Đầu tư vào nhân lực: Khai phá sức mạnh nội tại của doanh nghiệp
Trong bối cảnh hội nhập, nguồn nhân lực chính là yếu tố quan trọng và quý giá nhất quyết định đến sự phát triển của một doanh nghiệp.
Yếu tố then chốt cho sự phát triển của doanh nghiệp
TS. Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội dự báo, trong 10-15 năm tới khoảng 1/3 công việc hiện tại sẽ thay đổi do tác động của công nghệ thông tin, robot, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo; khoảng 40% lao động toàn cầu sẽ không có kỹ năng phù hợp với công việc của họ.
Ngoài ra, theo một khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp Việt Nam trong cách mạng công nghiệp 4.0, có tới 53% doanh nghiệp Việt Nam không dự báo được kỹ năng tương lai cần thiết cho lực lượng lao động của mình.
“Thị trường lao động trong nước cần những giải pháp toàn diện từ tất cả các bên liên quan để hướng tới nâng cao chất lượng tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực thông qua phát triển kỹ năng và tăng cường tri thức cho người lao động trong tình hình mới” - TS. Trương Anh Dũng nhận định.
Cuộc công nghiệp 4.0 và xu hướng chuyển đổi số đã và đang tác động sâu rộng đến mọi ngành nghề, làm thay đổi nhanh chóng mô hình nghiệp vụ, kinh doanh, không chỉ trong khối sản xuất, mà còn dịch vụ. Ngay như, các ngân hàng truyền thống cũng đang phải dần thích ứng, tích hợp các công nghệ số mới như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối (blockchain)... vào sản phẩm, dịch vụ, nghiệp vụ của đơn vị. Sự chuyển dịch này làm gia tăng khoảng 8 - 9% nhu cầu về chất lượng, số lượng nguồn nhân lực lĩnh vực tài chính đến năm 2030 - theo một nghiên cứu của McKinsey.
Bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh - Chủ tịch, CEO Dale Carnegie Việt Nam cho biết, nếu như trước đây, lý do khiến việc đào tạo nhân lực thường được xem là không bắt buộc ở nhiều doanh nghiệp vì các doanh nghiệp nghĩ đó là chi phí hơn là sự đầu tư, là trách nhiệm của xã hội, nhà trường.
Nhưng hiện nay, trong nền kinh tế thị trường, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, hàng hóa và dịch vụ ngày càng trở nên gay gắt, đòi hỏi các tổ chức và cộng đồng kinh doanh cần nhận thức đúng đắn hơn về đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị trong doanh nghiệp bởi đây là nguồn chất xám, tạo ra yếu tố then chốt đối với sự phát triển của doanh nghiệp trong tương lai.
“Trong môi trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh và phức tạp, các doanh nghiệp cần có một quy trình tổng thể mang tính chiến lược dài hạn làm nền tảng cho hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, để thành công trong việc triển khai quy trình tổng thể, con người luôn là yếu tố quan trọng và không thể thiếu” - bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh nhấn mạnh, đồng thời chia sẻ, các doanh nghiệp cần xác định được giá trị cốt lõi và định hướng cho đội ngũ nhân viên của mình, góp phần tạo nên một đội ngũ có động lực cao, tâm huyết và tình yêu đối với công việc của mình.
Việc tập trung xây dựng sức mạnh nội tại của tổ chức thông qua khai tạo nội lực của đội ngũ nhân sự, cùng với việc trao cho họ cơ hội để hoàn thiện năng lực và hiệu suất trong công việc đã trở thành một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ và văn hóa công ty thành công.
Bên cạnh đó, một nghiên cứu của Harvard Business Review đã cho thấy rằng, các doanh nghiệp có chi phí đào tạo lãnh đạo cao hơn trung bình thị trường thường có tỷ lệ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trung bình cao hơn gấp đôi so với các doanh nghiệp không đầu tư vào đào tạo lãnh đạo. “Người lãnh đạo khi được chuẩn bị nội lực sẵn sàng, họ hoàn toàn có thể khơi dậy nội lực từ đội ngũ của mình, không chỉ là học và được hoàn thiện cho bản thân, mà họ còn mang đến sự tác động tới những người xung quanh” - bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh chia sẻ thêm.
Nắm bắt xu thế, đầu tư thỏa đáng
Việc đầu tư thỏa đáng và kịp thời vào phát triển kỹ năng có thể giúp các ngành kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam không những khai thác được tiềm năng của cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng suất, chất lượng mà còn bảo đảm làn sóng này mang lại lợi ích cho người lao động nói chung.
Không chờ đợi thị trường một cách bị động, gần đây, nhiều doanh nghiệp đã chủ động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bằng cách đầu tư nhiều hơn cho công tác này. Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Lê Văn Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Miza Nghi Sơn khẳng định, nhân lực là vấn đề “sống còn” của doanh nghiệp. Doanh nghiệp muốn phát triển phải có đội ngũ nhân lực tốt và ổn định. Hơn nữa, chúng tôi còn có những dự định mở rộng quy mô kinh doanh, vì vậy nhân lực luôn là khâu quan trọng nhất.
Hiện Miza Nghi Sơn chú trọng áp dụng các công nghệ cao vào sản xuất. Do đó, đơn vị thường xuyên tổ chức đào tạo theo thứ tự, ví trí công việc, để đội ngũ nhân lực của công ty ngày càng hoàn thiện hơn. “Trình độ nhân lực kỹ thuật cao của công ty hiện chiếm khoảng 20-30% tổng số nguồn nhân lực” - ông Lê Văn Hiệp tiết lộ.
Ông Lê Đình Tư - Giám đốc Công ty TNHH Minudo Farm - Care - một doanh nghiệp cà phê ở Đắk Lắk cũng cho rằng, con người là tài nguyên, giữ ví trí số 1 đối với doanh nghiệp, máy móc chỉ là phụ.
Đặc biệt, đối với doanh nghiệp về cà phê, muốn làm cà phê chất lượng cao, đòi hỏi người lao động phải nắm vững kỹ thuật. “Nhận thức được điều này, chúng tôi đã tiến hành đào tạo nhân viên một cách nghiêm túc, nhất là ở bộ phận marketing, bộ phận kỹ thuật để nâng cao trình độ, nhận thức, năng lực làm việc của người lao động” - ông Lê Đình Tư cho hay.
Đồng quan điểm, con người là vốn quý giá nhất của mỗi doanh nghiệp, bà Cao Thị Dung - CEO Sakuko Việt Nam bày tỏ, trong lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ, sức mạnh cạnh tranh của doanh nghiệp chính là có được nguồn nhân lực tốt và phải phù hợp với văn hóa doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập. Điều này, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp cần phải có chiến lược về nhân sự tốt, coi đó là trọng yếu và tiên quyết, nếu không muốn doanh nghiệp mất lợi thế cạnh tranh, mất dần thị trường.
“Ngoài việc tổ chức các chương trình đào tạo trong và ngoài doanh nghiệp, nhân viên của Sakuko còn được khuyến khích tìm hiểu và thực hành liên tục các giá trị cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp. Đồng thời, công ty cũng hợp tác với nhiều đơn vị đào tạo chuyên sâu trong nhiều lĩnh vực như dịch vụ, quản trị, truyền thông, công nghệ để nâng cao năng lực đội ngũ nhân lực của mình” - đại diện Sakuko Việt Nam cho biết.