Đầu tư trong chờ đợi
Gửi tiết kiệm, mua nhà đất, đầu tư chứng khoán, tiền ảo, hay bỏ vốn kinh doanh… là các bài toán khó mà người dân loay hoay suốt năm 2023.
1. Những tháng cuối năm 2022, lãi suất tiết kiệm bắt đầu tăng dần. Một người thân của tôi là giáo viên tiểu học hồ hởi khoe vừa gửi khoản tiền vài trăm triệu đồng tích cóp sau hơn 20 năm đi làm của hai vợ chồng vào ngân hàng với lãi suất 10,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.
Nếu so với mức lãi suất 17%/năm áp dụng giai đoạn năm 2010 (thậm chí thỏa thuận riêng còn cao hơn nữa) thì cú tăng lãi suất huy động của các ngân hàng thời điểm cuối năm 2022, đầu năm 2023 chưa thấm tháp vào đâu, nhưng so với bình quân lãi suất huy động khoảng 6 - 8%/năm của những năm gần đây, con số 10,5%/năm quả là không hề tệ đối với những người gửi tiết kiệm như cô giáo tiểu học kia và với rất nhiều nhà kinh doanh có sừng, có mỏ khác.
Dịch bệnh Covid-19 đã để lại hậu quả vô cùng nặng nề với nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam chẳng phải ngoại lệ. Giá bất động sản giảm mạnh, thậm chí không có giao dịch ở nhiều phân khúc; chứng khoán đỏ sàn nhiều phiên; doanh nghiệp thua lỗ, khó khăn dòng tiền, giá vàng, tiền ảo trồi sụt... Những sự việc “lần đầu diễn ra” liên tiếp xảy tới. Các căn nhà mặt tiền trung tâm Sài Gòn đồng loạt đóng cửa, trả mặt bằng. Ngay cả cậu chạy xe công nghệ cũng thở dài: “Thời buổi kinh tế khó khăn…” khi được khách hàng hỏi thăm.
Do vậy, khi lãi suất tăng cao, người dân đã tập trung gửi tiền vào ngân hàng. Cũng là một sự vận hành dĩ nhiên, đương nhiên của thị trường, của cuộc sống. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả. Với người có nhiều tiền, họ cần phải bảo toàn công sức lao động và tài sản. Với người chỉ có chút ít tiền gom góp được bao nhiêu năm lại càng phải bảo toàn vì thời gian chắt bóp, tiết kiệm với họ không còn nhiều nữa. Dù ở cách nhìn vĩ mô hay vi mô, việc này không hề tích cực đối với nền kinh tế, nhưng với suy tính của người đầu tư, họ khó có lựa chọn khác.
2. Nếu như vài năm trước, nhà đầu tư bất động sản đều có thể “chốt lời” vào dịp cuối năm, thì quý cuối cùng của năm 2022 và 2023, cơ hội thật sự rất “hẻo”.
Một nhà đầu tư tôi quen, gần chục năm nay đi mua các miếng đất lớn tại khu vực Lâm Đồng rồi phân lô, tách nền khá thành công, vào giữa năm 2023 đã nhắn tin cho tôi nhờ giới thiệu để cắt lỗ. Mỗi miếng đất của nhà đầu tư này đều được giảm giá 30 - 40%, nhưng cô vẫn chưa “thoát” được hết hàng. Cho tới thời điểm xin được visa đi làm việc tại Canada để tìm hướng đi mới cho cuộc sống cá nhân, cô vẫn còn rất “nặng nợ” trong nước vì các tài sản chưa thể sang tên được cho chủ mới.
Một người bạn khác của tôi từng mạnh dạn đầu tư hàng chục căn nhà ở trung tâm TP. Đà Nẵng, mỗi căn xấp xỉ 4 tỷ đồng, sau thời gian rao hoài trên trang mạng xã hội và gửi gắm người môi giới khắp nơi mà không “đẩy” đi được, đành tiếc nuối cắt lỗ mỗi căn cả tỷ đồng vì không thể kham nổi khoản lãi vay ngân hàng.
Bán thua mà mở tiệc mừng, cắt lỗ mà vui như Tết là tâm trạng của nhiều nhà đầu tư bất động sản nhỏ lẻ ở khắp nơi trong suốt năm qua. Bạn bè, người thân quen từng mua bán nhà đất đều mang nỗi niềm khó khăn. Khái niệm “Người giàu cũng khóc” được thực tế hóa còn sinh động gấp vạn lần trong phim ảnh. Nhiều anh chị em sổ hồng để đầy trong két, nhưng phải đi vay nợ để trả tiền nhân viên, chi phí văn phòng, duy trì công ty, thậm chí là để trang trải sinh hoạt phí gia đình... Những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính thì đúng cảnh “con kiến mà leo cành đa…”.
Nợ lương nhân viên, cắt giảm nhân sự, dự án mới không phát triển và hoàn thiện được… là tình cảnh của nhiều công ty bất động sản từng “ăn nên làm ra” trong quá khứ. Những nhân viên sale kỳ cựu trước đây thường xuyên đăng hình ảnh nhận thưởng quý, thưởng năm của công ty, giờ trôi dạt tứ tung qua nhiều ngành khác. Có người may mắn vận hành chuỗi homestay gần với nghề cũ để chờ thời quay lại, có người vẫn thỉnh thoảng “chốt deal” được bởi rao bán hàng “ngộp” thật sự tới các khách hàng có nguồn tiền nhàn rỗi, nhưng đại đa số vẫn chưa biết ngày nào mới có thể kết nối lại được với các khách hàng thân thuộc trước đây.
