Đầu tư vào Trung Quốc có còn an toàn sau cú ngã của Ant Group?
Theo Nikkei Asian Review, các nhà đầu tư toàn cầu đang cố phân tích thông điệp từ chính phủ Trung Quốc sau vụ startup tài chính của tỷ phú Jack Ma buộc phải hủy niêm yết.
Nikkei dẫn lời một số nhà phân tích nhận định cơ quan quản lý tài chính Trung Quốc đưa ra hai thông điệp khi ra lệnh chặn đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) của Ant Group. Thứ nhất, kiểm soát rủi ro tài chính tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Bắc Kinh.
Thứ hai, chính quyền Trung Quốc còn phải đi qua một con đường rất dài để có thể hiện thực hóa mục tiêu biến Thượng Hải thành trung tâm tài chính hàng đầu khu vực. Hiện tại, khoảng cách giữa Thượng Hải với các trung tâm tài chính nổi tiếng thế giới vẫn là quá lớn.
Sau khi cú sốc trôi qua, các nhà đầu tư Ant Group đang cố phân tích những tác động tiếp theo của đợt IPO bất thành. Theo kế hoạch ban đầu, startup của tỷ phú Jack Ma sẽ huy động tới 39,6 tỷ USD vốn đầu tư và trở thành công ty tài chính giá trị nhất thế giới.
"Với việc đình chỉ đợt IPO của Ant Group vào phút chót và công khai khiển trách Jack Ma, cơ quan quản lý tài chính Trung Quốc khẳng định rằng chính phủ sẽ giám sát làn sóng đổi mới công nghệ tài chính ở nước này", chuyên gia Andrew Batson - Giám đốc Nghiên cứu của Gavekal Research - cho biết.
Xu thế mới tại Trung Quốc
Trong khi đó, CNBC dẫn lời nhà đầu tư kỳ cựu Mark Mobius - người sáng lập hãng Mobius Capital Partners - nhận định vụ IPO của Ant Group đổ bể không phải là "trường hợp cá biệt", mà cho thấy một xu thế mới tại Trung Quốc.
"Chính phủ Trung Quốc nhận ra rằng họ không thể để các công ty như Ant Group kiểm soát ngành tài chính", ông Mobius nhấn mạnh. "Bắc Kinh can thiệp bởi họ nhận ra rằng họ phải kiểm soát các công ty này, để chúng không trở nên quá lớn".
Nikkei dẫn lời bốn nhà quản lý quỹ toàn cầu giấu tên nói họ đã đánh giá thấp vai trò của các cơ quan quản lý tài chính Trung Quốc. Tuy nhiên, các doanh nhân này chưa tính đến chuyện giảm đầu tư vào Trung Quốc. Họ cũng cho rằng các quy định mới có thể giúp nước này đảm bảo ổn định tài chính.
Ban đầu, đợt niêm yết của Ant Group được kỳ vọng trở thành tín hiệu cho thấy các thị trường tài chính Trung Quốc như Thượng Hải bắt đầu "trưởng thành" và quốc gia 1,4 tỷ dân sẽ tiếp tục mở cửa ngành tài chính 50.000 tỷ USD rộng rãi hơn.
Nhưng giờ, các nhà đầu tư quốc tế nghi ngại nguy cơ các thay đổi chính sách sẽ ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài vào các thị trường tài chính Trung Quốc. Phía Trung Quốc cũng muốn kéo các công ty nội địa chuyển niêm yết từ nước ngoài về Thượng Hải và Hong Kong.
"Chính quyền Trung Quốc khẳng định quyền lực trong vụ lùm xùm của Ant Group", một giám đốc quỹ bình luận. "Họ đề ra các quy định và không quan tâm tới phản ứng bên ngoài. Trên thực tế, các quy định mới không đáng ngạc nhiên, điều gây sốc chỉ là thời điểm Ant Group bị dừng IPO".
