Đầu tư phát triển y tế biển, đảo

Với trên 3.260km bờ biển, cả nước có 28/64 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển; 125 huyện ven biển và 12 huyện đảo có nhiều người dân sinh sống; những vùng biển, đảo này đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Theo Bộ Y tế, việc đầu tư nghiên cứu và phát triển y tế biển, đảo là rất cần thiết, cấp bách; góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22.10.2018 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Củng cố mạng lưới y tế biển, đảo

Theo Bộ Y tế, ngay từ năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 317/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020", với mục tiêu chung là bảo đảm cho người dân sinh sống và làm việc ở vùng biển, đảo được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế cho nhu cầu dự phòng, cấp cứu, khám chữa bệnh và nâng cao sức khỏe; với nhiều mục tiêu cụ thể như củng cố mạng lưới y tế, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường năng lực cấp cứu, trang bị kiến thức cho người dân…

Các bác sĩ Trung tâm Y tế quân dân y Bạch Long Vĩ cấp cứu bệnh nhân tai nạn trên biển. Nguồn: ITN

Các bác sĩ Trung tâm Y tế quân dân y Bạch Long Vĩ cấp cứu bệnh nhân tai nạn trên biển. Nguồn: ITN

Đến năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó xác định rõ các nhóm mục tiêu và bộ tiêu chí chuẩn y tế cho vùng biển, đảo.

Gần đây nhất là Quyết định số 658/QĐ-TTg ngày 8.6.2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2030. Quyết định số 658/QĐ-TTg đã chỉ rõ 7 nhiệm vụ, giải pháp cho các bộ, ngành; trong đó, Bộ Y tế có nhiệm vụ hướng dẫn xây dựng phương án, quy chế phối hợp liên ngành trong bảo đảm y tế, tham gia xử lý tình huống khẩn cấp về y tế trên biển, đảo theo từng cấp độ, từng khu vực; chủ trì tổ chức kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện, tổ chức sơ kết, tổng kết Chương trình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Đại tá, bác sĩ Chu Trọng Như, Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện, đào tạo và chỉ đạo tuyến (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) khẳng định, những văn bản này đã thể hiện rõ sự quan tâm thường xuyên, liên tục của Đảng, Nhà nước trong chăm lo sức khỏe cho người dân nói chung, đặc biệt là quân và dân trên các vùng biển đảo; là tiền đề cho phát triển kinh tế biển và bảo vệ vùng biển của Tổ quốc. Đồng thời, bảo đảm cho y tế các xã đảo, huyện đảo kết nối chặt chẽ với hệ thống y tế quốc gia; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Đáp ứng yêu cầu cấp cứu và điều trị

Thực tế, những năm qua, lực lượng quân y đã thể hiện tốt vai trò nòng cốt trong việc bảo đảm y tế biển đảo, đặc biệt là trên các xã đảo và huyện đảo; lực lượng quân y được lựa chọn từ đội ngũ chuyên môn của các bệnh viện, được đào tạo, bổ sung các kỹ thuật chuyên ngành và trang thiết bị y tế đủ năng lực cấp cứu, chăm sóc sức khỏe cho quân và dân trên đảo.

Đơn cử như tại huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa), được sự quan tâm của các cấp, các ngành, các bệnh xá đã được đầu tư khang trang, hiện đại, cùng với đội ngũ cán bộ, y bác sĩ trình độ chuyên môn ngày càng cao, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của quân dân. Trong 5 năm qua (2017 - 2022), Bệnh xá đảo Trường Sa đã khám cho gần 10.000 lượt cán bộ, chiến sĩ, ngư dân; thu dung, cấp cứu hơn 1.500 trường hợp; phẫu thuật cho 98 ca; vận chuyển bằng tàu biển và vận chuyển cấp cứu đường không bằng máy bay trực thăng cho hơn 60 trường hợp vào bờ điều trị, bảo đảm an toàn cho người bệnh.

Theo Đại úy, thạc sĩ, bác sĩ Lã Văn Tuấn, Bệnh xá trưởng Bệnh xá đảo Trường Sa, nhân lực nơi đây bảo đảm tốt cho công tác cấp cứu khám, chữa bệnh cho quân và dân trên đảo cũng như công tác cứu hộ cứu nạn trên biển. Bệnh xá đã được trang bị phòng nội soi tai mũi họng, phòng vật lý trị liệu cùng nhiều trang thiết bị hiện đại. Đặc biệt, bệnh xá đã có phòng phẫu thuật và hệ thống Telemedicine, kết nối trực tiếp với các bác sĩ chuyên gia đầu ngành Bệnh viện 175 bảo đảm cho công tác chỉ đạo chuyên môn đạt kết quả tốt nhất.

