Dạy con biết chia sẻ
Ngày rằm mỗi tháng, khi chạy ngang qua quán cà phê nọ, tôi luôn thấy một cô bé mặc đồng phục mẫu giáo đứng phát đồ chay 0 đồng. Tấm bảng nhỏ làm từ nắp thùng xốp có khi ghi là cơm chay, có khi là xôi, lúc lại mì xào. Cô bé nhỏ mỉm cười thật tươi mỗi khi có người ghé lại.
Tuy còn nhỏ tuổi nhưng cô bé đã biết bỏ hộp đồ ăn vào bị nilon và đưa hai tay cho mọi người. Nhận được lời cảm ơn, cô bé sung sướng mỉm cười thật tươi. Bên trong quán, người mẹ vừa pha cà phê thi thoảng lại nhìn chừng con gái, lâu lâu mỉm cười khi thấy những hành động đáng yêu của con. Ánh mắt của người mẹ lấp lánh niềm vui xen lẫn niềm tự hào về cô con gái nhỏ.
Khuyến khích con tham gia các hoạt động tại khu phố sinh sống.
Tôi thấy cách dạy con của người mẹ thật hay: Cho con tự trải nghiệm bài học chia sẻ tình yêu thương đến mọi người. Thông qua việc phát đồ ăn từ thiện, cô bé chắc hẳn đã cảm nhận được niềm vui khi được chia sẻ với người khác, niềm vui khi được người khác cảm ơn, niềm vui khi mình làm được việc có ích…
Từ câu chuyện của hai mẹ con chị chủ quán cà phê, tôi băn khoăn suy nghĩ rằng vậy chúng ta có nên dạy và cho trẻ thực hành chia sẻ tình yêu với người khác ngay từ khi còn nhỏ hay không? Tôi nghĩ là có. Trẻ con càng nhỏ thì càng nên dạy những điều hay lẽ phải, người xưa đã nói “uốn cây từ thuở còn non, dạy con từ thuở con còn thơ ngây”. Từ khi trẻ chưa nhận thức được càng nên cho trẻ thực hành để những bài học về điều hay lẽ phải dễ ăn sâu vào tiềm thức của trẻ.
Dạy con biết chia sẻ đồ chơi với bạn, nhường nhịn những em nhỏ tuổi hơn, kính trọng người lớn hơn… Dần dần con sẽ biết tự phân biệt điều nào nên làm và không nên làm. Con sẽ tự ý thức được phải ứng xử với những người xung quanh như thế nào cho đúng.
Cho con thực hành chia sẻ tình yêu với người khác là cách nhanh nhất để con học được bài học về sức mạnh, niềm vui khi chúng ta cho đi vô điều kiện. Con sẽ hiểu ra trong cuộc sống còn có nhiều người kém may mắn hơn mình, giúp đỡ mọi người trong khả năng của mình là điều nên làm. Khi nhận ra được điều đó chắc hẳn trẻ sẽ bớt ích kỷ và suy nghĩ tích cực hơn.
Ai cũng biết việc học phải đi đôi với hành thì mới mang lại kết quả. Nếu chỉ dạy con bằng những lời răn dạy giáo lý mà không cho trẻ thực hành thì khó để trẻ tiếp thu và ghi nhớ lâu dài được. Cách tốt nhất là cho con trải nghiệm, tự tay làm việc tốt, tự cảm nhận được niềm vui từ những việc mình làm, con sẽ tự học được bài học cho bản thân và ghi nhớ nó vào tiềm thức.
Cha mẹ nào cũng muốn con ngoan ngoãn, nhưng đôi khi chúng ta lại quá bảo bọc con mà quên mất trẻ con cần được trải nghiệm nhiều để tự mình học những bài học từ cuộc sống. Cha mẹ không thể sống thay cuộc đời cho con được. Nếu cứ vì nỗi sợ vô hình của mình mà bảo bọc con quá kỹ, vô tình lại đẩy con tiếp xúc với xã hội qua internet thì càng khó kiểm soát được con hơn. Thay vì nhốt con ở nhà, nên cho con ra ngoài tiếp xúc với thế giới xung quanh, tiếp xúc với mọi người. Cho con trải nghiệm cuộc sống chúng ta sẽ dễ dàng quan sát được quá trình tiếp thu của con, dễ phát hiện được những hành vi chưa đúng để kịp thời uốn nắn.
Môi trường gia đình ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành tính cách của trẻ, cha mẹ là tấm gương cho con noi theo. Cha mẹ dạy con những điều hay thì song song phải cho con thực hành nó. Bài học về tình yêu thương là bài học cần cho trẻ thực hành mọi lúc mọi nơi. Khi trẻ biết cho đi vô điều kiện, trẻ sẽ biết yêu thương mọi người, dễ dàng cảm thông với cha mẹ, tìm được tiếng nói chung với cha mẹ. Được thực hành tình yêu thương từ nhỏ lớn lên trẻ sẽ dễ dàng thông cảm với người khác, bớt ích kỷ, biết yêu thương những người xung quanh mình.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/day-con-biet-chia-se-113686.html