Đầu tư sân bay nhỏ ở địa bàn khó khăn: Cơ hội khai thác lợi thế phát triển kinh tế

Nhiều địa phương đề xuất bổ sung sân bay vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, nhằm tạo thuận lợi phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội.

UBND tỉnh Hà Giang vừa “gia nhập” danh sách các địa phương muốn bổ sung một sân bay trên địa bàn vào Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) dự báo, tới năm 2035, hàng không Việt Nam sẽ phục vụ tới 136 triệu hành khách và đóng góp 23 tỷ USD vào GDP

Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) dự báo, tới năm 2035, hàng không Việt Nam sẽ phục vụ tới 136 triệu hành khách và đóng góp 23 tỷ USD vào GDP

Theo đó, tại Công văn số 2980/UBND-KTTH ngày 29/9/2022 gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải do ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang ký, địa phương này đã đề nghị bổ sung sân bay Tân Quang vào Quy hoạch.

Theo đề xuất của UBND tỉnh Hà Giang, Cảng hàng không Tân Quang dự kiến đặt tại tọa độ 22°30′52N-104°53^27’’E, thuộc xã Tân Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Đây là sân bay quân sự cấp II và cấp 4C, tiêu chuẩn hàng không dân dụng (sân bay dùng chung quân sự dân dụng), với tổng diện tích đất khoảng 388,9 ha, trong đó đất bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng khoảng 70 ha.

Được biết, sau khi được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch, UBND tỉnh Hà Giang xác định mốc giới, công bố quy hoạch và quản lý ranh giới, quy hoạch sân bay, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu xây dựng. Cùng với việc bổ sung vào quy hoạch, UBND tỉnh này đề nghị thực hiện đầu tư Cảng hàng không Tân Quang trước năm 2030. Về quỹ đất và kinh phí giải phóng mặt bằng, theo tỉnh Hà Giang, địa phương đã chuẩn bị quỹ đất tại vị trí nêu trên và bố trí ngân sách tỉnh để thực hiện công tác thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng để Dự án sớm được triển khai đầu tư xây dựng.

Tại Công văn số 2980, UBND tỉnh Hà Giang cho biết, là tỉnh địa đầu tổ quốc, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng an ninh, địa phương này có đường biên giới dài trên 277,5 km tiếp giáp hai tỉnh của Trung Quốc là Vân Nam và Quảng Tây, có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Địa phương đang có nhiều lợi thế phát triển kinh tế như: Phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả có múi, trồng rừng và phát triển du lịch, kinh tế cửa khẩu, trong đó có Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn; Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì...

Tuy nhiên, do vị trí địa lý và yếu tố địa hình, là một tỉnh chỉ có loại hình vận tải là đường bộ với tuyến Quốc lộ 2 quy mô 2 làn xe kết nối với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh. Từ trung tâm tỉnh lỵ đến sân bay gần nhất là sân bay Nội Bài khoảng 260 km, trong khi đường sắt, đường thủy nội địa chưa được đầu tư, đường cao tốc kết nối với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong vùng hiện mới được quy hoạch và đang triển khai thực hiện… điều này đang ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế, cơ hội khai thác lợi thế và thu hút đầu tư của địa phương.

Tại Việt Nam, hàng không và sân bay đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế của các địa phương nói riêng và cả nước nói chung

Tại Việt Nam, hàng không và sân bay đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế của các địa phương nói riêng và cả nước nói chung

Ngoài Hà Giang, thời gian qua, 5 địa phương gồm Sơn La, Tuyên Quang, Kon Tum, Ninh Thuận, Đồng Nai cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải bổ sung 5 sân bay vào dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Trong đề xuất, các tỉnh đều nêu bật những thuận lợi, tác động tích cực nếu xây dựng sân bay ở địa phương mình.

Đơn cử khi kiến nghị đưa sân bay Mộc Châu vào quy hoạch, UBND tỉnh Sơn La giải thích, khu du lịch quốc gia Mộc Châu nằm ở cửa ngõ đặc biệt quan trọng của tỉnh Sơn La và vùng Tây Bắc, là trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh cũng như cả nước. Mộc Châu có tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chế biến sản phẩm nông nghiệp... Với vị trí quan trọng, tiềm năng lợi thế đó, lãnh đạo tỉnh Sơn La cho rằng, việc quy hoạch và Đầu tư sân ba Mộc Châu là cấn thiết.

Trên thực tế, việc phát triển sân bay tại một số địa phương thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Điển hình, theo UBND huyện Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), năm 2010, lượng hành khách đến huyện chỉ khoảng 300.000 lượt. Tuy nhiên, đến năm 2014, sau gần 2 năm sân bay quốc tế Phú Quốc chính thức đi vào hoạt động, hòn đảo thiên đường này đã đón trên 600.000 lượt du khách với 125.000 khách quốc tế, tăng đến 21,5% so với cùng kỳ. Doanh thu từ du lịch của Phú Quốc đạt hơn 2.200 tỷ đồng, vượt hơn 11% kế hoạch và tăng trên 84% so với năm 2013. Đến nay, mục tiêu đón 7, 8 triệu lượt khách với doanh thu gấp 2, 3 lần so với trước đây không hề xa vời.

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện Việt Nam thuộc “top” các quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng không nhanh nhất thế giới, nhưng mật độ phát triển mạng lưới sân bay vẫn còn hạn chế. Do đó việc phát triển sân bay tại các tỉnh khó khăn, nhằm tạo thuận lợi cho phát triển hạ tầng kinh tế, giúp địa phương khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đồng thời giảm chênh lệch phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng, miền trên cả nước. Song cũng cần tính đến bài toán hiệu quả trong quá trình xây dựng, tránh dàn trải và lãng phí nguồn lực nhà nước, địa phương.

Tại Việt Nam, hàng không và sân bay đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế của các địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) dự báo, tới năm 2035, hàng không Việt Nam sẽ phục vụ tới 136 triệu hành khách và đóng góp 23 tỷ USD vào GDP.

Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dau-tu-san-bay-nho-o-dia-ban-kho-khan-co-hoi-khai-thac-loi-the-phat-trien-kinh-te-222545.html