Đau xương khớp kéo dài, cảnh giác với ung thư phổi di căn
Theo các bác sĩ Bệnh viện K, mọi người không nên chủ quan với biểu hiện đau xương khớp, đau cột sống nhất là khi dùng thuốc giảm đau không đỡ hoặc kèm theo tê bì, yếu chi thì nên cảnh giác hơn về bệnh lý nghiêm trọng chứ không phải thoái hóa.
Nghĩ đau xương khớp thông thường, đi khám người phụ nữ phát hiện ung thư phổi di căn
Bệnh nhân P.T.V. 54 tuổi, quê tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc được chẩn đoán ung thư phổi di căn cột sống cổ cao, làm hủy thân đốt sống cổ, gây đau và tê tay.
Bệnh nhân được các bác sĩ Bệnh viện K hội chẩn, điều trị đa mô thức giúp kiểm soát bệnh toàn thân, cũng như điều trị khối u di căn vị trí nguy hiểm là cột sống cổ cao.
Với chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn muộn; bệnh nhân V. đã được điều trị hóa chất. Trong quá trình điều trị, bệnh tiến triển, di căn lên các đốt sống cổ C1, C2.
Theo các bác sĩ, sau khi khám, nhận định là ca bệnh phức tạp, các chuyên gia hóa chất và xạ trị cũng như phẫu thuật của Bệnh viện K đã hội chẩn rất kỹ càng, bác sĩ đánh giá trường hợp bệnh nhân V. cần được điều trị phối hợp nhiều chuyên khoa.
Sau 1 tháng, tình trạng khối u phổi được kiểm soát tốt, khối u cột sống cổ cao đã co nhỏ, lúc này bệnh nhân được tiến hành cố định cột sống cổ nhằm giải quyết tình trạng mất vững của người bệnh, phòng ngừa nguy cơ liệt tứ chi.
TS.BS Nguyễn Đức Liên, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện K chia sẻ: "Tổn thương tại vùng đốt sống cổ C1, C2 là những tổn thương khó xử lý, khó can thiệp bởi chứa những trung tâm rất quan trọng của tủy sống và não: Hành tủy, trung tâm hô hấp, vận động tứ chi,... Bên cạnh đó cột sống cổ C1, C2 còn có vai trò nâng đỡ hộp sọ, đây cũng là thách thức với chúng tôi khi điều trị".
Ngày 12/4, các bác sĩ khoa Ngoại thần kinh gồm TS.BS Nguyễn Đức Liên, Trưởng khoa và Ths.Bs Nguyễn Thái Học, Ths.Bs Nguyễn Văn Linh đã tiến hành phẫu thuật. Ca mổ được chuẩn bị chu đáo từ việc kê tư thế, bởi chỉ cần cúi cổ hoặc ưỡn cổ quá mức cũng có thể làm tổn thương tủy. Các bác sĩ đã thực hiện các thao tác rất cẩn thận, can thiệp giải ép tủy sống khỏi chèn ép trước, sau đó nắn chỉnh và cố định cột sống cổ và xương sọ.
Sau mổ 4 ngày người bệnh bắt đầu tập ngồi dậy và tập đi lại, có thể chỉ định dùng thuốc hóa chất duy trì sau 2-3 tuần.
Thận trọng với biểu hiện đau xương khớp kéo dài
Ung thư phổi di căn (giai đoạn cuối) là giai đoạn ung thư phổi tiến triển nhất, tế bào khối u đã lây lan sang các bộ phận khác như gan, não hoặc xương. Theo viện Ung thư Quốc gia Mỹ, các dấu hiệu của ung thư phổi giai đoạn cuối tương đối khó phát hiện vì dễ bị nhầm lẫn với các vấn đề y tế khác như bệnh lao, viêm phổi... Điều này dẫn đến khoảng 57% bệnh nhân ung thư phổi đã di căn khi được chẩn đoán.
Theo các bác sĩ, khoảng 30–40% những người bị ung thư phổi giai đoạn cuối phát triển di căn xương. Trong trường hợp này, đau là triệu chứng chính và nguy cơ gãy xương tăng lên.
Ung thư phổi di căn xương bước sang giai đoạn cuối khi mà các tế bào ung thư tại phổi đang di căn đến hệ cơ xương khớp trong cơ thể, gây ra hàng loạt các triệu chứng đau đớn và khó chịu cho bệnh nhân.
Tế bào ung thư sẽ theo hệ tuần hoàn máu và các hạch bạch huyết để di căn tới các vùng xương như xương chậu, cột sống (nhất là các đốt sống ở vùng bụng dưới và ở ngực), xương chân (xương đùi, xương bàn chân) và xương cánh tay.
Ở giai đoạn di căn thì bệnh nhân ung thư phổi sẽ gặp các biểu hiện tại nơi mà tế bào ung thư lan đến. Cụ thể nếu di căn đến xương thì người bệnh sẽ có các triệu chứng như đau xương, đây là biểu hiện đầu tiên và rõ ràng nhất của ung thư phổi di căn xương. Ban đầu cơ thể sẽ đau như đang bị căng cơ hoặc chịu tác động mạnh, sau đó triệu chứng này sẽ dần dần tăng nặng hơn, nhất là khi bệnh nhân cử động. Trong trường hợp ung thư phổi di căn xương cột sống thì người bệnh còn bị đau khi nằm nghỉ và đau vào ban đêm.
Vì vậy, các chuyên gia Bệnh viện K khuyến cáo, ban đầu người bệnh đều cho rằng là bệnh lý xương khớp thông thường dù trước đó đang điều trị ung thư. Tuy nhiên, không nên chủ quan, nhất là với người bệnh đang khám và điều trị các bệnh lý về thần kinh, cột sống nếu cảm thấy đau tăng dần và kéo dài (trên 3 hoặc 6 tháng), đau cột sống dùng thuốc giảm đau không đỡ, hoặc kèm theo tê bì, yếu chi thì nên cảnh giác hơn về những vấn đề không đơn thuần là thoái hóa.