Đầu tư phát triển hạ tầng thủy lợi tại những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung
Những năm qua, thực hiện phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh ta đã ưu tiên dành nguồn lực để triển khai nâng cấp, cải thiện hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong đó, tại hầu hết những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, hệ thống hạ tầng thủy lợi được đầu tư xây dựng mới và cải thiện đáng kể, góp phần nâng cao chất lượng, sản lượng và giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp.
Trạm bơm đầu mối tại thôn Yên Thôn, xã Định Tiến (Yên Định) cung cấp nước tưới cho 100% diện tích cây trồng tại địa phương. Ảnh: Lê Hòa
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh có 2.524 công trình tưới, tiêu nước, 12.984 km kênh mương nội đồng, hằng năm đảm bảo tưới cho 423.000 ha cây trồng chủ yếu, như: Lúa, ngô, lạc, đậu tương, khoai lang... Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh đã chú trọng thực hiện các giải pháp như tích tụ ruộng đất, đầu tư, ứng dụng các biện pháp thâm canh và an toàn thực phẩm... để hình thành 17 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung cấp tỉnh và 55 vùng sản xuất tập trung cấp huyện, xã. Đáng chú ý, tại hầu hết những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, hệ thống hạ tầng thủy lợi đều được đầu tư đồng bộ, kiên cố, bảo đảm tưới tiêu cho hơn 95% diện tích cây trồng.
Xã Định Tiến là một trong những địa phương nằm trong vùng chuyên canh sản xuất lúa giống của huyện Yên Định. Hằng năm, người dân trên địa bàn xã tham gia sản xuất khoảng 500 ha hạt giống lúa thuần, lúa lai F1. Ông Nguyễn Văn Quý, Chủ tịch HĐQT HTX dịch vụ nông nghiệp Định Tiến, cho biết: Trên địa bàn xã có 35,7 km kênh mương nội đồng, 1 trạm bơm chính, 2 trạm bơm động cơ. Trước đây, việc thiếu nước tưới tiêu diễn ra thường xuyên, dẫn đến năng suất không ổn định; việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng cũng gặp khó khăn. Từ khi hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng tại địa phương được kiên cố hóa, 100% diện tích lúa và 96% diện tích rau màu được tưới tiêu chủ động, bảo đảm quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp tăng lên. Tại vùng chuyên canh sản xuất lúa giống, năng suất bình quân đạt 28-30 tạ/ha, giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác tại địa phương đạt 150 triệu đồng/ha/năm (cao hơn 7 triệu đồng so với bình quân toàn huyện).
Để nâng cao giá trị kinh tế tại những vùng sản xuất tập trung, ngoài sự đầu tư, ứng dụng khoa học - kỹ thuật của người dân, huyện Hậu Lộc đã chú trọng lồng ghép kinh phí từ các nguồn hỗ trợ để xây dựng hệ thống hạ tầng thủy lợi bảo đảm việc cung cấp nước tưới tiêu, phát triển sản xuất. Tại vùng phát triển nuôi trồng thủy sản nội đê xã Đa Lộc, địa hình khó khăn, tiếp giáp giữa sông và vùng cửa biển, nguy cơ xâm nhập mặn khá cao. Nhờ hệ thống thủy lợi, kênh tiêu thoát nước và các cống ngăn mặn được đầu tư kiên cố, đồng bộ nên lượng nước ngọt để phát triển nuôi trồng thủy sản ổn định. Được biết, huyện Hậu Lộc đã xây dựng được các vùng sản xuất tập trung, như: Vùng sản xuất rau an toàn tại các xã Phú Lộc, Liên Lộc, Thịnh Lộc, Quang Lộc...; vùng phát triển nuôi trồng thủy sản tại các xã Đa Lộc, Minh Lộc, Hải Lộc, Xuân Lộc, Hòa Lộc...; vùng thâm canh sản xuất lúa tại các xã Tuy Lộc, Hoa Lộc, Thịnh Lộc, Lộc Tân... Đại diện lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Hậu Lộc, cho biết: Trên địa bàn huyện có 547 km kênh mương nội đồng, thực hiện chương trình xây dựng NTM từ năm 2010 đến tháng 9-2019, toàn huyện đã thực hiện kiên cố hóa 278,9 km kênh mương. Trong đó, tại những vùng sản xuất tập trung 100% kênh mương được xây mới, kiên cố hóa bảo đảm 100% diện tích cây trồng được tưới tiêu chủ động và 95% diện tích nuôi trồng thủy sản được bảo đảm các biện pháp tiêu thoát nước. Bên cạnh đó, địa phương còn thực hiện tu sửa hệ thống trạm bơm, đê điều và thường xuyên khơi thông các dòng chảy nhằm bảo đảm hiệu quả hoạt động của hệ thống thủy lợi, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp.
Bằng việc lồng ghép các nguồn vốn, chương trình hỗ trợ, từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã nâng cấp, cải tạo được 824 công trình thủy lợi (218 hồ, 389 đập và 217 trạm bơm) và kiên cố hóa được 7.503 km kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong đó, bảo đảm cấp nước phục vụ cho gần 19.300 ha nuôi trồng thủy sản; thực hiện tiêu thoát, cung cấp nước tưới chủ động cho hơn 151.000 ha cây trồng; tỷ lệ tưới tiêu chủ động trên địa bàn tỉnh đạt hơn 60% diện tích đất nông nghiệp; trong đó, tại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung đạt hơn 95%. Thực tế cho thấy, việc triển khai đầu tư các công trình thủy lợi đã tạo điều kiện cho người nông dân cũng như xã viên HTX thuận lợi trong việc triển khai sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với những vùng sản xuất chuyên canh. Do đó, cùng với việc tu sửa, nâng cấp hệ thống hạ tầng thủy lợi hiện có, các địa phương cần tiếp tục đầu tư xây dựng mới các hệ thống công trình thủy lợi; nhất là hệ thống tưới và công nghệ phù hợp cho những vùng sản xuất tập trung để nâng cao năng suất, sản lượng nông sản.