Dầu Tường An đặt mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn
Từ những dự báo về các rủi ro tiềm ẩn của nền kinh tế, triển vọng từ thị trường dầu ăn Việt Nam, Tường An trong thời gian sắp tới sẽ tập trung phát triển đa dạng hóa danh mục sản phẩm, tối ưu hóa mô hình chuỗi cung ứng và hoạt động hiệu quả.
Tại Đại hội đồng Cổ đông thường niên 2020, Ban lãnh đạo Công ty Dầu thực vật Tường An cho biết do sự bùng phát mạnh của dịch Covid – 19 trong những tháng đầu năm khiến hầu hết các công ty gặp khó khăn trong việc sản xuất kinh doanh, các kế hoạch kinh doanh chưa được thực thi đúng hướng.
Tác động của Đại dịch Covid – 19 cũng ảnh hưởng đến thói quen và hành vi của người tiêu dùng. Theo đó, người tiêu dùng bắt đầu chi tiêu hợp lý và quan tâm đến các nhóm sản phẩm có lợi cho sức khỏe.
Tuy nhiên, mức độ tiêu thụ dầu ăn tại Việt Nam nhìn chung vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực (13,5kg/năm, theo WHO). Lượng tiêu thụ dầu ăn ở Việt Nam hiện vẫn còn thấp hơn mức khuyến nghị bởi WHO. Do vậy, ngành dầu ăn tại Việt Nam được dự đoán vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển và được dự báo đạt mức 35.000 tỷ đồng vào năm 2024.
Từ những dự báo về các rủi ro tiềm ẩn của nền kinh tế, triển vọng từ thị trường dầu ăn Việt Nam, Tường An trong thời gian sắp tới sẽ tập trung phát triển đa dạng hóa danh mục sản phẩm, tối ưu hóa mô hình chuỗi cung ứng và hoạt động hiệu quả.
Thông qua mô hình kinh doanh hiệu quả và thương hiệu vững mạnh cùng những lợi thế về mặt quản trị, tài chính, Marketing, IT, hệ thống… từ công ty mẹ - Tập đoàn KIDO, Tường An đẩy nhanh kế hoạch hướng đến trở thành đơn vị dẫn đầu trong ngành dầu ăn ở Việt Nam và mở rộng sang các ngành hàng thực phẩm khác theo định hướng của Tập đoàn.
Theo đó, các kế hoạch trọng tâm được đề ra gồm có việc tếp tục phát triển các sản phẩm cốt lõi như dầu ăn, dầu đậu nành, bơ Magarine, dầu ăn rẻ em Vio. Song song với đó, công ty tiếp tục chiến lược cao cấp hóa các sản phẩm với nhóm sản phẩm dầu chuyên biệt, dầu ăn cao cấp Season, Mè thơm và dầu Olive.
Công ty cũng đẩy mạnh việc phát triển đa dạng danh mục sản phẩm, gia tăng mức độ nhận diện thương hiệu Tường An. Tập trung phát triển theo chiều sâu, gia tăng độ phủ trên kênh đối với các dòng sản phẩm chủ lực
Thực hiện chiến lược khu vực hóa, xây dựng kế hoạch kinh doanh mùa vụ và danh mục sản phẩm phù hợp với từng địa phương nhằm tạo ra sức mạnh cạnh tranh, gia tăng thị phần, khai thác tối ưu hiệu quả chuỗi cung ứng sản phẩm và nguyên liệu.
Trong lĩnh vực sản xuất, Tường An sẽ đầu tư mở rộng, cải tiến nhà máy để nâng công suất nhằm giảm giá thành trong chi phí sản xuất, giảm chi phí vận chuyển và tăng sức cạnh tranh trên thị trường, gia tăng năng lực các bồn chứa để đảm bảo nguồn dự trữ cho sản xuất.
Về cơ cấu hoạt động, công ty tiếp tục thực hiện tái cấu trúc theo mô hình tập đoàn, khai thác tối đa nguồn lực, tăng cường hệ thống quản trị, quản lý chi phí, tập trung vào sản xuất để gia tăng hiệu quả
Với những chiến lược nêu trên, Tường An đặt mục tiêu doanh thu thuần năm 2021 là 5.266 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 232 tỷ đồng, lần lượt tăng nhẹ 0,36% và 5% so với năm 2020. Sau 6 tháng đầu năm, Tường An ước doanh thu 3.000 tỷ, tăng 37%, lợi nhuận trước thế 105 tỷ, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.