấp thiết và vấn đề đặt ra trong thực tiễn” diễn ra chiều 17/5, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay: Hiện, chỉ một số ít doanh nghiệp xuất khẩu may mặc chọn phương án mua điện năng lượng tái tạo từ hệ thống điện mặt trời mái nhà của các quỹ đầu tư nước ngoài. Với các ngành sản xuất khác, doanh nghiệp mong muốn được sử dụng năng lượng xanh để tiết kiệm chi phí hoạt động, vận hành nhà máy và thực hiện chứng chỉ xanh.
Bổ sung thêm thông tin của ngành dệt may, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: Ngành dệt may đã tiếp cận với năng lượng xanh, năng lượng tái tạo từ điện áp mái, điện mặt trời từ rất sớm… Việc tiếp cận với năng lượng tái tạo đem đến nhiều lợi ích cho cả các bên, nhất là những lĩnh vực có sự tiêu thụ lớn như kéo sợi.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất trong việc áp dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh chính là tài chính, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ khả năng để đầu tư phát triển song hành trong quá trình sản xuất và không phải ngân hàng nào cũng cấp vốn cho doanh nghiệp để đầu vào lĩnh vực này.
Việc các doanh nghiệp tiếp cận với năng lượng tái tạo, năng lượng xanh là cần thiết, bởi hiện tại, chi phí điện lưới là rất lớn, việc phát triển điện mái nhà, điện mặt trời sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ tạo ra các chứng chỉ xanh mà còn giúp giảm chi phí sản xuất, tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa.
Lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho rằng: Quy hoạch Điện VIII được phê duyệt là rất tốt nhưng cần được chuẩn hóa để có một tiêu chuẩn thống nhất trên cả nước, đặc biệt là tấm pin năng lượng để đảm bảo an toàn cho người lắp đặt, sử dụng. Cùng với đó, các cơ quan quản lý cũng cần tính đến phương án đưa phần điện dư thừa lên hệ thống lưới điện để tạo ra nguồn thu cho doanh nghiệp.
“Để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho năng lượng xanh, cần phải có các cơ chế cụ thể để thu hút việc đầu tư, đảm bảo hài hòa lợi ích”, ông Vũ Đức Giang bày tỏ.
Từ thực tế vướng mắc của doanh nghiệp, ông Hà Mạnh - Giám đốc điều hành Tổng Công ty May 10-CTCP băn khoăn: May 10 có nhiều nhà máy đã xây dựng từ thời gian trước, hệ thống phòng cháy chữa cháy đã được thiết kế và nghiệm thu trước đó. Hàng năm đều có lực lượng phòng cháy chữa cháy địa phương kiểm tra đều đảm bảo.
"Nhưng nếu bây giờ chúng tôi đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời lại có yêu cầu tổng duyệt toàn bộ nhà máy. Điều này yêu cầu chúng tôi phải lắp đặt lại toàn bộ hệ thống phòng cháy chữa cháy để được tổng duyệt nghiệm thu hệ thống lắp đặt điện mái nhà. Điều này phát sinh nhiều chi phí ", ông Hà Mạnh nói.
Thủy sản cũng là một trong những ngành sử dụng nguồn năng lượng lớn, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) bày tỏ: Doanh nghiệp thành viên hiệp hội có nhu cầu và gửi văn bản tới các cơ quan liên quan xin phép lắp điện mặt trời áp mái cho nhà máy thủy sản và bao bì. Do một số vướng mắc ở văn bản quy phạm pháp luật hiện hành nên vẫn chưa thực hiện được.
“Chúng tôi mong muốn Chính phủ sớm có cơ chế mới về lắp đặt điện mặt trời áp mái để các công ty có thể áp dụng”, ông Nguyễn Hoài Nam nói. Đồng thời đề xuất, Bộ Công Thương nhanh chóng hỗ trợ về cơ chế để doanh nghiệp nhanh chóng đầu tư và lắp đặt điện mặt trời áp mái được đấu nối và có lắp đặt thiết bị chống phát ngược.
Ông Nguyễn Hải Anh, Phó tổng Giám đốc Công ty CP Shinec, Chủ đầu tư KCN Sinh thái Nam Cầu Kiền phản ánh: Quy định phòng cháy chữa cháy cho điện mặt trời mái nhà mới nhất hạn chế về giới hạn chịu lửa R15, trong khi đa số các nhà xưởng thép tiền chế đều không đạt tiêu chuẩn này. Quy định chất chống cháy lan đối với các lớp cách nhiệt trên mái cũng rất khó đạt được. Điều này cho thấy các quy định của phòng cháy chữa cháy thiếu tính thực tiễn.
