Đầu tư 'trúng đích' cho văn hóa: Phải căn cứ theo nhu cầu thực tiễn

Theo chuyên gia, để đầu tư cho văn hóa hiệu quả thì Nhà nước cần xác định được các mục tiêu ưu tiên của chính sách văn hóa căn cứ nhu cầu và đặc thù của quốc gia hoặc địa phương.

Khi nhìn lại hoạt động của ngành văn hóa trong năm 2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nhìn nhận rằng hai chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc “Anh trai say hi”“Anh trai vượt ngàn chông gai” đã tạo ra điểm sáng cho ngành nghệ thuật biểu diễn - lĩnh vực công nghiệp văn hóa trọng điểm của Việt Nam.

Có thể thấy rằng hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong nước ngày càng phong phú, đa dạng và chất lượng, với nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để văn hóa phát triển mạnh mẽ và bền vững, cần có nhiều nguồn lực.

Đầu tư cho văn hóa còn gặp khó

Thành công của các chương trình giải trí do doanh nghiệp tư nhân sản xuất cho thấy việc đầu tư và tài trợ cho văn hóa không chỉ là nhiệm vụ của Nhà nước, mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội, bao gồm các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân.

Đó là nhận định của Tiến sỹ Nguyễn Thế Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong hội thảo về đầu tư và tài trợ cho văn hóa do Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam và Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm tổ chức ngày 9/12 tại Hà Nội.

 Đại diện cơ quan quản lý Nhà nước và chuyên gia văn hóa tham gia hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đại diện cơ quan quản lý Nhà nước và chuyên gia văn hóa tham gia hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đây là cầu nối giúp các nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế chia sẻ kinh nghiệm, tư duy đổi mới trong việc huy động nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa; thảo luận các chính sách nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các bên liên quan nhằm phát triển bền vững văn hóa.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Thế Hùng, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng, văn hóa không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình bản sắc dân tộc, mà còn là một động lực kinh tế mạnh mẽ, góp phần tạo ra giá trị gia tăng và thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội. Nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng các mô hình đầu tư và tài trợ thành công trong lĩnh vực văn hóa, tạo ra những giá trị bền vững cho cộng đồng.

Tại Việt Nam, việc triển khai các dự án đầu tư và tài trợ cho văn hóa gặp nhiều khó khăn do thiếu khung pháp lý rõ ràng và sự hỗ trợ từ chính quyền. Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa còn thiếu đồng bộ, dẫn đến khai thác nguồn lực không hiệu quả.

Bên cạnh đó, sự thiếu hụt các ấn phẩm sách báo và cuộc hội thảo khoa học trong lĩnh vực này cũng khiến các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, các nhà đầu tư tiềm năng khó khăn trong tìm kiếm thông tin chuyên sâu. Điều này không chỉ hạn chế khả năng tiếp cận kiến thức, mà còn làm giảm cơ hội kết nối và hợp tác giữa các bên liên quan. Hệ quả là nhiều sáng kiến và dự án tiềm năng không được phát triển hoặc triển khai một cách hiệu quả.

“Chúng ta cần xây dựng một môi trường thuận lợi với những chính sách rõ ràng và cụ thể để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, từ đó hình thành các quỹ hỗ trợ văn hóa bền vững nhằm phát triển văn hóa một cách đồng bộ và hiệu quả,” Tiến sỹ Nguyễn Thế Hùng khẳng định.

Theo ông Nguyễn Thế Hùng, vị trí và vai trò quan trọng của văn hóa trong đời sống kinh tế-chính trị-xã hội ngày càng được xác định rõ. Đầu tư cho văn hóa không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn tạo ra những giá trị tinh thần lâu dài, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng hình ảnh quốc gia dân tộc.

 Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam nêu một số bất cập trong đầu tư cho văn hóa. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam nêu một số bất cập trong đầu tư cho văn hóa. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cùng quan điểm đó, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho hay việc triển khai các dự án đầu tư và tài trợ cho văn hóa vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu khung pháp lý rõ ràng, chính sách huy động nguồn lực cho văn hóa chưa đủ thông thoáng.

Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa còn thiếu đồng bộ, dẫn đến việc khai thác nguồn lực không hiệu quả. Hơn nữa, những nghiên cứu mang tính lý luận và thực tiễn về vấn đề này vẫn còn những bỏ ngỏ.

Theo bà Phương, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc học hỏi từ kinh nghiệm quốc tế là rất cần thiết. Nhiều quốc gia đã thành công trong việc vận dụng các mô hình đầu tư và tài trợ văn hóa như: Pháp, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Các quốc gia này có một hệ sinh thái văn hóa phong phú gắn với hệ thống tài trợ văn hóa rất đa dạng, bao gồm cả quỹ hỗ trợ từ các doanh nghiệp, cộng đồng, từ các tổ chức phi Chính phủ.

Đầu tư theo nhu cầu

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, Nghệ sỹ Ưu tú Cao Ngọc Ánh, Nhà hát Tuổi Trẻ, nêu thực tế rằng lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn hiện đang có rất nhiều bất cập. Cụ thể, lĩnh vực này chưa đồng bộ từ thể chế đến hạ tầng và nhân lực.

“Các thiết chế phục vụ cho lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn còn thiếu và yếu. Tại Thủ đô Hà Nội, các rạp hát đủ tiêu chuẩn quốc tế đếm trên đầu ngón tay, hiện nay, chỉ có thể kể đến Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát Hồ Gươm là đạt tiêu chuẩn thế giới; còn lại đều đã quá cũ không đáp ứng thỏa mãn cho các chương trình nghệ thuật chất lượng cao. Các show ca nhạc lớn phải tận dụng sân vận động, nhà thi đấu,” bà Cao Ngọc Ánh dẫn chứng.

 Nghệ sỹ Ưu tú Cao Ngọc Ánh, Nhà hát Tuổi Trẻ phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nghệ sỹ Ưu tú Cao Ngọc Ánh, Nhà hát Tuổi Trẻ phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Về giải pháp, bà Cao Ngọc Ánh cho rằng mô hình hợp tác công-tư trong lĩnh vực văn hóa có thể giúp tạo ra những dự án mang lại lợi ích cho cả xã hội và nền kinh tế. Các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực truyền thông, giải trí, công nghệ, có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tài trợ và phát triển các dự án văn hóa.

Ở góc độ quản lý Nhà nước, ông Đỗ Quang Minh, Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng các nhà hoạch định chính sách trước tiên cần xác định được các mục tiêu ưu tiên của chính sách văn hóa căn cứ nhu cầu và đặc thù của quốc gia hoặc địa phương, từ đó, lựa chọn và xây dựng các công cụ đầu tư và tài trợ của Nhà nước cho văn hóa phù hợp với các mục tiêu ưu tiên.

Theo ông Minh, tại Việt Nam, các chính sách văn hóa hiện nay chủ yếu tập trung vào các mục tiêu văn hóa, xã hội và chính trị, trong khi các mục tiêu kinh tế chưa được chú trọng đúng mức. Điều này khiến việc thiết kế các công cụ đầu tư và tài trợ của Nhà nước chưa phù hợp và toàn diện.

“Chính sách văn hóa toàn diện cần kết hợp hài hòa các mục tiêu văn hóa xã hội, chính trị và kinh tế để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Đối với Việt Nam, việc mở rộng các mục tiêu kinh tế trong chính sách văn hóa không chỉ là điều cần thiết mà còn là một bước đi chiến lược trong quá trình hội nhập và chuyển đổi kinh tế. Điều này sẽ giúp Nhà nước xây dựng các công cụ đầu tư hiệu quả hơn, đáp ứng cả nhu cầu bảo tồn văn hóa lẫn phát triển kinh tế trong kỷ nguyên mới,” ông Minh chia sẻ./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/dau-tu-trung-dich-cho-van-hoa-phai-can-cu-theo-nhu-cau-thuc-tien-post999939.vnp