Đầu tư trái phiếu, vay qua thẻ... có được ngân hàng cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi?
Ngân hàng Nhà nước đã giải đáp thắc mắc về việc cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay với một số khoản như đầu tư trái phiếu, các khoản vay qua thẻ, vay thấu chi...
Ngân hàng Nhà nước vừa giải đáp một số thắc mắc trong quá trình thực hiện Thông tư số 01/2020/TT-NHNN về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ (Thông tư 01).
Trong đó, liên quan đến phạm vi được cơ cấu lại nợ, một số ngân hàng đề xuất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mở rộng phạm vi áp dụng đối với tất cả các khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, các khoản cấp tín dụng dưới hình thức phát hành thẻ, chiết khấu, bao thanh toán...
Về vấn đề này, NHNN cho biết, hiện nay chỉ có Thông tư 39/2016/TT-NHNN và Thông tư 30/2015/TT-NHNN liên quan hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng với khách hàng là có quy định về khái niệm, nguyên tắc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Còn các quy định khác liên quan cấp tín dụng khác như chiết khấu, bảo lãnh ngân hàng, bao thanh toán, trái phiếu doanh nghiệp… đều không có quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Trong đó, riêng với hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, quyền thay đổi thời hạn thanh toán gốc và/hoặc lãi trái phiếu không phải do TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quyết định mà do doanh nghiệp phát hành trái phiếu quyết định (TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ sở hữu trái phiếu).
Đồng thời, việc thay đổi thời hạn thanh toán trái phiếu phải phụ thuộc vào các điều kiện, điều khoản của từng loại trái phiếu khi phát hành và phải được tất cả các chủ sở hữu trái phiếu chấp thuận; đồng thời, trình tự, thủ tục thực hiện phải tuân thủ quy định tại Nghị định 163/2018/NĐ-CP và các văn bản pháp luật khác liên quan.
Vì vậy, theo NHNN, việc cho phép TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với trái phiếu doanh nghiệp là không phù hợp.
Số liệu thống kê của NHNN cho thấy, tính đến 14/4/2020 trên toàn hệ thống tổng dư nợ cho vay chiếm đến 96,94%. Trong khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp chiếm 2,47% và các hình thức cấp tín dụng khác chỉ chiếm 0,59%.
Do vậy, theo NHNN, việc Thông tư 01 quy định chỉ áp dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, lãi phát sinh từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính mà không áp dụng đối với các giao dịch phát sinh từ hoạt động chiết khấu, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng, mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp là phù hợp, đáp ứng được cơ bản nhu cầu khách hàng của các tổ chức tín dụng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Một số ngân hàng cũng đề nghị NHNN hướng dẫn các khoản thấu chi có được áp dụng quy định tại Thông tư 01 hay không.
Vấn đề này, NHNN cho rằng theo quy định, việc cho vay theo hạn mức thấu chi trên tài khoản thanh toán là một hình thức cho vay, vì vậy, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với số dư nợ từ hình thức cho vay trên khi đáp ứng đầy đủ điều kiện tại Thông tư 01.