Đầu tư vào xây dựng là giải pháp hàng đầu cho phục hồi nền kinh tế sau đại dịch
Các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng có thể là lời giải cho bài toán hồi phục và phát triển nền kinh tế của các quốc gia sau khi bị tàn phá bởi đại dịch Covid-19, theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).
Nghiên cứu các cuộc khủng hoảng đã từng xảy ra trong quá khứ, có thể thấy rằng, dù khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn e ngại việc đầu tư khi chưa có một tương lai chắc chắn cho nền kinh tế, nhà nước vẫn có thể duy trì và tăng cường đầu tư vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là những dự án bảo trì, tu sửa vì thường có quy trình phê duyệt đơn giản và nhanh chóng hơn.
Đầu tư vào cơ sở hạ tầng có thể là một trong những hành động đầu tiên của chính phủ để khởi động quá trình phục hồi nền kinh tế bởi những dự án này sẽ trực tiếp kích cầu cũng như tạo thêm nhiều việc làm, đặc biệt là khi những nhà đầu tư tư nhân vẫn còn dè dặt và người tiêu dùng thì thắt chặt chi tiêu. Trong các lĩnh vực khác, chính phủ thường phải phụ thuộc vào khu vực tư nhân sẵn sàng chi tiền thuê thêm nhân công.
Là trọng tâm của công tác phục hồi kinh tế, lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng thể hiện ra nhiều lợi thế. Đầu tiên, lĩnh vực này thâm dụng số lượng lao động lớn, với ước tính chiếm khoảng 7,6% lực lượng lao động toàn cầu. Bên cạnh đó, những công nhân phổ thông ở các ngành nghề khác cũng có thể dễ dàng chuyển sang làm việc ở lĩnh vực xây dựng. Nhà nước cũng có thể điều hướng các dự án đầu tư, hướng mục tiêu vào những khu vực bị tổn thương nặng nề nhất bởi đại dịch.
Đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng có thể tạo ra hiệu quả kinh tế lan tỏa theo “hiệu ứng nhỏ giọt”. Cụ thể, doanh nghiệp địa phương cũng nhận được nhiều lợi ích khi có cơ hội cung cấp nguyên vật liệu, trang thiết bị, dịch vụ vận chuyển, dịch vụ lưu trú… cho các dự án lớn.
Trước khi đại dịch bùng phát, nhiều công nhân xây dựng đã ký hợp đồng ngắn hạn, thường là dựa trên từng dự án. Vì vậy, khi dịch bệnh gây ra những gián đoạn cho nền kinh tế, họ đã bị mất việc và mất thu nhập ngay lập tức. Ở nhiều nước đang phát triển, các hình thức trợ cấp hay bảo hiểm thất nghiệp cho nhóm này chưa được phổ biến, vì vậy cần phải tạo ra việc làm cho họ nhanh nhất có thể để tránh những tác động tiêu cực lâu dài.
Tương tự, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành xây dựng cũng đang đứng trước nguy cơ phá sản nếu không sớm đi vào hoạt động trở lại.
Không chỉ giải quyết nhu cầu việc làm và nhu cầu sản xuất kinh doanh nói trên, đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng còn đặt nền móng cho công cuộc tái cơ cấu, hướng tới phát triển bền vững – mục tiêu mà các nhà hoạch định chính sách luôn đề cao trong thời gian gần đây. Các hạng mục đầu tư nhằm thúc đẩy bảo vệ môi trường hay tăng khả năng tiếp cận dịch vụ cơ bản cho người nghèo, vùng sâu vùng xa chính là lựa chọn tối ưu để dáp ứng vấn đề này.
Vì những lý do trên, các chính phủ cần nhanh chóng ban hành chính sách cũng như đưa ra những chương trình phù hợp để tái khởi động lại ngành xây dựng.
Dưới đây là một số đề xuất của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).
Đầu tiên, tập trung đầu tư vào các dự án tu sửa, bảo trì các công trình cơ sở hạ tầng hiện có. Không chỉ có quy trình cấp phép tinh gọn hơn, các dự án này còn có một nhu cầu lớn về lao động và nguồn lực.
Thứ hai, tiến hành đầu tư ở những địa phương xảy ra tình trạng thất nghiệp nghiêm trọng hoặc có thu nhập thấp.
Thứ ba, cân bằng giữa việc đầu tư các dự án lớn với các dự án nhỏ hơn ở địa phương chưa phát triển (chăm sóc sức khỏe, xử lý nước thải…) vì những dự án này thường có nhu cầu tận dụng lao động địa phương.
Thứ tư, hệ thống Tiêu chuẩn Lao động Quốc tế được ILO đưa ra đã được chấp nhận rộng rãi trên toàn thế giới. Việc tuân thủ theo những tiêu chuẩn này vừa có thế đảm bảo quá trình phục hồi kinh tế diễn ra hiệu quả, vừa đảm bảo được những quyền lợi và nhu cầu của người lao động, đặc biệt là người lao động dễ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và lao động không chính thức.
Thứ năm, nên ưu tiên những dự án “cơ sở hạ tầng xanh” nhằm thực hiện mục tiêu “tái xây dựng một cách tốt hơn”. Các dự án này có thể có đa dạng quy mô, từ những dự án cấp hộ gia đình (ví dụ như xây dựng hệ thống năng lượng tái tạo) cho đến những dự án cấp quốc gia (như dự án thích ứng giao thông vận tải hay phục hồi hệ sinh thái).
Thứ sáu, các sáng kiến kích thích nền kinh tế phục hồi và phát triển cần hướng tới Mục tiêu và Chương trình nghị sự Phát triển bền vững 2030. Trước khi cơn khủng hoảng do đại dịch Covid-19 xuất hiện, ước tính khoảng 6,9 nghìn tỷ đô la sẽ được đầu tư vào cơ sở hạ tầng liên quan đến Chương trình nghị sự nói trên mỗi năm. Tuy nhiên, với động cơ phục hồi nền kinh tế, số tiền đầu tư sẽ còn tăng cao hơn rất nhiều. Khi các quốc gia thiếu vốn đầu tư, những chính sách giảm nợ hay tái cơ cấu nợ có thể tạo ra sự hỗ trợ cần thiết.