Đầu xuôi, thêm nuôi hy vọng

Ngay trong những ngày khởi đầu năm mới Quý Mão 2023, nhiều lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật (VH-NT) liên tiếp đón nhận tin vui khi tình hình doanh thu, lượng khách đều tăng, thậm chí đã có những kỷ lục mới. Sự hồi sinh sau những 'nốt trầm' đang mang đến nhiều tín hiệu lạc quan.

Đường hoa Nguyễn Huệ lần thứ 20 sau 8 ngày mở cửa đón khoảng 1,2 triệu lượt khách tham quan, du xuân là kỷ lục ấn tượng. Lễ hội Đường sách Tết Quý Mão 2023 cũng đạt doanh thu ấn tượng với hơn 6 tỷ đồng, đón hơn 585.000 lượt người tham quan và mua sách.

Ở lĩnh vực điện ảnh, bộ phim Nhà bà Nữ liên tiếp tạo ra những con số doanh thu ấn tượng. Tại các sân khấu, niềm vui cũng nhân lên khi điểm diễn quen thuộc tại Idecaf, 5B, Hoàng Thái Thanh, Thế giới Trẻ… có tỷ lệ lấp đầy khá cao, trung bình đạt 70%-80% khán giả. Nhiều sân khấu, vở diễn, suất diễn cháy vé.

Thậm chí, một số điểm diễn mới tại Nhà hát Thanh niên, sân khấu Trương Hùng Minh… cũng rất ăn khách, mang đến bất ngờ cho chính các ông bầu. Trên các nền tảng số, nhiều chương trình giải trí, phim ảnh cũng thu hút hàng triệu lượt xem. Các điểm vui chơi quen thuộc tại TPHCM như Thảo cầm viên Sài Gòn, Suối Tiên, Đầm Sen… luôn trong tình trạng đông khách.

Từ những con số nói trên có thể thấy đà hồi sinh ấn tượng của các lĩnh vực VH-NT, giải trí so với cùng thời điểm cách đây 1 năm tại TPHCM. Những quan ngại, lo lắng về việc thắt chặt chi tiêu, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả thay đổi sau dịch cũng phần nào vơi đi. Không quá lời khi nói tết vẫn là mùa “vàng” của lĩnh vực VH-NT. Điều quan trọng hơn, các giá trị văn hóa truyền thống vẫn luôn có sức hút với công chúng, kể cả với người trẻ. Đi ra để hội nhập trở thành điều tất yếu trong bối cảnh toàn cầu hóa. Nhưng quay ngược trở vào để tìm hiểu truyền thống, bồi đắp, gìn giữ và tạo nên bản sắc riêng mang ý nghĩa sống còn.

Và hiển nhiên, công chúng vẫn luôn dành tình cảm đặc biệt cho các sản phẩm thuần Việt được thực hiện tâm huyết, vừa có tính giải trí nhưng vẫn đọng lại thông điệp ý nghĩa, giàu tính nhân văn. Tết là phải vui. Nhưng niềm vui ấy chỉ đọng lại, được truyền miệng, lan tỏa khi nó mang đến những giá trị thiết thực. Không gian của đường hoa, đường sách cho đến rạp phim, sân khấu đã làm rất tốt điều này.

Trong niềm lạc quan ấy khó khăn chưa hẳn đã qua đi. Chúng ta có quyền hy vọng nhưng cũng cần thực tế, không thể lạc quan tếu. Năm 2023 được dự đoán là năm sẽ có nhiều khó khăn khi những ảnh hưởng hậu dịch bệnh mới thực sự ngấm sâu vào các lĩnh vực khác nhau của đời sống, đặc biệt với VH-NT. Điều này bản thân những người làm nghề đã ý thức và nhận thức sâu sắc.

Thành công với những con số như trên cũng đồng thời đặt ra câu hỏi: Lĩnh vực VH-NT trong năm 2023 nên được phát triển theo hướng nào, đầu tư ra sao để tiếp đà tăng trưởng? Có lẽ, điều tiên quyết nhất vẫn nằm ở chính bản thân những người làm nghệ thuật và các tác phẩm mà họ trình diện trước công chúng.

Điều này nếu nhìn vào thành công của đường hoa, đường sách hay nhiều vở diễn sân khấu trong mùa tết vừa qua đã chứng minh. Nhu cầu, thị hiếu của công chúng ngày càng cao, đòi hỏi vừa phải tăng cả về lượng đồng thời tăng hơn về chất, đi vào chiều sâu, mang đến những giá thị thiết thực.

Sẽ thật khó để đòi hỏi một tác phẩm nghệ thuật đáp ứng đầy đủ các giá trị cả về giải trí, giáo dục, thẩm mỹ, nhận thức... Tuy nhiên, trong mối quan hệ cộng sinh giữa công chúng - đối tượng thưởng thức và người làm nghệ thuật - chủ thể sáng tạo, thành công chỉ đến khi bản thân mỗi người nghệ sĩ, mỗi tác phẩm hiểu, tôn trọng và phục vụ đúng nhu cầu của công chúng.

Khó khăn về kinh tế, việc thắt chặt chi tiêu cho các hoạt động văn hóa, giải trí là tất yếu. Vậy nên, điều cốt lõi, từng sản phẩm nghệ thuật phải chứng minh cho công chúng thấy từng đồng tiền họ bỏ ra là xứng đáng. Đây cũng là cách tiết kiệm cho khán giả và cho chính những người làm nghệ thuật. Từ đó góp phần tăng niềm tin nơi công chúng và thêm động lực cho người làm nghề.

VĂN TUẤN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dau-xuoi-them-nuoi-hy-vong-post676941.html