Đầu tư tiền ảo: Thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào!

Câu tục ngữ này của người Việt có từ xưa, nhưng nay có vẻ vẫn đúng trong xu hướng người người đua nhau đầu tư vào tiền ảo.

“Khoai” giờ đây là Bitcoin. Một đồng tiền kỹ thuật số, chẳng do chính phủ nào phát hành. Nó xuất hiện trên internet năm 2009. Lúc ấy, có 1 đồng Bitcoin thì cũng chẳng mua được 1 cái bánh mỳ, nhưng đến nay thì nó đã tăng giá trị hàng triệu lần, có cả tỷ Việt Nam đồng cũng chưa đủ mua nổi một đồng Bitcoin.

Gần đây lại có thêm tiền ảo Pi, đang được nhắc đến nhiều tại Việt Nam. “Tiền” này được quảng cáo là có thể khai thác trên smartphone, thông qua ứng dụng miễn phí Pi Network.

Người viết phải dùng dấu ngoặc với “tiền” này vì giờ mà có nó thì cũng chưa mua được gì. Nhiều hội nhóm của những người quan tâm đến “đồng tiền Pi” tại Việt Nam mọc lên chỉ trong vài ngày, thu hút hàng chục nghìn thành viên. Người ta hy vọng có ngày Pi cũng sẽ đắt lên như Bitcoin, và sẽ “làm giàu không khó”.

Trước khi nói về tiền ảo, cần nói một chút về tiền. Nói cho gọn, tiền là thứ dùng làm “phương tiện trao đổi ngang giá chung” cho mọi thứ theo nguyên tắc “mọi thứ đổi được tiền và tiền đổi được mọi thứ”. Tiền làm phương tiện thanh toán, tiền để tích trữ tài sản.

Từ xưa đến nay, tiền bao giờ cũng do các quốc gia phát hành. Nay lại xuất hiện loại phương tiện thanh toán mới, không do chính phủ nào phát hành, đó là đồng tiền kỹ thuật số như Bitcoin, Pi (và một số đồng tiền ảo khác).

1.Đồng Bitcoin này đang có khả năng trở thành “vàng ảo” vì nó được người ta chấp nhận làm phương tiện thanh toán bất chấp các chính phủ còn có thái độ khác nhau với nó, và rồi đã có nhiều Chính phủ (cả những Chính phủ nước lớn như như Mỹ, Nhật, Anh…) chấp nhận nó làm phương tiện thanh toán tại quốc gia mình.

Trên thực tế, Bitcoin “không phải dạng vừa đâu”. Nó thực sự là đồng tiền mạnh!

Thử nhìn lại quá trình ra đời của Bitcoin sẽ thấy. Trên đời này, con người có thể làm ra thứ gì mà trong hơn mười năm từ khi ra đời, giá trị của nó lại tăng liên tục cho đến hàng triệu lần (tất nhiên có lúc nó có giảm, nhưng chỉ trong thời gian ngắn, rồi lại tăng) như vậy không? Rõ ràng là nó rất không bình thường.

Tỷ phú Bill Gatets thì bảo nó là “một công nghệ thừa không cần thiết” và khuyên mọi người: “Nếu không giàu như Elon Musk – người giàu nhất thế giới thì đừng mua Bitcoin”. Nhưng sau khi ông nói vậy, giá Bitcoin cũng chỉ giảm đôi chút rồi lại tăng tiếp, và giá vẫn cao chót vót, chứ chẳng có chuyện “trở thành vô giá trị vì không do chính phủ nào bảo đảm giá trị” như ai đó nghĩ cả.

Bitcoin là một sản phẩm do con người làm ra, nhưng giá trị của nó lại không tuân theo quy luật cung cầu, là: “Nhu cầu cao thúc đẩy sản xuất ra nhiều sản phẩm” như các sản phẩm khác.

Các sản phẩm thông thường khi có giá cao, người ta sẽ sản xuất thêm ra, và giá của nó sẽ giảm. Bitcoin thì khác, nó chỉ được tạo ra một số lượng cố định, nằm ở dạng các “bó thông tin” trên không gian mạng. Người ta chỉ có hai cách để có Bitcoin: Một là “đào” (dùng máy tính giải các thuật toán để “nhặt thông tin trong bó” này - như người ta đãi cát tìm vàng trong tự nhiên vậy) trên mạng internet, hai là mua của người đã có Bitcoin.

Do bản chất của công nghệ, dù giá của nó rất cao, cũng không ai có thể làm ra Bitcoin giả hay sản xuất thêm ra bitcoin ngoài số lượng hữu hạn của nó - mà bất cứ ai “đào” thêm được chừng nào cũng làm giảm số lượng còn lại (cơ hội người sau có thể “đào tiếp”) của nó. Về đặc điểm này, Bitcoin rất giống vàng: Trong thiên nhiên, lượng vàng cũng có hạn.

Hơn mười năm qua, với đặc tính của một loại tiền không làm giả được, không “in thêm để móc túi người dân qua lạm phát” được, là phương tiện thanh toán trực tiếp không cần qua trung gian, Bitcoin đang được nhiều trăm triệu (thậm chí hàng tỷ) người tin dùng.

