Dạy chữ nơi 'phên dậu'

Dưới chân núi Hồng Ngài, nơi 'phên dậu' Tổ quốc, các thầy cô giáo ở điểm trường xa xôi và khó khăn nhất xã Y Tý (Bát Xát) đang ngày đêm miệt mài gieo chữ và nuôi dưỡng những giấc mơ của con em đồng bào các dân tộc nơi đây.

Gian nan Hồng Ngài

Là thôn khó khăn nhất xã Y Tý, những năm qua thôn Hồng Ngài đã được đầu tư từ nhiều chương trình, dự án của Nhà nước, đời sống người dân từng bước được nâng lên, tuy nhiên, do thời tiết khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, việc học tập của các em vẫn gặp nhiều khó khăn.

Học sinh Hồng Ngài trên đường tới lớp.

Học sinh Hồng Ngài trên đường tới lớp.

Chặng đường từ trung tâm xã Y Tý qua Sim San đến Hồng Ngài chỉ có 15 cây số, nhưng chúng tôi phải đi mất gần một tiếng rưỡi đồng hồ, đây thực sự là thử thách với những ai lần đầu đặt chân đến. Dọc đường đá hộc lởm chởm, dấu vết những trận lũ in rõ trên cung đường này khi vài cây số lại gặp một đoạn bị đứt gãy, nước xối ra thành dòng thác nhỏ. Cô giáo Hà Thị Thu Hiền, giáo viên Trường Mầm non Y Tý mới tăng cường vào Hồng Ngài “khoe” đôi chân đầy những vết sẹo, cô Hiền bảo đây là hệ quả của những lần ngã xe trên đường từ Y Tý vào.

Lớp học mầm non ở Hồng Ngài.

Lớp học mầm non ở Hồng Ngài.

Thời tiết ở Hồng Ngài quả thật khắc nghiệt, đang trời quang mây tạnh, phút chốc có thể ào xuống ngay cơn mưa rào. Ấy là mùa hè còn đỡ, mùa đông thì sương mù, băng giá, trường học lúc nào cũng chìm trong sương, người mới lên thì thấy thơ mộng, các thầy cô ở đây thì khốn khổ vì ảnh hưởng đến cả công việc và sinh hoạt hằng ngày. Cô Hà Thị Thu Hiền kể mùa đông nằm ngủ trong phòng phải che áo mưa trên màn để phòng sương lạnh tràn vào ưới hết chăn màn. Mùa đông học sinh đến lớp em nào cũng run cầm cập, các thầy cô phải đốt lửa cho các em sưởi ấm, đun nước sôi để học sinh rửa chân tay trước khi ngồi học. Thầy giáo Vàng A Má, phụ trách lớp ghép tiểu học (lớp 1+2) kể có lần đọc chính tả cho học sinh, có một em ngồi mãi không thấy viết được chữ nào, đọc đến lần thứ 3 vẫn không viết, thấy lạ thầy giáo đến gần mới biết tay em học sinh này đã tê cứng vì lạnh không thể nào viết được. “Thương các em lắm nên mình càng cố gắng dạy các em để sau này lớn lên cuộc sống sẽ đỡ vất vả”.

Khó khăn xa xôi nên Trường Tiểu học và Mầm non Y Tý liên tục luân chuyển giáo viên để các thầy cô giáo công tác tại đây không bị thiệt thòi so với các điểm trường gần trung tâm hơn. Nhà trường cũng bố trí hai giáo viên một cũ, một mới đứng lớp để các thầy cô hỗ trợ nhau.

Nuôi dưỡng ước mơ

Điểm trường Tiểu học và Mầm non Hồng Ngài nằm chênh vênh trên mỏm đồi, ven con đường nối từ trung tâm thôn đến cột mốc 85 - cột mốc xa nhất trên tuyến biên giới Bát Xát và có lẽ cũng là một trong những cột mốc nằm ở nơi có địa hình hiểm trở khó tiếp cận nhất trên tuyến biên giới Lào Cai. Điểm trường gồm một dãy nhà cấp 4 là lớp học mầm non và một dãy nhà bằng vật liệu lắp ghép là lớp tiểu học. Từ điểm trường phóng tầm mắt qua những tràn ruộng bậc thang trong veo đang vào mùa đổ nước là biên giới với nước bạn. Trùng hợp hôm nay chúng tôi đến là ngày đầu tuần, dưới là cờ Tổ quốc tung bay nơi “phên dậu” thật xúc động khi Quốc ca vang lên từ giọng hát còn đôi chút ngọng nghịu của học sinh nơi đây. Quốc ca cũng là bài học đầu tiên về tình yêu Tổ quốc mà các thầy cô giáo truyền thụ cho các em từ những ngày đầu tiên tới lớp với niềm hy vọng lớn lao tình yêu ấy sẽ được hun đúc, lớn dần theo năm tháng để nuôi dưỡng ý chí, khát vọng theo đuổi sự học, vươn lên thay đổi cuộc sống của chính mình, từ đó góp sức xây dựng quê hương.

