Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng then chốt, tạo động lực tăng trưởng bền vững

PTĐT - Một trong 4 khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2015- 2020 xác định là huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội then chốt.

Thực hiện huy động đa dạng các nguồn lực đầu tư, đến nay mạng lưới giao thông trên toàn tỉnh được cải thiện đáng kể.- Công ty TNHH xây dựng Tự Lập thi công tuyến đường Vũ Thê Lang qua xã Trưng Vương, TP Việt Trì.

Thực hiện huy động đa dạng các nguồn lực đầu tư, đến nay mạng lưới giao thông trên toàn tỉnh được cải thiện đáng kể.- Công ty TNHH xây dựng Tự Lập thi công tuyến đường Vũ Thê Lang qua xã Trưng Vương, TP Việt Trì.

Sau 5 năm tập trung thực hiện với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành cùng toàn thể xã hội, toàn tỉnh đã khai thác tối đa các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài ngân sách Nhà nước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo động lực đưa kinh tế tăng trưởng ổn định, bền vững, là tạo tiền đề để Phú Thọ vươn lên trở thành một trong những tỉnh phát triển hàng đầu của khu vực trung du, miền núi Bắc bộ.

Những năm qua, tỉnh đã tập trung xác định thứ tự ưu tiên huy động và bố trí nguồn lực cho 118 dự án thuộc 8 ngành, lĩnh vực: hạ tầng giao thông, đô thị, các khu cụm công nghiệp, du lịch- thương mại- dịch vu, nông lâm nghiệp- thủy sản, năng lượng điện, giáo dục- y tế, thông tin- khoa học- môi trường. Ngoài nguồn lực của Nhà nước, còn huy động sự tham gia của toàn xã hội, nhất là đầu tư từ doanh nghiệp vào các dự án giao thông, khu- cụm công nghiệp, hạ tầng đô thị và đóng góp của nhân dân vào phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn. Trong quá trình thực hiện, tất cả các cấp, các ngành trong tỉnh đã vào cuộc với quyết tâm cao, linh hoạt trong công tác chỉ đạo điều hành, hàng năm ưu tiên bố trí, sử dụng nguồn vốn ngân sách như là “vốn mồi” để kích cầu, khai thác tối đa các nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác; riêng với những chương trình, dự án trọng điểm thì tập trung vốn đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hạn chế phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.Là một trong những địa phương có nhiều nỗ lực trong thực hiện khâu đột phá về huy động nguồn lực đầu tư, thời gian qua, huyện Tam Nông đã bám sát chỉ đạo của tỉnh, ban hành chương trình hành động về huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng theo chốt giai đoạn 2016- 2020, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp vào đầu tư, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của các bộ ngành trung ương, các tổ chức phi chính phủ, các tập đoàn, doanh nghiệp… để huy động đa dạng nguồn lực đầu tư cho kết cấu hạ tầng. Hàng năm, việc phân bổ vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước được thực hiện đúng quy định, huyện đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các xã, thị trấn làm chủ đầu tư xây dựng các công trình, tăng cường công tác quản lý Nhà nước, xử lý nợ đọng cơ bản nên hầu hết các công trình hoàn thành đầu tư đưa vào sử dụng đã phát huy tốt hiệu quả nguồn vốn. Chủ tịch UBND huyện Tam Nông Phạm Văn Quang cho biết: “Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và các khâu đột phá, huyện Tam Nông đã huy động gần 9.685 tỷ đồng đầu tư vào địa bàn, đạt 242% mục tiêu kế hoạch đề ra, trong đó vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước 534 tỷ đồng, vốn do các doanh nghiệp đầu tư hơn 8.071 tỷ đồng, còn lại là vốn đầu tư trong dân và các nguồn khác, đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện đạt 10,5%/năm, vượt 3% so với mục tiêu bình quân chung của tỉnh”.

