Đầu tư xây dựng cầu vượt sông Đồng Nai: Tạo kết nối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế
Nhân kỷ niệm 25 năm Bình Dương xây dựng và phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, xây dựng Bình Dương trở thành đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, ngày 27-12, UBND tỉnh đã tổ chức lễ khởi công công trình cầu vượt sông Đồng Nai. Dự án được đầu tư xây dựng nhằm tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời hoàn thiện hệ thống giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Bình Dương và Đồng Nai là 2 tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Do điều kiện tự nhiên, 2 tỉnh ngăn cách bởi sông Đồng Nai, việc lưu thông qua lại hiện nay thông qua một số cây cầu trên các tuyến, như cầu Đồng Nai (Quốc lộ 1), cầu Hóa An (tuyến Quốc lộ 1K), cầu Thủ Biên trên Vành đai 4. Vị trí các cầu cách nhau khá xa đã tạo sự ngăn cách giữa 2 tỉnh, chưa đáp ứng được nhu cầu giao thông tăng nhanh, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, thương mại của vùng, nhất là kết nối giữa trung tâm TX.Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) với huyện Vĩnh Cữu (tỉnh Đồng Nai). Theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của 2 tỉnh, đặc biệt là 2 thành phố, trung tâm chính trị hành chính, kinh tế lớn Thủ Dầu Một và Biên Hòa, việc xây dựng thêm các cầu qua sông Đồng Nai là một trong những nội dung cần ưu tiên làm ngay để từng bước phát triển hoàn chỉnh mạng lưới giao thông nội tỉnh, giữa tỉnh Đồng Nai với tỉnh Bình Dương cũng như của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Dự án có tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng, từ vốn ngân sách tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai, do Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư. Về phạm vi, dự án có điểm đầu trùng với điểm cuối dự án xây dựng đường dẫn vào cầu phía Bình Dương, cách tường cánh mố cầu phía Bình Dương hơn 288m. Điểm cuối dự án giao với tuyến đường Hương lộ 7, cách tường cánh mố cầu phía Đồng Nai hơn 255m. Về quy mô, dự án có chiều dài toàn tuyến hơn 945m với 4 làn xe. Trong đó, phần cầu dài hơn 401m, phần đường dẫn đầu cầu dài hơn 544m. Phần cầu có kết cấu phần trên là dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực liên tục được thi công bằng phương pháp đúc hẫng cân bằng. Phần đường đầu cầu thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h. Kết cấu mặt đường bằng bê tông nhựa nóng.
Ông Võ Bá Linh, người dân xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên, chia sẻ: “Nhiều năm qua, người dân xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên và xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình đi lại giữa hai địa phương. Việc di chuyển phải sử dụng đò, phà nên bị hạn chế về thời gian cũng như sự bất tiện trong việc chờ đợi. Trước việc tỉnh triển khai xây dựng cầu Bạch Đằng 2, chúng tôi rất vui mừng và phấn khởi. Người dân chúng tôi sẽ tích cực ủng hộ, tạo mọi điều kiện để dự án được triển khai, thực hiện; góp phần nhanh chóng hoàn thành công trình và đưa vào sử dụng trong thời gian sớm nhất”.
Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: “Công trình được khởi công đúng theo kỳ vọng của lãnh đạo cũng như thỏa lòng mong ước của bao thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai. Khi cây cầu hoàn thành sẽ tạo kết nối hai trục đường huyết mạch ĐT747 (TX.Tân Uyên) và ĐT768 thuộc huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, tạo thuận lợi rất lớn cho việc lưu thông hàng hóa, trao đổi nguồn nhân lực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là trong vùng dự án, đồng thời hoàn thiện hệ thống giao thông liên tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”.
Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai: “Cầu Bạch Đằng 2 không chỉ là mơ ước của người dân địa phương mà còn có tính liên kết vùng. Khi công trình hoàn thành sẽ tạo thuận lợi cho người dân Đồng Nai và Bình Dương đi lại, tạo kết nối đến các tỉnh, thành lân cận và sân bay Long Thành, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh, thành trong vùng”.
PHƯƠNG LÊ (ghi)