Đầu tư tích lũy tài sản sẽ là xu hướng tất yếu
Ở các thị trường phát triển, đầu tư vào quỹ nói chung đã, đang và vẫn sẽ là xu thế tất yếu với đại đa số người dân. Việc đầu tư trực tiếp vào cổ phiếu trên thị trường chiếm tỷ trọng không quá lớn và chỉ dành cho các chuyên gia/trader chuyên nghiệp.
Triển vọng phát triển ngành quỹ còn lớn
Thông tin từ hội thảo Phát triển ngành quản lý quỹ Việt Nam hồi cuối tháng 6/2023 cho thấy những con số đáng chú ý. Trong 10 năm qua, tổng tài sản được quản lý (AUM) tăng 18%/năm, từ 100.000 tỷ đồng năm 2014 lên 584.000 tỷ đồng cuối quý I/2023, tương ứng gần 2,5% GDP - thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.
Cụ thể, tại Thái Lan, tỷ lệ này đã là 27,93% (năm 2017), Malaysia là 31,57% (năm 2017), Trung Quốc là 10,7% (năm 2020), Ấn Độ là 15,4% (năm 2021)…
Chưa hết, nhìn vào số tài khoản chứng khoán tại Việt Nam hiện nay là 7,6 triệu tài khoản, tương đương gần 7,6% dân số, đa phần là nhà đầu tư cá nhân. Trong khi đó, số tài khoản giao dịch chứng chỉ quỹ mở mới khoảng 1,3 triệu tài khoản, tương ứng khoảng 1,3% dân số. Điều này cho thấy, đa phần các nhà đầu tư cá nhân vẫn đang lựa chọn tự đầu tư, thay vì ủy thác đầu tư thông qua các quỹ.
Tuy nhiên, để có thể tự đầu tư, không phải nhà đầu tư nào cũng được trang bị đầy đủ kiến thức cũng như dành thời gian để theo dõi và tham gia giao dịch. Đồng thời, các con số này cũng cho thấy ngành quỹ đang chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.
Đáng chú ý, các nghiên cứu cho thấy, tại châu Á, Việt Nam thuộc nhóm có mức tăng trưởng nhanh nhất về dân số có thu nhập trên 20 USD/ngày (theo PPP không đổi), trong khi nhóm trung lưu cao (thu nhập 50 - 110 USD/ngày) dự báo tăng 17%/năm từ nay đến 2030. Ông Darren Buckley, Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ, Techcombank cho biết, số lượng người thuộc nhóm HNW (có tài sản từ 1 triệu USD trở lên) đã tăng 70% trong vòng 5 năm qua và dự kiến sẽ tiếp tục tăng 170% trong giai đoạn 2017 - 2027.
Sự gia tăng tầng lớp trung lưu, phổ cập kiến thức quản lý tài chính cá nhân là những yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành quản lý quỹ, bởi khi đó nhu cầu đầu tư tích lũy tài sản một cách bài bản sẽ ngày càng trở nên thiết thực hơn và là xu hướng tất yếu.
Theo thống kê của Statista, năm 2021, giá trị tổng tài sản quản lý của các quỹ trên toàn thế giới lên tới 112.300 tỷ USD. Riêng khu vực Bắc Mỹ chiếm tới gần một nửa giá trị. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương có mức tăng trưởng tổng tài sản quản lý bình quân lên đến 18%/năm trong suốt 10 năm.
Tại riêng Việt Nam, có nhiều quỹ đầu tư chuyên nghiệp cũng đang có những con số tích cực, như với quỹ DCDS do Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital Việt Nam quản lý, ghi nhận hiệu suất đầu tư vượt trội so với VN-Index trong nửa đầu năm 2023, đạt mức tăng trưởng 16%. Hay quỹ ETF VN30 do đơn vị này quản lý, có lợi suất đầu tư lên đến 92,7% kể từ khi thành lập, khoảng 12,5% tính từ đầu năm.
Đánh giá của các chuyên gia, tiềm năng phát triển quỹ mở và quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện còn rất lớn. Ở các thị trường có ngành quỹ phát triển như Mỹ, hơn 45% hộ gia đình đầu tư vào sản phẩm chứng chỉ quỹ mở, trong đó có phần lớn cho mục đích nghỉ hưu; quy mô tổng tài sản ròng của các quỹ mở ở Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc có thể lên trên 60% GDP, còn các quỹ hưu trí đã luôn là nhóm nhà đầu tư tổ chức lớn nhất trên quy mô toàn cầu. Với các quốc gia có tỷ lệ già hóa dân số cao như Nhật Bản, Quỹ đầu tư hưu trí Chính phủ Nhật Bản (GPIF) có tổng tài sản 1.325 tỷ USD (năm 2022)…
Quỹ hưu trí, thúc đẩy chiến lược đầu tư dài hạn
Quỹ hưu trí được coi là một kênh tích lũy tài sản hiệu quả, góp phần mang lại an toàn tài chính cho người lao động khi bước vào giai đoạn nghỉ hưu.