3. Danh, một đồng nghiệp cũ của tôi đã tạm biệt nghề viết để chuyển sang “chơi” chứng khoán gần chục năm nay. Mới đây, bạn hẹn cà phê, tâm sự về chuyện được mất của nghề “chơi chứng”. Đúng là nghề nào nghiệp nấy, đoạn trường ai dễ lãng quên.
Danh ngày ngày nghiên cứu sách vở rất chỉn chu, chứ không phải “tay mơ” thích mua thích bán theo xu hướng. Nhưng suốt năm 2023, Danh nói, cũng trầy trật vô cùng. Mã này lời 10% thì có khi mã kia lại lỗ 12%.
Trong các lĩnh vực đầu tư, người ta thường nói “đầu tư bất động sản”, “đầu tư vàng”, “đầu tư ngoại tệ”…, nhưng chẳng hiểu sao lại nói là “chơi chứng khoán”. Thường thì cái gì, việc gì gắn với chữ “chơi” là phải mang lại niềm vui cho người chơi và cũng chỉ làm cho vui, nhưng “chơi chứng khoán” đâu chỉ có thế. “Chơi” mà đau tim, đau đầu. “Chơi chứng khoán” có lẽ là một sự dấn thân chỉ dành cho những người biết “làm” và nhận được phân nửa may mắn trong số tiền lời. Bởi nhiều người rất giỏi cũng vẫn thua lỗ, tương tự như nhiều sinh viên học giỏi trong trường đại học nhưng khi đi làm thì không được thành công như các bạn bè học thường thường bậc trung khác.
“Kiếm tiền chợ” là cụm từ mà nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ chứng khoán mong cầu và thường nhắc tới. Họ chỉ mong sao có thể thêm miếng thịt ba rọi xào trong đĩa rau mỗi bữa cơm hàng ngày. Nhưng khi kinh tế toàn cầu trồi sụt, biến động do dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh trong suốt năm qua, thì “kiếm tiền chợ” cũng có thể là điều xa vời. Nhiều người thâm lạm cả vào tiền vốn, dẫn tới trạng thái chán nản, không huy động được hứng thú “chơi” nữa.
Cuối năm 2022, một anh bạn đồng môn của tôi sống tại Ba Lan thổ lộ mong muốn chuyển tiền vốn kiếm được về nước, để đóng góp chút xíu cho kinh tế nước nhà. Anh ấy vốn là du học sinh xuất sắc, trước đây từng học chuyên Lý, tham dự nhiều cuộc thi học sinh giỏi quốc gia. Anh du học tại Nga, sau đó sang Ba Lan học tiếp và ở lại sinh sống, mở công ty và thành công. Để “đóng góp” như cách anh nói, anh mua nhiều mã chứng khoán và cho biết sẽ để yên các mã này trong 20 năm, giá lên giá xuống không quan tâm. Tuy nhiên, gần đây, khi tôi điện thoại hỏi thăm thì anh cho biết đã “bán sạch” đi rồi và chưa biết ngày nào mới quan tâm thị trường trở lại. Hẳn, anh có các lý do cá nhân để không còn giữ được hào khí và nhiệt huyết của mình. Và hẳn, túi tiền thực tế của anh đã không còn rủng rỉnh như trước nữa để thực hiện ước mơ tốt đẹp. Thật sự là vô cùng đáng tiếc.
Viết tới đây, tôi lại nhớ bài báo viết cho Đầu tư Chứng khoán số Tết năm 2014 với nhan đề “Ông thời đi khỏi, ông giỏi cũng bó tay”. Bài báo “rì viu” các câu chuyện có thật xảy ra xung quanh, nhìn lại một năm khó khăn và dự đoán cho năm kế tiếp bằng vài sự việc khởi động tích cực. Đúng 10 năm sau, bối cảnh kinh tế có nhiều điểm tương đồng: thị trường nhà đất ảm đạm, hoạt động kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng sự lặp lại khó khăn này có nhiều yếu tố cũng rất khác nhau. Một thập kỷ trước, cả thế giới không hề biết tới đại dịch Covid-19, chuỗi cung ứng toàn cầu không bị đứt gãy, gián đoạn như giai đoạn vừa qua… Còn bây giờ, vết thương do mất người thân, mất việc làm… vẫn chưa kịp lên da non. Con người vốn mang trong mình nhiều cảm xúc, không dễ gì “ngày một, ngày hai” quên đi những mất mát, đau thương.
Nhưng, cũng vì là con người nên mọi thứ cũng được chuyển hóa theo cách tích cực hơn. Đã có vài tín hiệu đáng mừng khi các nhà đầu tư bắt đầu để tâm tới thị trường bất động sản vào cuối năm 2023, đầu năm 2024. Dù phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng chưa thể phục hồi ngay khi người dân chưa thể rủng rỉnh để chi tiêu rộng rãi cho du lịch, nhưng ở phân khúc nhà ở, nhu cầu thực trong các thành phố bắt đầu đã có giao dịch tốt hơn quý II và quý III năm trước. Lãi suất huy động thấp, các chính sách vĩ mô hỗ trợ sẽ là yếu tố quan trọng giúp cho thị trường bất động sản hoạt động dần lành mạnh trở lại.
Không có giá mặt hàng nào tăng mãi, nhưng cũng không có giá mặt hàng nào xuống mãi, mà lại không có sự điều chỉnh. Giá vàng miếng có tăng chóng mặt trong khoảng thời gian ngắn, cũng đã phải chấp nhận nhường bước thoái lui, đúng theo quy luật của thị trường. Vì vậy mà cứ an yên đón Xuân, vui vầy bên gia đình, tận hưởng một cái Tết đoàn viên, để nạp năng lượng tích cực cho một năm đầu tư đúng, trúng và khởi sắc.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/dau-tu-trong-cho-doi-post339182.html