Thầy giáo trẻ Vàng A Má dạy chữ trên quê hương mình.

Thầy giáo trẻ Vàng A Má dạy chữ trên quê hương mình.

Trò chuyện với thầy giáo Vàng A Má, chúng tôi thật bất ngờ khi biết Vàng A Má là người sinh ra và lớn lên ở Hồng Ngài và thật tự hào khi hôm nay thầy giáo trẻ này lại chính là người đứng trên bục giảng gieo con chữ cho con em đồng bào mình. Thầy giáo Vàng A Má bảo học sinh toàn con em mình nên vừa làm nhiệm vụ thầy còn kiêm cả người anh, người chú của các em. Cách đây hơn 20 năm cũng ở nền lớp học này, khi đó còn là nhà trình tường, Vàng A Má bập bẹ học những con chữ đầu tiên. Hồi nhỏ nói tiếng phổ thông còn chưa sõi nên học chậm, nhưng thầy giáo chưa một lần mắng, lúc nào cũng nhẫn nại uốn nắn. Các thầy bảo chỉ có học sau này mới thoát được cái đói, cái nghèo. Học hết lớp 3, Má ra trung tâm xã học tiếp mang theo bao nỗi lo của gia đình. Bố mẹ lo cậu con trai với đôi chân nhỏ bé sẽ chẳng chịu nổi việc phải đi bộ xuyên rừng đến lớp và phải tự lập quá sớm khi ở bán trú. Má kể, ngày ấy nhỏ hơn các bạn khác nên mỗi tuần về nhà chỉ địu theo được hai cân gạo mang đến trường góp với các bạn khác. Học lên trung học cơ sở và trung học phổ thông rồi cao đẳng sư phạm, Má lại tiếp tục địu gạo ra thị trấn Bát Xát, thành phố Lào Cai. “Gia đình khó khăn nhưng bố mẹ lúc nào cũng động viên đi học, nên mình luôn cố gắng nhiều hơn” - Vàng A Má kể. Sau nhiều năm nỗ lực, khi ra trường Vàng A Má được phân công về dạy học ngay chính quê hương mình. Chặng đường gian nan đến với con chữ và trở thành thầy giáo của Vàng A Má giờ đây trở thành câu chuyện để học sinh ở Hồng Ngài noi theo.

Cô Hà Thị Thu Hiền kể chuyện cho học sinh.

Cô Hà Thị Thu Hiền kể chuyện cho học sinh.

Cùng với cô giáo Hà Thị Thu Hiền phụ trách lớp học mầm non là cô Phạm Thị Cúc. Nhà ở Văn Bàn, con nhỏ ở quê, cô Cúc một mình lên công tác nơi vùng biên xa xôi này. Cô Cúc bảo, mỗi chuyến về nhà thăm chồng con thực sự là cả mấy chặng đường gian nan, cũng có lúc nản, nhưng khi lên lớp, nhìn ánh mắt trong veo của học sinh, cô lại có thêm động lực để công hiến với mong muốn góp sức mình cho sự đổi thay ở mảnh đất biên giới nghèo khó này. Cô Cúc chia sẻ khó khăn nhất khi đứng lớp là học sinh còn nhỏ, nhiều em chưa nói được tiếng phổ thông, nên giáo viên vừa là người trông trẻ, vừa dạy tiếng phổ thông, vừa dạy từng kỹ năng sống cho các em… Qua năm tháng, những mầm xanh được ươm ngày nào nay đã vươn lên, thầy Má, cô Hiền và cô Cúc tự hào kể tên nhiều học sinh giỏi ở Hồng Ngài đã thi đỗ vào các trường chuyên nghiệp với tương lai rộng mở phía trước, đó là em Vàng Thị Cúc đã tốt nghiệp Đại học Luật, em Vàng Thị Lan đang học sư phạm Ngữ Văn, em Vàng A Tếnh đang là sinh viên ngành lâm nghiệp...

Các thầy cô giáo ở đây tâm sự rằng niềm vui lớn nhất bây giờ khi dạy học ở Hồng Ngài là nhiều gia đình dù cuộc sống còn khó khăn, vất vả nhưng ai cũng muốn cho con mình đến lớp để mai sau có tương lai tươi sáng hơn.

Mạnh Dũng

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/phong-su/day-chu-noi-phen-dau-z62n20200606103349124.htm