Dạy con cách chế ngự cảm xúc tiêu cực

Trẻ nhỏ thường cư xử theo bản năng, gặp những cảm xúc tiêu cực, các bé sẽ tìm cách phản ứng lại ngay lập tức. Trẻ cần một khoảng thời gian nhất định để học cách chế ngự cảm xúc.

 Khóc lóc và la hét là cách mà nhiều đứa trẻ chọn để giải tỏa cảm xúc tiêu cực. Ảnh: M&C.

Khóc lóc và la hét là cách mà nhiều đứa trẻ chọn để giải tỏa cảm xúc tiêu cực. Ảnh: M&C.

Trẻ em có khả năng cảm nhận mọi thứ rất sâu sắc, bao gồm sự ngạc nhiên, vui thích, ghê tởm, tức giận, thất vọng, thù hằn, ghen tị và nhiệt thành. Trẻ thậm chí hay lâm vào tình huống không tìm được lời nào để truyền tải cảm giác của mình.

Đó là lý do đôi khi trẻ có hành vi không phù hợp, nhưng một khi biết được những cảm xúc này là gì và chúng hoạt động như thế nào, sau đó áp dụng phương pháp để tích cực giải phóng chúng, trẻ sẽ nhận ra rất nhiều điều về cảm xúc và sẽ phát triển theo hướng tích cực hơn.

Chúng ta sẽ đào sâu vào những chủ đề này trong các chương tới, nhưng bây giờ, tôi muốn chia sẻ cách tôi khái niệm hóa các cảm xúc, đặc biệt là trong sức khỏe cảm xúc. Có hai loại cảm xúc: Hữu ích và khó chịu.

Khi tôi làm việc với trẻ nhỏ, tôi tập trung vào việc nuôi dưỡng các cảm xúc hữu ích và một tư duy khỏe mạnh về cảm xúc, để từ đó, trẻ có thể ngắm nhìn thế giới thật chân thực và phản hồi có tư duy. Trẻ sẽ học cách sử dụng não trái và não phải của mình một cách đồng thời nhiều nhất có thể ở giai đoạn phát triển cảm xúc của mình.

Chúng ta cũng tiến hành xác định các cảm xúc khó chịu, hãy khoan xác định là tiêu cực hay xấu xí, nhưng những cảm xúc này khiến trẻ đánh mất sự cân bằng, do đó, trẻ cần phải được tích cực giải phóng những cảm xúc ấy.

Thông thường, chúng ta bắt đầu bằng cách giúp trẻ giải quyết các cảm xúc khó chịu, bởi những cảm xúc này thật sự là những cảm xúc mãnh liệt. Trẻ la hét, khóc lóc, dậm chân trong sự tức giận, buồn chán và thất vọng. Cha mẹ cần phải vun đắp các cảm xúc hữu ích như kiên nhẫn, bình tĩnh và nhiệt thành, cũng để cân bằng với các cảm xúc khó chịu và nâng cao khả năng xử lý các cảm xúc khó chịu của trẻ.

Cuối cùng, trẻ không cần phải lúc nào cũng tươi cười, nhưng trẻ cần có khả năng đối mặt với bất cứ cảm xúc nào phát sinh, đồng thời học cách thể hiện ra một cách khéo léo. Đó chính dấu hiệu của một đứa trẻ khỏe mạnh về cảm xúc.

Trẻ đang học cách nâng niu chiếc xô cảm xúc của mình và trút bỏ khi cần thiết. Ngoài ra, trẻ cũng đang học cách làm thế nào để đổ đầy chiếc xô ấy bằng các mối quan hệ, sở thích và hoạt động lành mạnh, giúp cuộc đời trẻ trở nên ý nghĩa và có mục đích hơn.

Một trong những thách thức lớn nhất đối với những trẻ đang học cách trở nên khỏe mạnh về cảm xúc là, trên thực tế, trẻ thường xuyên không thể chịu được sự khó chịu. Khi cảm thấy các cảm xúc không dễ chịu như tức giận, trẻ ngay lập tức muốn từ bỏ.

Do đó, trẻ la hét, đấm đá hay ăn vạ để giải phóng nó. Phản xạ này có thể giúp trẻ thấy thoải mái nhưng không có lợi. Một trong những vai trò của cha mẹ trong việc nuôi dạy những đứa trẻ khỏe mạnh về cảm xúc và giúp trẻ biến những thứ bất lợi thành có lợi cho mình là giúp đỡ trẻ:

- Nâng niu cả sự khó chịu.

- Nâng cao giới hạn “chịu đựng cảm giác khó chịu”.

- Nhận ra rằng các cảm xúc không dễ chịu có thể đến thì cũng có thể đi.

Trẻ có thể học cách tăng sức chịu đựng cảm giác khó chịu bằng cách cảm thấy không thoải mái trong một môi trường đủ an toàn. Bé Fatima, 7 tuổi, muốn chiến thắng trong mọi ván cờ cháu chơi. Cháu là một người cầu toàn, đó là lý do tôi giới thiệu cho cháu một trò chơi tương đối khó mà tôi chắc cháu sẽ thua (một cảm xúc cực kỳ không thoải mái). Và vâng, cháu đã thua trong trò chơi đó, trò Clue [1] . Điều này đã kích thích một số cảm xúc cực kỳ khó chịu, nhưng tôi đã giúp cháu phân tích chúng và nhận ra bản thân mạnh hơn bất cứ cảm xúc khó chịu nào.

Khi còn bé, tôi nhớ cha mẹ mình từng giới thiệu một số trải nghiệm mới lạ để mở rộng vùng thoải mái của tôi, chẳng hạn như đi diễu hành trong Ngày lễ Tạ ơn của Macy ở thành phố New York, với hàng triệu người và viếng thăm họ hàng ở Ailen, những người thậm chí chẳng có nổi hệ thống cấp thoát nước trong nhà, do đó phòng tắm nằm ở phía ngoài.

Tôi đã sớm học được rằng, đôi khi những thứ thật sự tốt đẹp nằm ở đầu kia của sự khó chịu và tôi cần phải trải qua sự khó chịu đó, chứ không phải đi vòng qua nó, để có được các trải nghiệm không quên và hạnh phúc hơn.

Não bộ của trẻ chưa được phát triển đầy đủ cho tới tuổi đôi mươi. Điều cuối cùng trong quá trình phát triển này là khả năng phán xét (trong thùy trán). Đây là một trong những lý do tốt nhất để tăng thêm lòng trắc ẩn cho trẻ, bởi não bộ của trẻ vẫn chưa được “hoàn thiện”.

Những đứa trẻ đang học không chỉ khả năng logic (não trái) sớm hơn, mà còn cả cách chuyển từ phản xạ vội vàng (não dưới) tới các phản ứng có chủ đích (não trên). Một số thử thách trẻ gặp phải trong việc tiết chế có nguồn gốc sinh học, nên hy vọng cha mẹ có thể tiếp tục kiên nhẫn để giúp trẻ một lần nữa. Việc này bao gồm giúp trẻ định hình các dẫn truyền thần kinh mới để chịu đựng những sự kiện khó chịu tốt hơn với sự tự tin từ bên trong.

[1] Clue là một trò chơi phá án kinh điển. Trong trò này, người chơi sẽ di chuyển giữa các phòng trong một biệt thự để giải quyết ba bí ẩn: ai là kẻ giết người, hung khí hắn sử dụng là gì và hắn gây án ở đâu.

Maureen Healy/Thái Hà Books & NXB Công thương

Nguồn Znews: https://znews.vn/day-con-cach-che-ngu-cam-xuc-tieu-cuc-post1511963.html