Dạy con bài học sẻ chia

Sau cuộc phát động học sinh ủng hộ, chia sẻ với các bạn ở phía Bắc bị ảnh hưởng cơn bão số 3, con tôi lại muốn biết nhiều hơn thông tin về bà con khu vực gặp thiên tai.

Những thước phim ngắn, những hình ảnh của các đoàn thiện nguyện và cả cuộc sống của trẻ em cũng như người dân ở vùng đất ấy đã khiến ánh mắt cậu đượm buồn. Và con nhận ra, hóa ra việc bớt đi một phần tiết kiệm nhỏ của mình để giúp đỡ người khác cũng chính là cách san sẻ, thể hiện tình yêu thương phù hợp với lứa tuổi của mình...

Học sinh các trường ở Phan Thiết ủng hộ đồng bào miền Bắc bị ảnh hưởng cơn bão số 3.

Học sinh các trường ở Phan Thiết ủng hộ đồng bào miền Bắc bị ảnh hưởng cơn bão số 3.

Mỗi đứa trẻ được sinh ra mang theo bao nhiêu yêu thương và kỳ vọng của cha mẹ. Vì thế ai cũng mong chờ ở đứa con của mình trong tương lai sẽ trở thành một người tốt, có đạo đức và trước hết là có tấm lòng hiếu thảo với cha mẹ, biết yêu thương mọi người. Nhưng trẻ em vốn đã hay sở hữu và coi mình là trung tâm của mọi sự chiều chuộng. Nếu chúng ta không tác động, rất có thể, lớn lên bé sẽ trở thành người ích kỷ. Chỉ biết nhận từ người khác mà không biết cách cho đi. Không biết cách rộng mở trái tim để san sẻ yêu thương.

Các bậc phụ huynh nghĩ thế nào về câu chuyện của tác giả Hideko, người sáng tác truyện tranh nổi tiếng của Nhật Bản, khi cô đã trao cho con cơ hội tập luyện sự san sẻ, kiên nhẫn, bằng cách thường chỉ mua 1 cây kem cho hai đứa con của mình. Chúng thường cãi nhau về việc ai được cầm, ai ăn trước, ai cắn miếng to hơn. Hideko sẽ không để tâm, chỉ thầm quan sát chúng cho đến khi thấy 1 trong 2 đứa con tỏ ra quá đáng mới ra tay. Hideko đủ khả năng để mua liền mấy cây kem cho con, nhưng cô không làm như vậy. Bởi cuộc sống vật chất ngày một đầy đủ, đó là điều bình thường nhưng vấn đề là mọi vật chất trên thế giới này đâu phải đều được chia phần sẵn. Chúng ta có thể không chọn cách để các con phải tranh giành nhau một món đồ nhưng phương pháp dạy kỹ năng sống, biết cách chia sẻ sẽ giúp trẻ tạo dựng, giữ gìn tình bạn và hợp tác với người khác.

Vì vậy, hoạt động mà các trường học trong tỉnh phát động quyên góp giúp địa phương bị ảnh hưởng bởi bão vào đầu năm học, trên cơ sở khơi dậy tinh thần đùm bọc, chia sẻ, nhưng đồng thời giúp các con cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc với việc cho đi đã đạt được mục tiêu giáo dục. Ngoài đợt đột xuất như vậy, hàng năm lại có các đợt quyên góp cho một chương trình từ thiện nào đó dành cho trẻ mồ côi, khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn, mua tăm tre cho Hội Người mù… Dù học sinh không có tiền, chủ yếu là cha mẹ đóng góp, hoặc xin được trích từ những bữa ăn sáng, tiền tiết kiệm và sẽ có những cuộc đối thoại giữa con với người lớn. Nhưng qua việc chia sẻ đó, cha mẹ lại có cơ hội để giáo dục trẻ cách quản lý cảm xúc và nhìn nhận mọi việc theo nhiều hướng khác nhau. Từ đó khơi gợi sự cảm thông, lòng biết ơn và sống có trách nhiệm trong mỗi đứa trẻ.

THỤC ANH

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/day-con-bai-hoc-se-chia-124377.html