Đầu tư vào Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm: Nghẹt nước, tắc đường, doanh nghiệp ngán ngẩm
Sau hơn 10 năm đổ tiền đầu tư vào Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm (TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với cảnh nghẹt nước, tắc đường.
Trước thực trạng này, phía doanh nghiệp cho rằng, đó là một trong những nguyên nhân khiến dự án đầu tư không thể về đích theo tiến độ đã cam kết.
Hơn 10 năm tắc đường, nghẹt nước
Công ty cổ phần Sao Đà Lạt, chủ đầu tư Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Sao Đà Lạt tại Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm (thuộc Tiểu khu 162, phường 4, TP. Đà Lạt) vừa gửi đơn kiến nghị đến UBND tỉnh Lâm Đồng về nhiều vấn đề trong quá trình đầu tư tại đây.
Theo đó, Công ty cổ phần Sao Đà Lạt cho hay, năm 2006, tại Hội nghị kêu gọi đầu tư và Khu du lịch hồ Tuyền Lâm (lúc đó chưa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Khu du lịch quốc gia), UBND tỉnh đã cam kết với các nhà đầu tư là điện, đường, nước, thông tin liên lạc sẽ đến chân công trình.
Tuy nhiên, đến nay, Công ty cổ phần Sao Đà Lạt vẫn phải mòn mỏi chờ nước sạch.
Ngoài ra, hệ thống thu gom, xử lý nước thải của Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm chưa vận hành.
Trong khi đó, Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm dù đã hình thành hơn 10 năm trước và chủ đầu tư (Công ty TNHH Đất Việt - Đà Lạt) đã nộp đầy đủ các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước như tiền thuê đất, tiền thuê rừng và không để xảy ra vi phạm về trật tự xây dựng, quản lý bảo vệ rừng…, nhưng Dự án vẫn chưa thể “về đích” như tiến độ ban đầu và phải xin gia hạn tiến độ. Một trong những nguyên nhân, theo Công ty TNHH Đất Việt - Đà Lạt, là do không có đường giao thông tiếp cận Dự án.
Từ năm 2011 đến nay, Công ty TNHH Đất Việt - Đà Lạt đã nhiều lần lên phương án kết nối giao thông vào dự án, nhưng kết quả đều không khả thi. Năm 2019, Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm đã đề xuất 3 phương án kết nối giao thông vào Dự án, gồm 2 phương án về giao thông đường bộ và một phương án giao thông đường thủy. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan, nên các phương án này đều không khả thi.
Theo phản ánh của ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Công ty TNHH Đất Việt - Đà Lạt với UBND tỉnh Lâm Đồng, từ khi triển khai công trình đến nay, vẫn chưa có đường giao thông đi vào Dự án.
Công ty TNHH Đất Việt - Đà Lạt cho biết đã phối hợp với Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm tiến hành lên phương án nghiên cứu khảo sát đường giao thông tiếp cận Dự án dựa trên phần đất của Nhà nước và không vướng vào dự án khác. Công ty này đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các sở, ngành liên quan sớm mở đường đi vào Dự án để Công ty yên tâm triển khai.
Hạ tầng hạn chế, thiếu đồng bộ
Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm nhìn nhận, sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, Đồ án Quy hoạch chung xây dựng phát sinh một số khó khăn, vướng mắc và không còn phù hợp với tình hình thực tế.
Quy hoạch đã duyệt định hướng hồ Tuyền Lâm là khu du lịch cấp quốc gia, nhưng hiện tại vẫn chưa khai thác hết được tiềm năng, lợi thế về cảnh quan của một khu du lịch đặc trưng tại Đà Lạt. Đó là hạ tầng khu du lịch còn nhiều hạn chế, thiếu sự đồng bộ. Các phân khu chức năng còn mang tính chất cục bộ về loại hình, sản phẩm du lịch theo từng dự án, chưa khai thác và phát huy hết tiềm năng địa hình, cảnh quan của từng phân khu, thiếu sự liên kết, chưa hình thành được chuỗi sản phẩm hoạt động du lịch đặc trưng của Khu du lịch Tuyền Lâm.
Vì thế, chưa tạo được sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Trong quá trình thực hiện điều chỉnh quy hoạch của các dự án theo Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung Khu du lịch hồ Tuyền Lâm, một số chủ đầu tư dự án thành phần đề nghị được xem xét cho điều chỉnh tỷ lệ tác động công trình theo tỷ lệ phân khu được phân bổ.