Ant Group công bố kế hoạch IPO hồi tháng 7 và nộp đơn xin giấy phép hồi tháng 8. Đến tháng 10, startup của Jack Ma có trong tay mọi giấy phép cần thiết và sự đồng ý của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Các cơ quan quản lý tài chính Trung Quốc đề xuất các quy định mới từ 2 tháng trước, nhưng không ai nghĩ rằng đợt IPO của Ant Group sẽ hủy.
Giới quan sát cho rằng vấn đề quan trọng nhất với chính phủ Trung Quốc là bảo vệ hệ thống ngân hàng - lớn nhất thế giới - trong thời điểm nợ xấu tăng vọt. Vài năm qua, một số nhà băng nhỏ ở Trung Quốc vỡ nợ, phải nhờ chính phủ giải cứu. Do đó, giới phân tích cho rằng sau vụ lùm xùm Ant Group, các công ty dịch vụ tài chính sẽ phải "bớt chủ quan" về môi trường pháp lý ở Trung Quốc.
Mối quan hệ yêu - ghét phức tạp
Năm ngoái, dòng vốn nước ngoài đổ vào tài sản Trung Quốc tăng lên sau khi Bắc Kinh bãi bỏ mức trần sở hữu cổ phiếu và trái phiếu của nhà đầu tư nước ngoài. Tháng 9, các cơ quan quản lý tài chính công bố kế hoạch mở rộng phạm vi đầu tư theo chương trình kết nối sàn chứng khoán Hong Kong và Thượng Hải, đồng thời cho phép nhà đầu tư nước ngoài giao dịch thêm nhiều sản phẩm chứng khoán tương lai.
Các đại gia tài chính Phố Wall, bao gồm JPMorgan Chase, đóng vai trò bảo lãnh cho đợt IPO của Ant Group tại Hong Kong. Nhóm doanh nghiệp này đã lập công ty vốn 100% nước ngoài tại Trung Quốc. Những tập đoàn lớn khác như Credit Suisse và Goldman Sachs có kế hoạch tăng gấp đôi nhân sự tại Thượng Hải.
"Viên kim cương trên vương miện" của thị trường Thượng Hải là sàn STAR Market - được xây dựng theo mô hình tương tự Nasdaq của Mỹ. Theo thống kê của Dealogic, từ khi STAR đi vào hoạt động hồi năm ngoái, gần 200 công ty đã niêm yết và huy động hơn 40 tỷ USD tại đây.
Nếu IPO suôn sẻ, Ant Group có thể giúp tăng uy tín của sàn STAR và khiến hàng trăm công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ tự tin hơn với việc niêm yết ở Thượng Hải trong thời điểm quan hệ Mỹ - Trung đang rất căng thẳng. Trong 10 năm qua, 204 công ty Trung Quốc - bao gồm Alibaba - đã huy động được gần 68 tỷ USD trên sàn NYSX và Nasdaq ở Phố Wall.
Đến nay, mới chỉ có một số - gồm Alibaba và JD.com - niêm yết thứ cấp ở Hong Kong. Và cũng chỉ có khoảng 30 doanh nghiệp có khả năng niêm yết thứ cấp tại Trung Quốc theo các quy định hiện tại.
Chuyên gia Andrew Collier, Giám đốc Oriental Capital Research và cựu Chủ tịch Bank of China International-U.S, cho rằng các thay đổi về quy định tài chính ở Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng tới những công ty muốn niêm yết tại Trung Quốc.
"Điều tồi tệ nhất trong vụ lùm xùm Ant Group là việc chính phủ Trung Quốc thiếu nhất quán với các quyết định liên quan đến tài chính. Các nhà đầu tư toàn cầu sẽ phải thận trọng hơn với các quyết định đầu tư tương lai. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến định giá các công ty Trung Quốc", ông nói.
"Vụ Ant Group chắc chắn sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài lo lắng, thận trọng hơn khi đầu tư tại Trung Quốc trong tương lai", nhà phân tích Tianlei Huang của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (Washington, Mỹ) nhận định. "Dù vậy, các tài sản Trung Quốc vẫn hấp dẫn giới đầu tư. Đây là mối quan hệ yêu - ghét phức tạp".