Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bị tác động rất ít so với thế giới
Việt Nam đang được xác định là điểm đến đầu tư hấp dẫn với những lợi thế cạnh tranh sẵn có, như việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cùng với những biện pháp phòng chống dịch Covid-19 tích cực và hiệu quả.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, để tận dụng làn sóng đầu tư mới này thì Việt Nam phải khác trước đây, đó là thị trường minh bạch, tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư, chủ động và nhất quán về chính sách thu hút đầu tư, đồng thời các doanh nghiệp trong nước cũng phải chủ động hơn nữa. Có như vậy thì Việt Nam mới tận dụng được cơ hội vàng để đón các nhà đầu tư nước ngoài đến hợp tác đầu tư, biến các tiềm năng trở thành sức mạnh cho nền kinh tế, đứng vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu.
Ông Đỗ Nhật Hoàng – Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, đầu tư của thế giới năm 2020 có thể giảm từ 40% và các nền kinh tế thế giới thì giảm sâu, thậm chí âm. Trong khi ở Việt Nam, vốn đăng ký mới tăng thêm gần 20 tỷ USD, giảm hơn 13% so với cùng kỳ, vốn giải ngân giảm hơn 5% so với cùng kỳ. So với thế giới, Việt Nam giảm rất ít.
Đặc biệt, Việt Nam có một tín hiệu đáng mừng là số dự án đăng ký mới tăng 6,6%, dự án đăng ký tăng thêm tăng 22,2%. Con số xuất nhập khẩu của Việt Nam chỉ giảm 5 đến 6%. Điều đó chứng tỏ rằng các doanh nghiệp trong khối đầu tư nước ngoài vẫn bị tác động, nhưng rất ít, có thể nói là vẫn hoạt động bình thường.
“Tần suất các nhà đầu tư quan tâm đến Việt Nam ngày càng tăng lên. Chúng tôi đã tổ chức rất nhiều cuộc tọa đàm trực tuyến để trao đổi với các nhà đầu tư nước ngoài, để thấy rằng các nhà đầu tư đang rất quan tâm đến đầu tư ở Việt Nam. Đó là tín hiệu đáng mừng, mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam tham gia kết nối với các kênh đầu tư nước ngoài”, ông Đỗ Nhật Hoàng khẳng định.
Với rất nhiều nỗ lực cải cách trong thời gian vừa qua, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài, về yếu tố chính tạo nên sức hấp dẫn này, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, sẽ phụ thuộc vào yếu tố bên trong và yếu tố bên ngoài.
Yếu tố bên trong là Việt Nam có sự chuẩn bị nỗ lực nhiều năm nay và nhiều lợi thế sẵn có như: ổn định về chính trị, có dân số tiệm cận 100 triệu dân, có nguồn nhân lực dồi dào, có chi phí đi lại cạnh tranh, hội nhập sâu rộng các nền kinh tế trên thế giới, luôn có nhiều cải cách, vị thế của Việt Nam ngày càng tăng trên thị trường quốc tế, vị rí của Việt Nam nằm ở trung tâm Đông Nam Á… Các yếu tố này làm tăng sức hấp dẫn vốn có của Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây.
Một số năm trở lại đây, Việt Nam đang đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường đầu tư một cách quyết liệt, vị thế trên trường quốc tế ngày càng tăng, có nhiều cơ chế ưu đãi và đặc biệt là gần đây đã xử lý thành công mục tiêu kép: vừa ngăn chặn dịch Covid-19 vừa phục hồi kinh tế.
Về yếu tố bên ngoài, đó chính là sự chuyển dịch của đầu tư trên thế giới một cách tự nhiên. “Sự xung đột kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc khiến các doanh nghiệp trên thế giới đang tái cơ cấu lại đầu tư. Cùng với đó là dịch Covid-19 làm làm đứt gãy chuỗi cung cầu, phải tái cơ cấu ngay, chuyển dịch ngay và luôn, cho nên họ phải tạo ra dòng chuyển dịch. Với những yếu tố như vậy thì dòng dịch chuyển đã đến nhiều nước, trong đó có Việt Nam”, ông Hoàng cho biết.