Tuyến đường vành đai TP. Đà Lạt đi qua Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm ảnh hưởng đáng kể đến quy hoạch của Khu du lịch như ảnh hưởng đến diện tích đất đã được UBND tỉnh cho một số dự án thành phần thuê để thực hiện dự án; việc thu hồi đất của Khu du lịch hồ Tuyền Lâm để đầu tư đường vành đai ảnh hưởng đến chỉ tiêu quy hoạch; đến các cổng chính tiếp cận vào Khu du lịch theo quy hoạch được duyệt…
Ngoài ra, vị trí quy hoạch xây dựng Khu xử lý nước thải tập trung tại Khu du lịch hồ Tuyền Lâm theo quy hoạch được duyệt tại Quyết định số 1968/QĐ-UBND ngày 7/9/2016 của UBND tỉnh hiện nay không còn phù hợp (vị trí này UBND tỉnh đã cho Công ty cổ phần Sacom Tuyền Lâm thuê đất để thực hiện dự án).
Tuy nhiên, vị trí điều chỉnh Khu xử lý nước thải tập trung được Sở Xây dựng và các cơ quan chức năng đồng thuận lại nằm giáp ranh ngoài phạm vi ranh giới quy hoạch của Khu du lịch hồ Tuyền Lâm đã được phê duyệt.
Ngày 15/7/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng đã thống nhất chủ trương điều chỉnh vị trí đầu tư xây dựng khu xử lý nước thải tập trung này, đồng thời giao Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm tổng hợp, bổ sung vào hồ sơ điều chỉnh quy hoạch chung Khu du lịch.
Theo Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, hầu hết các dự án đang triển khai (24 dự án) đều chậm tiến độ theo quy định. Hiện nay, ngoài các doanh nghiệp đã được gia hạn tiến độ đưa đất vào sử dụng và điều chỉnh tiến độ đầu tư, các doanh nghiệp còn lại đang liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Kế hoạch và Đầu tư để được xem xét giải quyết.
Cùng với đó, một số doanh nghiệp thực hiện đầu tư hướng đến kinh doanh bất động sản, không thực hiện đúng mục tiêu đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch như quy hoạch chung đã được phê duyệt của Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm. Một số nhà đầu tư có tiềm lực tài chính yếu, dẫn đến tình trạng thực hiện dự án cầm chừng.
Tại Tờ trình đề nghị thông qua Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5000 Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 vào ngày 6/3/2023, ông Nguyễn Quốc Tuyến, Giám đốc Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm khẳng định, những năm qua, cơ quan này đã phối hợp cùng với các sở, ngành chức năng, chính quyền địa phương hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các đơn vị có thể triển khai dự án, nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư.
Tuy nhiên, tiến độ vẫn chậm do nhiều nguyên nhân, cả khách quan, lẫn chủ quan. Chẳng hạn, từ năm 2016 đến nay, khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo dừng khai thác tận dụng lâm sản đối với rừng tự nhiên, các dự án đầu tư không thể chuyển mục đích sử dụng đất, không thể thực hiện khai thác tận dụng lâm sản…
Bên cạnh đó, thủ tục phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường trước đây thực hiện ở tỉnh, giờ theo luật mới phải thực hiện ở Bộ Tài nguyên và Môi trường, nên các thủ tục hành chính rất mất thời gian.
Ngoài ra, vốn ngân sách còn nhiều hạn chế, dẫn đến hạ tầng dùng chung của Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm chưa thật đồng bộ; chưa có hệ thống nước sinh hoạt đến chân dự án cho các nhà đầu tư, còn vướng một số trường hợp giải phóng mặt bằng; hệ thống thu gom rác thải chưa vận hành; hệ thống viễn thông cần được nâng cấp; thời gian hoạt động của hệ thống chiếu sáng công cộng còn hạn chế…
Chính vì thế, ngày 6/3/2023, Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia Tuyền Lâm đã trình UBND tỉnh Lâm Đồng báo cáo HĐND tỉnh Lâm Đồng xem xét thông qua Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5000 Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, làm cơ sở trình Bộ Xây dựng thẩm định.