Tại Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) - đảo xa bờ nhất ở nước ta trong vịnh Bắc Bộ, cũng có Trung tâm y tế quân dân y Bạch Long Vĩ. Trung tâm vừa bảo đảm công tác y tế dự phòng vừa bảo đảm công tác cấp cứu, vừa có quy mô tổ chức thời bình vừa có dự phòng thời chiến. Theo lãnh đạo Trung tâm, nguồn nhân lực tại chỗ và quy mô 20 giường bệnh cơ bản đáp ứng yêu cầu về khám, chữa bệnh, điều trị, phẫu thuật cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, ngư dân trên các ngư trường. Việc hội chẩn từ xa qua hệ thống Telemedicine và Telehealth với các bệnh viện tuyến trên và việc thành lập ngân hàng máu sống trên đảo đã giúp công tác khám, chữa bệnh đạt hiệu quả cao, cấp cứu kịp thời, cứu sống nhiều người bệnh cũng như phát hiện ra bệnh sớm cho họ.

Chú trọng đào tạo kiến thức y học

Bác sĩ Lã Văn Tuấn, Bệnh xá trưởng Bệnh xá đảo Trường Sa cho rằng, các hoạt động khai thác thủy hải sản của người dân ngày càng nhiều; thời tiết khí hậu khắc nghiệt diễn biến bất thường; nhu cầu khám, chữa bệnh, cấp cứu, cứu hộ cứu nạn của ngư dân ngày càng cao… Do đó, đội ngũ y bác sĩ cần được tăng cường đào tạo thêm kiến thức y học dưới nước và y học biển, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về phát triển y tế biển đảo.

Các bác sĩ Trung tâm Y tế quân dân y Bạch Long Vĩ khám, chữa bệnh cho người dân. Nguồn: ITN

Các bác sĩ Trung tâm Y tế quân dân y Bạch Long Vĩ khám, chữa bệnh cho người dân. Nguồn: ITN

Khẳng định việc đào tạo và bảo đảm nguồn y tế đủ về số lượng, chất lượng là điểm tựa quan trọng để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển; Đại tá Chu Trọng Như cho biết, Bệnh viện Quân đội 108 thường xuyên mở các lớp đào tạo, cập nhật kiến thức cho các y bác sĩ; mở các lớp tập huấn chuyên ngành; kênh đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu cho bệnh viện tuyến dưới.

Chia sẻ về hoạt động của Trung tâm y tế quân dân y Côn Đảo, đại diện Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông tin, trước thực trạng một số hạng mục công trình xuống cấp, rạn nứt, sụt lún diện rộng, mới đây, UBND tỉnh đã tổ chức Lễ khởi công xây mới khối nhà chính Trung tâm y tế Quân dân y Côn Đảo với quy mô ở giai đoạn 1 là 60 giường bệnh, tổng mức đầu tư hơn 247 tỷ đồng; để bảo đảm cho Trung tâm hoạt động hiệu quả sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, đơn vị cần bổ sung thêm 25 nhân sự mới, trong đó có 14 bác sĩ và 11 người thuộc chuyên ngành y tế khác.

Thời gian tới, Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án vị trí việc làm, số người làm việc của Trung tâm và tiến hành xây dựng kế hoạch tuyển dụng ngay sau khi Đề án được phê duyệt; hàng năm, Sở Y tế sẽ cử đội ngũ y bác sĩ tại đơn vị này đi học tập nâng cao trình độ chuyên môn và phân công đội ngũ y bác sĩ được đào tạo theo địa chỉ của tỉnh đến công tác tại Trung tâm y tế Quân dân y Côn Đảo.

Cho rằng cần có chính sách thu hút nguồn nhân lực y tế cho các xã đảo, huyện đảo, đại diện Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cũng kiến nghị, Bộ Y tế cần xây dựng chương trình đào tạo đặc trưng riêng cho nhân viên y tế khu vực biển đảo; công tác huấn luyện, đào tạo kiến thức lẫn kỹ năng thực hành cấp cứu cho nhân viên y tế khu vực biển, đảo cần bảo đảm tính liên tục, thường xuyên để đáp ứng nhu cầu thực tế.

Dương Cầm

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/dau-tu-phat-trien-y-te-bien-dao-i341742/