Dạy bơi và cứu người
Cứu người trong trường hợp khẩn cấp liên quan tai nạn đuối nước là phần ngọn, còn phần gốc phải là chuyện dạy bơi.
Giữa những nỗi lo của dịch bệnh và sức khỏe thì câu chuyện một cựu quân nhân ở Nam Định hay một cảnh sát ở Đồng Nai cứu sống nhiều người đuối nước là những hình ảnh đẹp, lan tỏa năng lượng tích cực.
Thực ra, đây không phải lần đầu tiên có những người hùng xả thân cứu người. Thi thoảng, những anh hùng vẫn xuất hiện trong các tình huống nguy nan như vụ cháu bé rơi ở một chung cư tại Hà Nội từng làm nhiều người cảm phục, xúc động.
Và cũng có những người hùng hằng ngày vẫn âm thầm khoác blouse cứu sống nhiều người bằng chức nghiệp của mình.
Nhiều người hùng khác thì đều đặn lên bục giảng/giảng đường để trao truyền những điều tốt đẹp, giúp những người trẻ được vun bồi giá trị, sống tích cực, tử tế…
Cứu người, xét trên nhiều phương diện, không chỉ là việc đưa một người từ cõi chết trở về mà còn là giáo dưỡng để tâm hồn người được nhận tình thương, sự chia sẻ được vững chãi, bình yên vượt qua khó khăn, làm người lương thiện. Những bàn tay dắt dìu ấy như những chiếc phao cứu sinh tâm hồn, có thể họ không nổi lên như một hiện tượng nhưng thật cao cả, thầm lặng.
Trở lại chuyện cứu người, đó là hành động đẹp và được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật. Cứu người vì thế vừa tự nguyện nhưng cũng vừa bắt buộc, trong khả năng của mỗi người.
Tất nhiên, bắt buộc ở đây không chỉ trên phương diện luật pháp mà sâu xa còn là lương tâm thôi thúc. Do vậy, khi làm điều ấy, hẳn nhiên, không ai nghĩ tới việc mình sẽ được xã hội tán dương, cấp trên khen thưởng.
Nhưng, cứu người trong trường hợp khẩn cấp liên quan tai nạn đuối nước là phần ngọn, còn phần gốc phải là chuyện dạy bơi.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển, với trên 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước mỗi năm.
Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo “Tăng cường các giải pháp chỉ đạo trong công tác tuyên truyền phòng chống đuối nước ở trẻ em” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức cách đây vài năm.
Cũng tại hội nghị nói trên, một số liệu đáng báo động khác cho biết, đuối nước đã cướp đi sinh mạng của 360.000 người mỗi năm trên toàn thế giới, trong đó, 90% trường hợp xảy ra ở những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Một nửa số vụ đuối nước xảy ra ở khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương.
Có thể nói, Việt Nam là nước có nhiều sông suối, ao hồ, kênh rạch cũng như bờ biển trải dài từ Bắc đến Nam nên tai nạn đuối nước xảy ra thường xuyên.
Khi câu chuyện cứu người nói trên được tuyên dương thì tại huyện Krông Năng (Đắk Lắk), trong hai ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vừa qua đã liên tiếp xảy ra hai vụ đuối nước, khiến 5 học sinh tử vong.
Hình ảnh những chiếc quan tài lạnh tanh, tiếng khóc nức nở của người thân khi con mình chết oan ức trong ao nhà hay sông suối, khi tắm biển trong lúc du lịch cùng gia đình… có lẽ là hình ảnh đau đớn nhất.
Bao giờ những cái chết oan khuất như vậy được giảm thiểu? Câu trả lời vẫn là làm sao để dạy bơi cho người trẻ, cụ thể là môn bơi được đưa vào trường học.
Hoặc chí ít, môn kỹ năng sống cần được bổ sung trong nhiều sinh hoạt cộng đồng như trong lớp học để trẻ và người lớn cùng ý thức hơn trong việc tránh xa các nguy cơ xảy ra tai nạn. Phòng bệnh hơn chữa bệnh - đây là đúc kết luôn giá trị của ông bà ta.
Khi càng có thêm người được trang bị kỹ năng bơi lội thì sẽ có thêm nhiều anh hùng cứu được người bị nạn đuối nước. Khi cha mẹ, trẻ em đều ý thức cẩn thận với nguồn nước thì cũng sẽ hạn chế được tai nạn thương tâm.
Mùa Hè đang đến, mùa du lịch cũng đang được khởi động, đi biển để giải cơn nắng nóng sẽ là lựa chọn của nhiều người, nhiều gia đình. Do vậy, việc chủ động tránh nguy cơ tai nạn đuối nước bằng nhiều cách như trang bị áo phao hay tránh xa các cảnh báo nguy hiểm cũng là cách để tự bảo vệ mình.
Thực tế, không phải ai cũng may mắn khi gặp được những người hùng như hai trường hợp vừa qua.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/day-boi-va-cuu-nguoi-180104.html