Không riêng Tam Nông, những năm, qua hầu hết các cấp, ngành, địa phương đều huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Ước đến hết năm 2020, tổng vốn đầu tư phát triển xã hội của toàn tỉnh sẽ đạt khoảng 130.000 tỷ đồng, tăng bình quân 12%/năm, vượt 36% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra, vốn huy động ngoài ngân sách cũng tăng từ 75% lên 81%. Tỷ trọng vốn ngân sách các cấp cũng chỉ chiếm 40,2% tổng vốn đầu tư, còn lại là vốn của doanh nghiệp, tư nhân và các nguồn khác. Nhờ đó kết cấu hạ tầng của tỉnh ngày càng đồng bộ, hiện đại, chỉ tính riêng hạ tầng đô thị đã thực hiện 68 dự án với tổng vốn huy động đạt 11.099 tỷ đồng; hạ tầng giao thông triển khai thực hiện 35 dự án với tổng vốn huy động khoảng 6.160 tỷ đồng; hạ tầng các khu- cụm công nghiệp triển khai 25 dự án với tổng vốn huy động 2.757 tỷ đồng, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới huy động hơn 10.776 tỷ đồng…Trong quá trình huy động nguồn lực đầu tư, tỉnh đã mạnh dạn áp dụng hình thức đối tác công - tư (PPP) đối với các công trình hạ tầng giao thông, hạ tầng thương mại - du lịch, hạ tầng xã hội... để tăng huy động vốn ngoài ngân sách, đáp ứng nhu cầu thực tế, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Điển hình như: Dự án Trung tâm Sản nhi quy mô 500 giường bệnh chất lượng cao có tổng mức đầu tư 1.600 tỉ đồng; Dự án Trường phổ thông chất lượng cao Hùng Vương tổng mức đầu tư 140 tỉ đồng; dự án Bệnh viện Hùng Vương giai đoạn II quy mô 200 giường bệnh, tổng mức đầu tư 80 tỉ đồng.

Đáng ghi nhận hơn cả là hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư mạnh mẽ đã kết nối đồng bộ các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh với trục giao thông quan trọng đối ngoại, tạo sự liên thông giữa đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ với nội đô, ngoại đô. Điển hình như dự án cầu Văn Lang kết nối Phú Thọ với thành phố Hà Nội, tạo thêm một huyết mạch giao thông quan trọng giữa các tỉnh Tây Bắc với Thủ đô; tuyến đường Hồ Chí Minh qua huyện Tam Nông; đường nối Quốc lộ 70 đi Hòa Bình; đường Phù Đổng; đường Âu Cơ… được đầu nâng cấp, xây dựng mới, tạo sự kết nối liên thông giữa các vùng sản xuất hàng hóa trong tỉnh và giao thương với các tỉnh bạn, thu hút các nhà đầu tư và tạo điều kiện cho nhân dân trong, ngoài tỉnh về với cội nguồn dân tộc. Bên cạnh đó, các dự án trọng điểm có qui mô lớn, hiện đại như: Công viên Văn Lang giai đoạn 3; Quảng trường Hùng Vương; chợ Việt Trì mới… làm cho diện mạo đô thị có bước phát triển vượt bậc, tạo điểm nhấn trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh. Cùng với hạ tầng giao thông, đô thị, các dự án hạ tầng khu, cụm công nghiệp, nhất là các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng cũng được chú trọng đầu tư như hạ tầng khu công nghiệp Thụy Vân, Phú Hà, Cẩm Khê… tạo quỹ đất sạch thu hút các dự án công nghệ cao, các nhà đầu tư có tiềm lực, từ đó đưa tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh đạt trên 7,5%/năm.

Có thể thấy, việc thực hiện khâu đột phá trên đã mang lại sức vóc, diện mạo mới cho tỉnh, làm cho bộ mặt thành thị, nông thôn đổi thay rõ nét, toàn tỉnh đã có 1 huyện, 109 xã, 246 khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới, 3 huyện thành thị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đưa tỉnh Phú Thọ ngày càng phát triển, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế vùng trung du, miền núi Bắc bộ.

Mai Phương

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202004/dau-tu-xay-dung-ket-cau-ha-tang-then-chot-tao-dong-luc-tang-truong-ben-vung-170444