Cần sớm đưa Quy hoạch điện VIII vào thực thi
Trước những băn khoăn của doanh nghiệp, tại Tọa đàm, ông Trần Thanh Bình, Phó Trưởng ban Kinh doanh, Tập đoàn EVN chia sẻ: Điện mặt trời mái nhà là một lĩnh vực rất có lợi cho chủ đầu tư, doanh nghiệp, người dân cũng như cả hệ thống điện. Đặc điểm của nó là nguồn phân tán sản xuất điện tại chỗ, không tốn nhiều chi phí truyền tải và tận dụng được nguồn lực xã hội hóa.
Tuy nhiên thời gian qua phát sinh nhiều vấn đề bởi đây là một lĩnh vực mới, có cơ chế khuyến khích nên thu hút được nhà đầu tư. “Ngoài các nhà đầu tư chuyên nghiệp hiểu biết rất sâu, vẫn còn có một số nhà đầu tư theo tâm lý đám đông chưa chắc đã hiểu hết về quy định pháp luật liên quan do đó đã nảy sinh một số vấn đề phức tạp”, ông Trần Thanh Bình nói.
Bên cạnh đó, vẫn có một số cơ chế tiêu chuẩn liên quan chúng ta chưa kịp xây dựng, ban hành hướng dẫn cụ thể dẫn tới chồng chéo, khiến một số chủ đầu tư không hiểu hết và không tuân thủ.
Khẳng định Quy hoạch điện VIII là nền tảng tốt cho Việt Nam phát triển các nguồn năng lượng xanh cần sớm đưa vào thực thi, ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam thông tin: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII, trong đó có đặt ra mục tiêu thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải. Định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5% sản lượng điện sản xuất.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh hiện tại có một số xu hướng thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo: Thứ nhất, thủy điện của Việt Nam có chi phí thấp nhất trong các nguồn điện. Các công nghệ điện mặt trời và gió cũng đã đạt được lợi thế cạnh tranh do tiến bộ công nghệ và tăng cường đầu tư; điện mặt trời và điện gió hiện đã cạnh tranh được với nhiệt điện sử dụng than nhập khẩu.
Dự kiến các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục giảm chi phí đáng kể trong những thập kỷ tới, trong khi chi phí của nguồn nhiệt điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch có xu hướng tăng do các yêu cầu về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe.
Thứ hai, các vấn đề do nhiên liệu hóa thạch gây ra, như ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu trên diện rộng đã khiến Chính phủ, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân nhận thấy sự cần thiết phải giảm phát thải khí nhà kính trong nền kinh tế.
Thứ ba, với hiệu quả về môi trường và cả về kinh tế, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu tăng nhanh tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo trong cân đối năng lượng chung. Tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp tăng từ 31% vào năm 2020 lên đạt trên 90% vào năm 2050.
Thứ tư, tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo trong ngành điện.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng nhận định: Các nguồn điện linh hoạt trong hệ thống điện (thủy điện, tuabin khí hỗn hợp sử dụng khí đốt) hiện chiếm trên 40% tổng công suất các nguồn điện của hệ thống nên sự thay đổi của các nguồn điện mặt trời và điện gió chưa ảnh hưởng nhiều đến an toàn vận hành trong hệ thống. Tuy nhiên, khi tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo biến đổi chiếm tỷ trọng cao, cần thực hiện các giải pháp để bảo đảm an toàn, linh hoạt trong hệ thống điện.
Theo đó, các giải pháp chủ yếu gồm: Nâng cao độ chính xác của công tác dự báo thời tiết để giảm sự không chắc chắn của các nguồn năng lượng tái tạo biến đổi; phát triển các nguồn điện linh hoạt để thích ứng với sự biến đổi; thực hiện liên kết lưới điện với các nước trong khu vực; phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng quy mô lớn, đầu tư phát triển và cải tạo hệ thống lưới truyền tải.
Phân cấp cho các đơn vị điện lực tại các địa phương quản lý vận hành các nguồn điện đấu nối với lưới điện phân phối, thực hiện tối ưu hóa vận hành hệ thống phân phối với các nguồn năng lượng phân tán.
Phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng trong các nhà máy điện gió, điện mặt trời và tại các hộ gia đình có nguồn điện tái tạo. Phát triển lưới điện thông minh nhằm tăng cường quản lý phía cầu và kết hợp sử dụng tối ưu nguồn năng lượng tái tạo trong hệ thống.
“Với việc thực hiện tốt các giải pháp trên, đảm bảo hệ thống năng lượng Việt Nam sẽ thực hiện chuyển đổi thành công, góp phần phát triển bền vững và hiệu quả hệ thống năng lượng, phù hợp với xu thế chuyển đổi năng lượng trên thế giới”, ông Nguyễn Văn Vy nhận định.