Đầu tư nguồn lực, tạo đà phát triển các môn thể thao mới

Trước sự cạnh tranh mạnh mẽ về thành tích ở các đấu trường lớn, thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đầu tư, phát triển nhiều môn thể thao mới, chuẩn bị tốt lực lượng vận động viên (VĐV) ở các giải đấu.

Đưa môn mới vào huấn luyện, thi đấu

Từ năm 2021 trở về trước, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao (TDTT) tỉnh đào tạo, huấn luyện VĐV của 11 bộ môn thể thao thành tích cao để tham dự các giải đấu. Ngoài các môn như: Điền kinh, wushu… vẫn duy trì bảo vệ được huy chương danh giá ở các giải vô địch quốc gia, SEA Games, châu Á, thời gian gần đây, một số môn vốn là thế mạnh của Bắc Giang trước kia có chiều hướng bị chững lại trên đường đua giành huy chương ở các đấu trường lớn. Số huy chương giành được ở Đại hội thể thao toàn quốc; các giải vô địch quốc gia, Đông Nam Á, châu lục rất hiếm, như các môn: Cầu lông, cờ vua, vật, cầu mây… Mặt khác, hiện nay, nhiều bộ môn thể thao mới được đưa vào hệ thống giải đấu quốc gia, quốc tế. Vì thế, việc tỉnh Bắc Giang thành lập, phát triển các bộ môn thể thao mới là cần thiết.

 Buổi tập luyện môn Jujitsu tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh Bắc Giang.

Buổi tập luyện môn Jujitsu tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh Bắc Giang.

Trong các năm từ 2022 -2024, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh thành lập 8 bộ môn thể thao mới gồm: Cờ tướng, Jujitsu, cử tạ, đẩy gậy, kéo co, kickboxing, cờ vây, trượt patin. Mặc dù là những môn mới song giới chuyên môn nhận định Bắc Giang có tiềm năng, điều kiện để phát triển và có khả năng tranh huy chương ở các giải quốc gia, quốc tế nếu như được quan tâm đầu tư đúng mức. Được biết, nguồn VĐV của các bộ môn này phần lớn được tuyển chọn từ các giải phong trào, câu lạc bộ và phát hiện trong thi đấu, tập luyện.

Trong các năm từ 2022 - 2024, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh thành lập 8 bộ môn thể thao mới gồm: Cờ tướng, Jujitsu, cử tạ, đẩy gậy, kéo co, kickboxing, cờ vây, trượt patin. Mặc dù là những môn mới song giới chuyên môn nhận định Bắc Giang có tiềm năng, điều kiện để phát triển và có khả năng tranh huy chương ở các giải quốc gia, quốc tế nếu như được quan tâm đầu tư đúng mức.

Theo ông Bùi Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh, để nâng cao chất lượng đào tạo, huấn luyện các bộ môn, Trung tâm thường xuyên cử huấn luyện viên (HLV), VĐV tham gia các lớp bồi dưỡng về chuyên môn mang tính chuyên sâu dưới sự hỗ trợ, hướng dẫn của những chuyên gia có uy tín trong và ngoài nước. Xây dựng giáo án, bài giảng phù hợp với từng đối tượng. Thường xuyên tổ chức thi đấu giao lưu, cọ xát ở nhiều tỉnh, thành phố, ngành để nâng cao kỹ thuật, chiến thuật, rèn tâm lý thi đấu. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, huấn luyện. Tham mưu đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Tính đến nay, tỉnh Bắc Giang có tổng số 19 bộ môn được đào tạo trong hệ thống giải đấu quốc gia, quốc tế. Thực tế, trước khi thành lập, một số môn đã được đoàn Bắc Giang tham gia thi đấu giành nhiều Huy chương Vàng (HCV) ở các giải quốc gia, quốc tế, như: Cờ tướng, Jujitsu, đẩy gậy. Đặc biệt, tại Giải Vô địch cờ tướng thế giới năm 2022 tổ chức tại Malaysia, VĐV Phùng Bảo Quyên đã giành Huy chương Bạc (HCB). Ở Giải Vô địch trẻ Jujitsu Đông Nam Á năm 2024 tổ chức tại Indonesia, đoàn Bắc Giang giành 3 HCV, 2 HCB, 2 Huy chương Đồng (HCĐ). Trước đó, vào tháng 4/2024, tại Giải Vô địch trẻ châu Á, Bắc Giang giành 1 HCB, 2 HCĐ.

