Đầu tư phát triển hệ thống cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 32 đô thị và số đô thị có hệ thống cấp nước tập trung đã, đang khai thác, sử dụng là 26 đô thị; trong đó, 23 đô thị có nhà máy xử lý nước sạch, 3 đô thị sử dụng nước thô (các thị trấn Quan Sơn, Mường Lát, Thường Xuân); tổng công suất thiết kế của hệ thống cấp nước đô thị tập trung khoảng 279.320m3/ngày đêm.
Nhà máy nước Triệu Sơn.
Tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung 95%. Các khu vực nằm trong quy hoạch phát triển đô thị đã, đang được đầu tư hệ thống cấp nước theo hình thức xã hội hóa, cơ bản phù hợp với quy hoạch đô thị và quy hoạch cấp nước vùng tỉnh.
Để phát triển hệ thống cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, Sở Xây dựng phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố, thực hiện rà soát, đánh giá khả năng cấp nước của các hệ thống cấp nước, nhà máy nước đang hoạt động trên địa bàn tỉnh để đầu tư mở rộng, nâng cấp nhằm đáp ứng nhu cầu. Trong đó, chú trọng việc thu hút xã hội hóa đầu tư xây dựng mới các hệ thống cấp nước cho các đô thị chưa có công trình cấp nước tập trung. Ngoài ra, đầu tư các dự án cấp nước thô để cung cấp nước cho một số đô thị và vùng phụ cận khu vực khó khăn về nguồn nước ngọt. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch qua hệ thống đạt 97%, tiêu chuẩn cấp nước trung bình tại các đô thị khoảng 120 lít/người/ngày đêm; cấp nước bao phủ đạt 90% đối với đô thị loại V, đạt 100% đối với đô thị loại IV trở lên. Đến năm 2030, tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch qua hệ thống đạt 100%, tiêu chuẩn cấp nước trung bình tại các đô thị khoảng 120 lít/người/ngày đêm.
Theo tổng hợp, báo cáo của Sở Xây dựng, các dự án trọng điểm cấp nước sạch sẽ triển khai đầu tư xây dựng trong thời gian tới, như: xây dựng hệ thống cấp nước thô chuỗi đô thị dọc tuyến Quốc lộ 47, TP Thanh Hóa và vùng phụ cận, công suất mỗi trạm 150.000m3/ngày đêm. Xây dựng hệ thống cấp nước thô từ hồ Cửa Đạt về Khu Kinh tế Nghi Sơn, công suất 100.000m3/ngày đêm; xây dựng nhà máy nước tại hồ Hao Hao, công suất 105.000m3/ngày đêm... Tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đang triển khai thực hiện, như: Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nước Hoằng Hóa, tại xã Hoằng Đồng, huyện Hoằng Hóa, công suất 6.500m3/ngày đêm, của Công ty CP Vnwater Hoằng Hóa. Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước sạch cho thị trấn huyện Hậu Lộc và một số xã lân cận, công suất 5.000m3/ngày đêm của Công ty CP Xây dựng và Thương mại số 7 Thanh Hóa. Dự án Nhà máy nước Triệu Sơn tại thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn, công suất 9.800m3/ngày đêm, của Công ty CP Dịch vụ nước sạch Triệu Sơn. Dự án hệ thống cấp nước sạch liên xã Thành Vân, Thành Tâm và thị trấn Vân Du, huyện Thạch Thành, công suất 9.200m3/ngày đêm, của Công ty CP Đầu tư xây dựng Tiến Đạt. Dự án hệ thống cấp và xử lý nước sinh hoạt thị trấn Sơn Lư, huyện Quan Sơn, với công suất 2.000m3/ngày đêm. Nâng công suất nhà máy nước sạch hiện có tại hồ Đồng Chùa, của Công ty TNHH Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Bình Minh và Nhà máy nước sạch tại hồ Quế Sơn, của liên danh Tổng Công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát và Công ty TNHH MTV Sông Chu, công suất thiết kế tăng lên 60.000m3/ngày đêm. Kêu gọi đầu tư xã hội hóa các dự án Nhà máy nước sạch tại thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân; Nhà máy nước sạch tại thị trấn Thống Nhất, huyện Yên Định; Nhà máy nước sạch tại các phường, xã Tân Dân, Hải Lĩnh, Ninh Hải, Hải Ninh, Hải An, Hải Châu, Các Sơn, Thanh Thủy, Thanh Sơn, Anh Sơn, Ngọc Lĩnh, Định Hải, Phú Sơn, Phú Lâm, thị xã Nghi Sơn; Nhà máy nước sạch tại thị trấn Lang Chánh và các xã lân cận, huyện Lang Chánh...
Đi đôi với đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm cấp nước sạch; tỉnh, các địa phương tiếp tục quan tâm huy động nguồn lực cho việc thoát nước đô thị, như: Tập trung đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thu gom, nhà máy, trạm xử lý nước thải cho các đô thị từ loại IV trở lên. Lập các dự án và đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, nhà máy, trạm xử lý nước thải cho các đô thị loại V theo khả năng huy động nguồn vốn của từng địa phương, doanh nghiệp. Phấn đấu tỷ lệ nước thải được thu gom và xử lý đến năm 2025 đạt 70%, đến năm 2030 đạt 80%; tỷ lệ bao phủ của hệ thống thoát nước đến năm 2025 đạt 80%, đến năm 2030 đạt 90% diện tích lưu vực thoát nước trong các đô thị.
Đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết: Thời gian tới, sở tiếp tục phối hợp với các địa phương tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung hạ tầng kỹ thuật đô thị trong các dự án quy hoạch xây dựng nói chung, dự án cấp, thoát nước đô thị nói riêng. Ưu tiên bố trí vốn đáp ứng yêu cầu của công tác quy hoạch, bảo đảm các khâu lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch được triển khai thực hiện và hoàn thành bảo đảm chất lượng, tiến độ. Đồng thời, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư xây dựng, quản lý vận hành, khai thác hệ thống cấp nước, đôn đốc các đơn vị, nhà đầu tư báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch đã đề ra. Các sở, ngành, đơn vị có liên quan của tỉnh tập trung lập danh mục đầu tư các công trình cấp nước sạch, trình UBND tỉnh phê duyệt để kêu gọi đầu tư. Hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư công trình cấp nước sạch theo hình thức xã hội hóa được hưởng các ưu đãi đầu tư theo quy định hiện hành của pháp luật. UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ trì, phối hợp với các đơn vị đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống cấp nước trên địa bàn quản lý, xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng cấp nước trong thời gian tới bảo đảm chỉ tiêu tỷ lệ dân số được dùng nước sạch theo kế hoạch đã đề ra.
Đi đôi với đó, các sở, ngành có liên quan của tỉnh phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên kiểm tra tiến độ triển khai các dự án cấp nước sạch và việc quản lý, sử dụng nước sạch trên địa bàn. Trong đó, chú trọng việc chỉ đạo, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng, giải phóng mặt bằng, nhằm bảo đảm tiến độ thực hiện các dự án cấp nước trên địa bàn. Tăng cường công tác tuyên truyền để người dân biết về tầm quan trọng của nước sạch, sử dụng nước tiết kiệm, đúng mục đích. Các đơn vị đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống cấp nước sạch chủ động phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan của tỉnh, các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, bảo đảm hoàn thành và đưa vào vận hành, khai thác theo đúng kế hoạch. Tăng cường công tác chống thất thoát và cải tạo các tuyến ống đã xuống cấp, có tỷ lệ thất thoát cao nhằm tăng khả năng truyền tải và cấp nước cho các khu dân cư.