Theo Dragon Capital, việc ra đời của quỹ hưu trí bổ sung đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy một nền kinh tế thành công bằng cách góp phần hình thành vốn, cung cấp tính thanh khoản cho thị trường tài chính, ảnh hưởng đến quản trị doanh nghiệp và thúc đẩy chiến lược đầu tư dài hạn.
Tại Việt Nam đã triển khai quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện (quỹ hưu trí) từ năm 2026 với mục đích cung cấp sự hỗ trợ an sinh xã hội. Bằng cách cung cấp các phương pháp bổ sung cho các cá nhân để tiết kiệm cho việc nghỉ hưu, quỹ hưu trí giúp giảm bớt gánh nặng cho các chương trình hưu trí do chính phủ tài trợ.
Trên thực tế, mô hình quỹ hưu trí đã thành công ở nhiều nước trên thế giới, đóng góp nhiều cho nền kinh tế, đồng thời giúp cho hoạt động an sinh xã hội trở nên bền vững hơn.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, mô hình quỹ hưu trí còn mới mẻ và cần thời gian để phát triển. Ông Ngô Thành Huấn, Giám đốc Khối Tài chính cá nhân, FIDT cho biết, ở nhiều nước, một kế hoạch đầu tư định kỳ vào các quỹ hưu trí tự nguyện sẽ có các cơ chế ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân rất tốt và kích thích việc cân nhắc “hy sinh” các nhu cầu trước mắt của các cá nhân để tăng sự tích lũy tài chính cho tương lai và hưu trí.
Ở Việt Nam, Chính phủ cũng đang hỗ trợ chính sách được khấu trừ hàng tháng 1 triệu đồng vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân đối với nhân viên, 3 triệu đồng đối với doanh nghiệp nếu tham gia quỹ hưu trí. Tuy nhiên, đây vẫn là con số không hấp dẫn với đa số tầng lớp trung lưu, trí thức và doanh nghiệp. Còn đối với lao động phổ thông, quỹ hưu trí vẫn còn là một khái niệm tài chính quá xa lạ. Do đó, sự phát triển của thị trường Việt Nam còn cần nhiều chính sách hỗ trợ về cơ chế thuế hấp dẫn cho người tham gia quỹ hưu trí, đầu tư linh hoạt…
Bên cạnh đó, theo Dragon Capital, còn một yếu tố khá quan trọng khác, đó là công chúng và doanh nghiệp không được phổ cập kiến thức về quỹ hưu trí bổ sung. Để khuyến khích mô hình này phát triển mạnh hơn trong thời gian tới, Dragon Capital đưa ra kiến nghị hạn áp dụng thường lệ của các chương trình hưu trí bổ sung ở các quốc gia khác, bao gồm cả đóng góp từ người sử dụng lao động và người lao động với tỷ lệ phần trăm cụ thể đều được miễn thuế và giới hạn ở mức tối đa cụ thể.
Các tiêu chuẩn như sau: Đóng góp của cả người sử dụng lao động và (những) người lao động vào quỹ hưu trí đều được miễn thuế; đóng góp từ cả người sử dụng lao động và người lao động được miễn thuế (thuế thu nhập doanh nghiệp với người sử dụng lao động, thuế thu nhập cá nhân với người lao động) tới 20% tiền lương của người lao động và được giới hạn ở mức tối đa cụ thể.
Mức 20% lương của người lao động là thông lệ nhiều nước trong khu vực và trên thế giới áp dụng. Nói một cách đơn giản, đó là quy tắc thường lệ trong đó tối đa 20% thu nhập được dành để tiết kiệm.
Cơ quan thuế cần quy định rõ cách xử lý thuế đối với quỹ hưu trí hiện tại khi người tham gia rút tiền sớm hoặc nhận theo phương thức trả từng kỳ và loại bỏ các hệ quả về trách nhiệm thuế đối với người lao động khi người sử dụng lao động cung cấp khoản đóng góp tối đa để được lợi ích thuế tối đa.
Song song đó là phát triển các chiến dịch truyền thông và phổ cập kiến thức toàn diện để nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của kế hoạch nghỉ hưu và lợi ích của kế hoạch hưu trí bổ sung tự nguyện.
Nhìn rộng ra với các thị trường phát triển, đầu tư vào quỹ nói chung đã, đang và vẫn sẽ là xu thế tất yếu với đại đa số người dân. Việc đầu tư trực tiếp vào cổ phiếu trên thị trường chiếm tỷ trọng không quá lớn và chỉ dành cho các chuyên gia/trader chuyên nghiệp. Xu hướng các quỹ thu hút hiện nay là các quỹ đầu tư thụ động (đặc biệt là các quỹ ETFs) và sự giảm sút của các quỹ chủ động đòi hỏi nhà quản lý quỹ phải tạo ra lợi thế cách biệt so thị trường chung.