Đầu tư thiết bị, hoàn thiện cơ sở vật chất theo mô hình 'trường - viện'

Bệnh viện Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế đang đầu tư nhiều thiết bị mới, hiện đại, kết hợp với việc thúc đẩy hoàn thiện cơ sở vật chất, hướng đến nâng cao hơn nữa khả năng khám, chữa bệnh cho người dân và đào tạo nhân lực theo mô hình 'trường - viện'.

 Các bác sĩ Bệnh viện Trường đại học Y - Dược phẫu thuật cho bệnh nhân

Các bác sĩ Bệnh viện Trường đại học Y - Dược phẫu thuật cho bệnh nhân

Nhiều thiết bị được trang bị

Lãnh đạo Bệnh viện Trường đại học Y - Dược chia sẻ, một loạt khó khăn liên tiếp đã làm cho năng lực khám, chữa bệnh và đào tạo nhân lực y tế tại bệnh viện bị ảnh hưởng. Đầu tiên là tác động của dịch COVID-19; cùng thời điểm này, nhiều trang thiết bị của bệnh viện đến giai đoạn bị hư hỏng…

Một ví dụ cụ thể là hệ thống chụp mạch can thiệp số hóa xóa nền (DSA) do Luxembourg tài trợ đã giúp bệnh viện thành lập Trung tâm Tim mạch. Hàng nghìn trường hợp thực hiện các thủ thuật chẩn đoán và điều trị can thiệp tim mạch. Nhưng sau 14 năm đưa vào hoạt động, hệ thống máy đã bị hư hỏng khiến bệnh viện không thể tiếp nhận điều trị các bệnh nhân có bệnh lý nặng về tim mạch.

Lãnh đạo Bệnh viện Trường đại học Y - Dược Huế cho biết, đây là lý do bệnh viện đã gấp rút trang bị hệ thống chụp mạch can thiệp số hóa xóa nền (DSA) và chính thức đưa vào hoạt động vào cuối tháng 11/2023 vừa qua. Đây là hệ thống trang thiết bị tiên tiến, hiện đại nhất, được nhập khẩu từ châu Âu với thương hiệu Philips. Hệ thống có các ưu điểm vượt trội, được chuyên dụng cho các ứng dụng can thiệp các bệnh lý tim bẩm sinh, van tim, động mạch vành, động mạch não và ngoại biên... Hệ thống được thiết kế công nghệ cảm biến tại bàn thao tác thông minh, linh hoạt, cải thiện chức năng nhìn rõ mạch máu, công suất và hiệu quả phục vụ cao. Hệ thống được xem như là một cuộc cách mạng của y học trong chẩn đoán, điều trị các bệnh lý tim mạch, giúp giảm nguy cơ tử vong, cải thiện triệu chứng, tiên lượng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho các bệnh nhân mắc các bệnh lý tim mạch.

 Hệ thống chụp mạch can thiệp số hóa xóa nền (DSA) được đưa vào hoạt động tại Bệnh viện Trường đại học Y - Dược

Hệ thống chụp mạch can thiệp số hóa xóa nền (DSA) được đưa vào hoạt động tại Bệnh viện Trường đại học Y - Dược

PGS.TS. Nguyễn Khoa Hùng, Giám đốc Bệnh viện Trường đại học Y - Dược đánh giá, Trung tâm Tim mạch của bệnh viện là đơn vị đã có nhiều kinh nghiệm can thiệp động mạch vành, đặt máy tạo nhịp tim, can thiệp tim bẩm sinh, can thiệp động mạch tạng và động mạch não... Vì vậy, với việc khai trương hệ thống mới này giúp bệnh viện chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, đồng thời giảm thời gian, chi phí điều trị cho bệnh nhân.

Ngoài ra, trong khoảng 1,5 năm vừa qua, Bệnh viện Trường đại học Y - Dược đã trang bị thêm rất nhiều máy móc, thiết bị hiện đại đáp ứng cho nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, cũng như tạo điều kiện tốt nhất cho các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học tại bệnh viện, như hệ thống CT, MRI, hệ thống nội soi tiêu hóa, siêu âm, tán sỏi, phẫu thuật nội soi, hệ thống xét nghiệm tự động, đo mật độ xương, máy siêu âm, siêu âm đàn hồi mô, các máy nội soi tiêu hóa, máy laser, máy thở, máy lọc máu… Qua đó, đáp ứng tốt nhất nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, đồng thời từng bước hoàn thành mục tiêu phát triển toàn diện bệnh viện, tiến tới đạt chuẩn quốc tế.

Tiếp tục hoàn thiện

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương mới đây có chuyến thăm và làm việc với Trường đại học Y - Dược đã khẳng định rằng, “trường - viện” là mô hình bắt buộc được định hướng triển khai và Bộ Y tế xác định Trường đại học Y - Dược và bệnh viện trường là mô hình điểm. Với vị thế một đơn vị đào tạo nhân lực ngành y hàng đầu của cả nước, thành viên của đại học vùng đang phấn đấu thành Đại học Quốc gia như Đại học Huế thì bệnh viện cần được nâng cấp hơn nữa cơ sở vật chất, trang, thiết bị y tế để đảm bảo ba mục tiêu: Khám, chữa bệnh cho người dân, đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương yêu cầu Trường đại học Y - Dược cần chủ động kêu gọi thêm các hỗ trợ để đầu tư cơ sở vật chất. Đại học Huế cần có những đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo có những quan tâm hơn nữa để đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất cho bệnh viện, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao khám, chữa bệnh của người dân và phục vụ công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, xứng tầm là thành viên của Đại học Quốc gia trong tương lai.

PGS.TS. Nguyễn Khoa Hùng cho biết, hiện bệnh viện trường đang triển khai đề án Phát triển các kỹ thuật chuyên môn sâu giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045, gắn với Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế. Hướng đến phát triển Bệnh viện Trường đại học Y - Dược đạt chuẩn các bệnh viện tiên tiến khu vực Đông Nam Á, tiến tới đạt chuẩn quốc tế về y tế”. Trong đề án đó có một phần hết sức quan trọng là đầu tư nguồn lực về trang, thiết bị theo hướng hiện đại hóa, chú trọng đầu tư trang, thiết bị, phát triển các kỹ thuật chuyên sâu, mũi nhọn cho bệnh viện. Phục vụ khám, chữa bệnh, đào tạo và nghiên cứu khoa học, xứng tầm bệnh viện theo mô hình “trường - viện” cấp quốc gia và hướng tới đạt chuẩn quốc tế.

GS.TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường đại học Y - Dược cho biết thêm, công trình tòa nhà kỹ thuật cao 7 tầng của bệnh viện trường từ nguồn vốn ODA Ý đang trong giai đoạn hoàn thiện. Trước đó, dự kiến công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng ngay trong quý IV năm 2023 này. Tuy nhiên, do một số thủ tục nên dự kiến sang quý III năm 2024 sẽ chính thức đưa vào sử dụng. Khi tòa nhà này đưa vào vận hành sẽ giúp bệnh viện nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người bệnh.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/giao-duc/dau-tu-thiet-bi-hoan-thien-co-so-vat-chat-theo-mo-hinh-truong-vien-136115.html