Đầu xuân thăm Bến đò Thượng Trụ - nơi thành lập Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh
Từ ngã ba Bắc Nghèn, rẽ xuống chưa đầy 2 cây số là vùng đất của làng Thượng Trụ xưa (nay là thôn Đoàn Kết, xã Thiên Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh).
Nơi đây sừng sững tượng đài lịch sử với hình ảnh con thuyền cánh buồm lộng gió và phía trên cao cột buồm lấp lánh búa liềm. Tấm biển đặt ngang in dòng chữ vàng trang trọng: “Bến đò Thượng trụ, nơi thành lập Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh, tháng 3 - 1930”.
Di tích lịch sử Bến đò Thượng Trụ ở xã Thiên Lộc (Can Lộc) vừa được nâng cấp, cải tạo vào dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (Ảnh: Đạt Võ).
Ngày ấy, trong một đêm thượng tuần tháng ba, chỉ sau gần 2 tháng Đảng ta ra đời (3/2/1930), trên một con thuyền tại bến đò Thượng Trụ đã diễn ra sự kiện có ý nghĩa lịch sử quan trọng. Đồng chí Trần Hữu Thiều (tức Nguyễn Trung Thiên), Xứ ủy viên Trung Kỳ đã triệu tập và chủ trì hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh. Hội nghị đã bầu Ban Chấp hành lâm thời và đồng chí Nguyễn Trung Thiên được cử làm Bí thư Tỉnh ủy.
Hội nghị đã quán triệt một số vấn đề về phương hướng, nguyên tắc hoạt động, gây dựng các tổ chức đảng và chủ trương phát động quần chúng đấu tranh. Sự ra đời của Đảng bộ Hà Tĩnh là mốc son đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong phong trào cách mạng của nhân dân tỉnh ta đầu thế kỷ XX.
Ngay sau khi thành lập, Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo mở rộng hệ thống tổ chức Đảng, thành lập các đảng bộ huyện, chi bộ làng xã và kết nạp hàng trăm đảng viên. Tờ báo “Bước tới”, cơ quan ngôn luận đầu tiên của Tỉnh ủy và hàng trăm lá truyền đơn đã đến với quần chúng. Những hạt giống đỏ đã được gieo trên mảnh đất Lam Hồng đói khổ lầm than nhưng giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Được ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Luận cương chính trị và đường lối chính trị của Đảng soi đường, hàng vạn quần chúng lao khổ đã thức tỉnh, rũ bùn đứng dậy, vùng lên đấu tranh chống ách thực dân phong kiến. Nhiều cuộc biểu tình lớn đã liên tiếp nổ ra ở Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Hương Khê...
Như thác vỡ bờ, nông dân các làng xã đã đổ về đốt phá huyện đường, đưa yêu sách đòi giảm sưu thuế, trừng trị cường hào, làm lung lay bộ máy cai trị thực dân phong kiến. Nhân dân đã đứng lên cướp chính quyền, trừng trị cường hào, làm tan rã bộ máy tay sai, lập nên chính quyền Xô viết ở khắp nơi trong tỉnh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn trao bằng công nhận huyện nông thôn mới của Thủ tướng Chính phủ cho lãnh đạo huyện Can Lộc
Hòa cùng khí thế đấu tranh của công nhân Vinh - Bến Thủy và nông dân các huyện ở Nghệ An, Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã phát động cuộc biểu tình ngày 22/12/1930 ở Ngã ba Nghèn kỷ niệm ngày “Quảng Châu bạo động”. Hàng vạn nông dân Can Lộc với sự tiếp sức của đoàn biểu tình từ Thạch Hà ra đã rầm rộ kéo về huyện đường, hô vang khẩu hiệu đòi đánh đổ ách cai trị của thực dân, phong kiến. Run sợ trước sức mạnh của quần chúng, kẻ thù đã xả súng bắn vào đoàn biểu tình, giết hại 42 chiến sĩ cách mạng.
Đây là cuộc tàn sát đẫm máu nhất trong phong trào Xô viết 1930 - 1931 ở tỉnh ta. Đồng chí Nguyễn Trung Thiên cũng đã bị địch bắt, tra tấn dã man và bị xử bắn dưới chân núi Hồng Lĩnh. Mặc dù sau đó phong trào bị kẻ thù đàn áp dã man, hàng trăm đảng viên và quần chúng cách mạng bị bắt giam, sát hại, nhiều làng mạc bị đốt phá, nhưng ngọn lửa Xô viết thì vẫn âm ỉ cháy để sau đó 15 năm, Hà Tĩnh lại đi đầu trong phong trào Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám 1945 vĩ đại.
Truyền thống ấy đã được phát huy mạnh mẽ, hun đúc nên Chiến thắng Đồng Lộc anh hùng trong những năm đánh Mỹ, góp sức cùng cả nước giành toàn thắng mùa xuân 1975.
Bến đò Thượng Trụ và quê hương Xô viết hôm nay đang bừng sáng sức sống của một vùng quê trên con đường xây dựng nông thôn mới. Kinh tế Can Lộc giữ đà tăng trưởng nhanh và bền vững. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt 36,5 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,62% (năm 2019). Kết cấu hạ tầng kỹ thuật về thủy lợi, điện, đường, trường, trạm, chợ, nhà ở, trụ sở, nhà văn hóa được xây dựng đồng bộ.
Nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp được thành lập. Hiệu quả sản xuất, kinh doanh tăng nhanh. Thuần phong mỹ tục được khơi dậy, đời sống văn hóa, tinh thần khởi sắc. Làng quê xanh, sạch, đẹp, trong lành. Nhiều nơi như thấy “phố ở trong làng”.
Thị trấn Can Lộc sầm uất
(Ảnh: Nguyễn Thanh Hải)
Năm 2018, xã Đồng Lộc đạt đô thị loại V, được công nhận thị trấn. Thị trấn Nghèn cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại IV. Ngày 17/10/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1405/QĐ- TTg công nhận Can Lộc đạt chuẩn huyện nông thôn mới.
Làng Thượng Trụ xưa lam lũ bên sông nay đã thành một phần của xã Thiên Lộc - anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới, một điểm sáng nông thôn giàu đẹp. Và Ngã ba Nghèn Xô viết đau thương, anh dũng trong những năm ba mươi, đang từng ngày trỗi dậy thành điểm nhấn của đô thị, từng bước tiến đến thị trấn hiện đại văn minh.
Chín mươi mùa xuân vinh quang Đảng đã đi qua, sáng xuân nay hoa bần lại nở trắng ngần trên bến đò Thượng Trụ. Con thuyền năm xưa đã hóa thân thành tượng đài bất tử. Sông Nghèn vẫn năm tháng thủy chung một dòng thao thiết chảy về xuôi và núi Nghèn vẫn hiên ngang, mạnh mẽ như một con tàu đang tiến nhanh về phía trước.
Xuân mới đang về trên bến đò Thượng Trụ quê tôi!