Dâu út mừng rỡ khi được bố chồng khó tính khen ngợi tinh tế chọn quà Tết
Chỉ là những món quà nhỏ, nhưng thật bất ngờ là đã được bố chồng đón nhận một cách rất vui vẻ.
Nhà có ba chị em dâu đều sống xa nhà chồng, nên chuyện sắm Tết biếu bố chồng ở quê năm nào cũng được coi trọng. Tôi là dâu út nên rất ý thức được việc này, quà cáp làm sao phải ý nghĩa mà không được lớn hơn các chị bên trên.
Bố chồng tôi gần đây mắc bệnh tim và tiểu đường khá nặng, phải kiêng đủ thứ, ông ăn uống rất kỹ tính. Việc biếu quà Tết nếu là đồ ăn thức uống cũng phải để ý, phù hợp với sức khỏe, sở thích của bố chồng. Chắc chắn là các đồ uống có cồn, đồ ăn cay nóng, nhiều đạm… là không được rồi.
Chị dâu cả có kinh tế khá giả nên sắm Tết bố chồng rất sang. Đó là chai rượu ngoại đắt tiền, mấy hộp bánh ngoại trông đẹp mắt của các thương hiệu nổi tiếng thế giới và vài cân hoa quả cũng là loại nhập khẩu rất đắt. Những tưởng giỏ quà vừa đẹp, vừa đắt, ai nhìn vào cũng trầm trồ sẽ được bố chồng vui mừng, nào ngờ còn bị ông trách nhẹ: "Bố không uống rượu nữa và cũng có dùng mấy đồ này đâu, con cứ bày vẽ làm gì cho tốn kém. Mấy loại này, Tết mà mang ra mời khách ở đây, có khi họ còn cười cho đấy".
Rút kinh nghiệm từ chị dâu cả, chị dâu hai cũng chi ra số tiền lớn như chị dâu cả nhưng lại chú ý tới các loại quà khác. Chị dâu thứ hai mua các loại đặc sản trong nước, được đặt riêng làm quà biếu nên chất lượng đảm bảo, hình thức cũng rất đẹp hơn các loại thông thường. Đó là giò chả, bánh trưng, bánh gai, bánh đậu xanh, thịt trâu, bò khô… Tất cả được mua với số lượng lớn, chia thành nhiều túi, bày la liệt trên bàn khi biếu bố chồng.
Bố chồng tôi vừa thương vừa bực vì sự hoang phí của con dâu thứ, không biết những thứ đã nhận đấy dùng sao cho hết, cho ai để không bị lãng phí… Ngày Tết, người già, người có bệnh cũng hạn chế ăn các loại đó nên sẽ thừa rất nhiều. Tuy bố chồng không trách, nhưng trong lòng lại không vui khi nhận quà của con dâu.
Thấy hai chị tặng quà mà bố chồng không ưng, tôi là dâu út cũng thấy áp lực lắm, tiền tôi không nhiều và độ sành sỏi thì kém xa hai chị dâu. Tôi tính mua quà Tết cho bố chồng phải giản dị, phù hợp hơn so với quà của các chị đã tặng. Quà cho bố chồng phải vừa có loại chơi dịp Tết, có loại dùng để được lâu…
Tham khảo nhiều nơi, tôi quyết định mua tặng bố chồng một bức tranh thư pháp chủ đề truyền thống gia đình. Tôi mua thêm một lọ hoa giả cổ, to đẹp để trưng bày hoặc cắm hoa. Cùng với đó là mua chậu hoa cúc, hoa trà để bố chồng ngắm dịp Tết và cân trà khô, mứt sen, mứt dừa để bố chồng dùng tiếp khách dịp Tết.
Thật bất ngờ, bố chồng tôi nhận quà của tôi rất vui mừng, còn khen tôi mua quà giản dị mà phù hợp. Bố chồng khen ngợi con dâu tinh tế, biết chọn quà. Ông cũng vui vẻ chỉ bảo, dịp Tết là để gia đình sum họp, ông sẽ đọc các chữ viết trên bức tranh để nhắc nhở con cháu về truyền thống gia đình và gìn giữ nét đẹp cổ truyền cha ông. Bố chồng tôi rất yêu cây, hoa nên hàng ngày ngắm và chăm sóc hoa sẽ thấy thư thái, mạnh khỏe… Món quà vừa dùng Tết, vừa dùng lâu dài.
Tôi nhận ra rằng, bố chồng tôi dù có bệnh nhưng không hề khó tính, khắt khe với con cái. Tôi cũng rút ra một điều, biếu quà Tết là phong tục tốt đẹp có từ xa xưa, đây là dịp để con cháu thể hiện tình cảm của mình với các thế hệ trước. Quà cáp đừng nên thể hiện thiên lệch về giá trị, ganh đua hơn kém mà phải chứa đựng được các yếu tố truyền thống, hướng thiện, phù hợp với nhu cầu gia đình và mang đậm nét đẹp Tết cổ truyền.