Vậy Bitcoin có phải là vàng, hay “vàng ảo” không? Xin thưa là không. Vì rằng, Bitcoin tuy có một vài đặc điểm “quý hiếm như vàng” nhưng cái “quý” này là do “nhân tạo”. Tuy người ta không tạo ra thêm hay làm giả Bitcoin được, nhưng người ta có thể làm ra những đồng tiền kỹ thuật số khác, có đặc điểm tương tự như nó để làm phương tiện thanh toán thay cho nó, là hoàn toàn có thể.

Vì vậy, chuyện “một ngày 1 Bitcoin sẽ lên giá đến 1 triệu đô-la” như một số nhân vật tiếng tăm phát biểu, là không thể, đừng mơ! Mặt khác, ngoài chức năng làm phương tiện trao đổi giá trị, Bitcoin không có công dụng gì nữa cả.

2. Tiền ảo Pi đang tạo cơn sốt, nhanh hơn cả Bitcoin. Nói về cơn sốt này, một chuyên gia trong giới công nghệ, từng đào, sở hữu và từng thanh toán… cà phê bằng Bitcoin từ những ngày đầu tiền ảo này xuất hiện, nhưng vẫn thắc mắc, hồ nghi về các loại tiền ảo, như Pi: “không biết họ có làm được như họ muốn hay không và ngay cả khi làm được thì cũng không biết thị trường có chấp nhận không?”.

Cùng quan điểm khi nói về tiền ảo Pi, một chuyên gia về blockchain cho rằng, tiền ảo Pi vẫn có những rủi ro, khi người dùng phải chấp nhận giao dịch không có tính pháp nhân được pháp luật bảo vệ. Bởi toàn bộ tiền ảo Pi đều bị kiểm soát bởi chủ dự án (không có pháp nhân công ty).

Mã nguồn của Pi Network đóng kín cho đến thời điểm này nên không ai biết tổng cung và không rõ số lượng tiền ảo Pi đang có. Từ đó có thể phát sinh rủi ro chủ dự án tự sinh ra số tiền một cách tùy ý cho riêng mình.

3. Nói về tiền ảo, cả Tây và Ta đều vẫn hoài nghi và nhìn rõ rủi ro. Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo, Bitcoin không nên được sử dụng rộng rãi như một cơ chế giao dịch. Bitcoin là tài sản có tính đầu cơ cao, không ổn định, mang đến nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và thường được sử dụng với mục đích tài chính trái phép.

Về tiền ảo Pi, một số chuyên gia mới đây cũng đưa ra cảnh báo, người dùng hiện đang đặt giá trị vào PI Network mà không có bất kỳ lợi ích nào (ngoại trừ có thể là tâm lý). Người dùng giữ nó với hy vọng một lúc nào đó họ sẽ chuyển đổi tiền ảo thành giá trị thực tế.

Pi Network không có khả năng tạo ra giá trị trong tương lai như đã quảng bá. Ở đây, chỉ những người sáng lập là được hưởng lợi từ ứng dụng. Họ đã khởi chạy quảng cáo video tùy chọn khi khởi chạy để kiếm tiền từ cơ sở người dùng. Ứng dụng này cũng có quy trình KYC thu thập thông tin cá nhân. Liên kết điều này với ID di động có thể là thông tin có giá trị cho những người sáng lập Pi Network.

Tại Việt Nam, về góc độ pháp lý, Bitcoin lẫn Pi hay các loại tiền ảo không được coi là đồng tiền pháp định và không phải phương tiện thanh toán hợp pháp.

Chính phủ cũng đã tính đến những xu thế mới trong cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, nên đã có Quyết định số 1255/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo (năm 2018).

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Chỉ thị 10/CT-TTg (2018) về yêu cầu quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các tiền ảo tương tự khác. Trong đó có đề cập tới hoạt động đầu tư, mua bán tiền ảo, huy động vốn qua phát hành tiền ảo (ICO), đặc biệt là hoạt động sử dụng tiền ảo để huy động vốn theo phương thức đa cấp ngày càng diễn biến phức tạp, có nguy cơ ảnh hưởng đến sự ổn định thị trường tài chính, trật tự an toàn xã hội và có thể gây rủi ro lớn đối với tổ chức, cá nhân tham gia.

NHNN cũng từng cảnh báo nhiều lần về hình thức huy động vốn đa cấp tiền ảo. Việc sở hữu, mua bán, sử dụng các loại tiền ảo như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ.

NHNN nhấn mạnh, không chấp nhận các loại tiền ảo là tiền tệ cũng như là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Đồng nghĩa với việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm.

Hiện, về khuôn khổ pháp lý và chính sách trong hoạt động thanh toán, NHNN đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành khác để hoàn thiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi ứng dụng công nghệ mới.

Vậy nên, khi chưa có gì đảm bảo, đầu cơ vào Bitcoin, Pi hay bất cứ đồng tiền kỹ thuật số nào khác (nhất là những loại “tiền” mà người ta lại có thể “phát hành” tùy ý) để hy vọng vào sự tăng giá trong tương lai như Bitcoin đã từng tăng giá, thì cũng chỉ là “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”, phần nhiều sẽ thua hơn được.

Tiến Vinh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dau-tu-tien-ao-thay-nguoi-ta-an-khoai-cung-vac-mai-di-dao-post121668.html