Anh Trần Vũ Quang, HLV môn Jujitsu, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh cho biết, mặc dù bộ môn này mới được thành lập năm 2022 nhưng Bắc Giang luôn nằm trong tốp 10 tỉnh, TP, ngành có thành tích thi đấu cao nhất ở các giải vô địch quốc gia. Chỉ tính từ đầu năm 2024 đến nay, đoàn Bắc Giang thi đấu 7 giải vô địch Jujitsu (5 giải vô địch trong nước, 2 giải vô địch trẻ châu Á và Đông Nam Á) giành tổng số gần 30 HCV, vượt mục tiêu đề ra. Từ nay đến cuối năm, Bắc Giang sẽ tham gia 4 giải đấu (3 giải trong nước, 1 giải quốc tế). "Đây là môn thể thao thi đấu đối kháng, tính chất khắc nghiệt, dễ bị chấn thương. Nếu VĐV không đam mê, say cháy dễ từ bỏ sự nghiệp. Tuy nhiên, VĐV Bắc Giang rất nỗ lực quyết tâm huấn luyện, thi đấu giành thành tích cao trước các đối thủ mạnh", anh Quang chia sẻ.

Đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường chính sách đãi ngộ

Mặc dù thành lập nhiều môn mới, một số môn đã khẳng định chỗ đứng trong bảng xếp hạng thành tích song thể thao của Bắc Giang cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải nỗ lực không ngừng mới có thể đạt được kết quả như mong đợi. Hiện nay, các tỉnh, TP, ngành có sự quan tâm, đầu tư rất lớn đối với các môn thể thao thành tích cao, từ cơ sở vật chất, công tác bồi dưỡng, đào tạo, huấn luyện đến các cơ chế, chính sách đãi ngộ, khen thưởng.

 Trận đấu nội dung cờ tiêu chuẩn của VĐV đoàn Bắc Giang (bên trái) với VĐV đoàn Đà Nẵng tại Giải Vô địch cờ tướng trẻ quốc gia năm 2024 tổ chức tại Bắc Giang.

Trận đấu nội dung cờ tiêu chuẩn của VĐV đoàn Bắc Giang (bên trái) với VĐV đoàn Đà Nẵng tại Giải Vô địch cờ tướng trẻ quốc gia năm 2024 tổ chức tại Bắc Giang.

Theo Đề án Phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023-2030 của UBND tỉnh, từ năm 2024-2026, tỉnh tập trung đầu tư cho các môn thể thao thế mạnh, trong đó chú trọng đầu tư phát triển các môn thể thao mũi nhọn, có trong chương trình thi đấu Đại hội Thể thao toàn quốc, SEA Games, Asiad, Olympic. Phát triển một số môn thể thao mới, như: Cờ vây, kéo co, nhóm môn thể thao dưới nước (Canoeing, Rowing…), nhóm các môn võ (Kickboxing, Kurask…). Hằng năm, tham gia thi đấu giành từ 200-230 huy chương các loại, trong đó có 6-8 huy chương quốc tế, đóng góp từ 15 - 20 VĐV vào các đội tuyển và đội tuyển trẻ quốc gia, có từ 50 VĐV đạt đẳng cấp quốc gia. Giai đoạn 2027-2030, hằng năm, tham gia thi đấu giành từ 220-250 huy chương các loại, trong đó có 8-10 huy chương quốc tế. Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ XI năm 2030, phấn đấu trong tốp 15 các tỉnh, TP, ngành tham dự Đại hội trong bảng tổng sắp huy chương và xếp thứ Nhất các tỉnh miền núi trong toàn quốc.

Nhằm nâng cao chất lượng công tác chuyên môn đối với các môn thể thao thành tích cao, nhất là bộ môn mới, thời gian tới, ngành chức năng tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng tiêu chuẩn tuyển chọn VĐV các môn bảo đảm tính khoa học. Chú trọng nâng cao công tác huấn luyện. Tăng cường tổ chức tập huấn ở nước ngoài, các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia. Hằng năm, có kế hoạch thuê chuyên gia giỏi để huấn luyện các VĐV có khả năng tranh huy chương ở các giải quốc gia, khu vực và quốc tế.

Ông Nguyễn Trọng Bắc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Sở sẽ tiếp tục khai thác có hiệu quả hệ thống cơ sở vật chất hiện có; đồng thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh lộ trình xây dựng sân vận động tỉnh, khu tập luyện và thi đấu thể thao dưới nước. Tăng cường đầu tư, mua sắm, bổ sung trang thiết bị, dụng cụ đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác huấn luyện. Đặc biệt, năm 2025, đơn vị sẽ tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh sửa đổi một số chính sách đặc thù đãi ngộ đối với HLV, VĐV giành huy chương Olympic, Asiad, SEA Games. Huy động các nguồn lực cho công tác xã hội hóa đối với thể thao thành tích cao.

Bài, ảnh: Công Doanh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/dau-tu-nguon-luc-tao-da-phat-trien-cac-mon-the-thao-moi-112258.bbg