Dạy con cái dọn dẹp
Dọn dẹp nhà cửa là trách nhiệm chung của các thành viên trong gia đình. Khi con còn nhỏ, cha mẹ hãy dạy bé làm những việc đơn giản để hình thành thói quen ngăn nắp.
Bước đầu tiên để nuôi dạy những đứa trẻ có ích có thể tóm gọn trong cụm từ "để chúng được thực hành". Tập dọn dẹp. Tập nấu nướng. Tập rửa bát. Hãy để chúng giành thìa từ tay bạn và đảo đồ ăn trong nồi. Hãy để chúng chiếm lấy máy hút bụi và dọn thảm.
Để chúng được phép bày bừa khi còn nhỏ, bớt bừa hơn một chút khi lớn lên, và đến năm 13 tuổi, chúng sẽ giúp bạn dọn dẹp mớ lộn xộn mà không cần bạn phải mở lời, hoặc thậm chí chúng có thể quán xuyến cả gia đình.
Không bao giờ là quá sớm (hay quá muộn) để bắt đầu cho con trẻ phụ giúp bạn. Như Rebeca nói: “Trẻ em thực sự có thể tham gia vào các công việc gia đình sớm hơn và nhiều hơn những gì bạn nhận thấy.”
Cha mẹ phương Tây thường đánh giá thấp những gì trẻ có thể làm để giúp đỡ gia đình, dù ở lứa tuổi nào. Vì vậy, hãy đặt kỳ vọng cao hơn và để trẻ cho bạn thấy chúng có thể làm gì bằng chính niềm yêu thích và đòi hỏi của mình. (“Nhưng mẹ ơi, con có thể làm việc đó mà!” Ngày nào Rosy cũng nói với tôi câu này.)
Cùng với đó, bạn sẽ biết thêm một số điều về con và về chính bản thân bạn. Bạn sẽ biết cách để cùng nhau làm việc, song hành, vì mục đích chung.
Văn hóa phương Tây có xu hướng xem trẻ nhỏ như đối tượng được miễn trừ trách nhiệm giúp đỡ công việc nhà. Về khía cạnh này, chúng ta có phần lạc hậu. Chúng ta thường nghĩ trẻ nhỏ không đủ khả năng để thực sự hỗ trợ được việc gì. Đó chính là cách tôi nghĩ về Rosy. Tôi nghĩ mình sẽ giao việc nhà cho con khi con lớn hơn, còn bây giờ, tôi không yêu cầu con giúp gì cả.
Tuy nhiên, trong các nền văn hóa săn bắt - hái lượm, cha mẹ lại làm điều ngược lại: Ngay khi đứa trẻ biết đi, cha mẹ bắt đầu yêu cầu chúng giúp đỡ những công việc lặt vặt trong nhà. Qua thời gian, đứa trẻ học được đâu là điều chúng cần phải làm trong gia đình. Và nhờ thế, số lượng yêu cầu bắt đầu giảm (chứ không tăng) khi đứa trẻ lớn dần.
Tới tuổi 13, người lớn không cần sai bảo nữa, bởi đứa trẻ đã nằm lòng những việc cần làm. Trong thực tế, việc yêu cầu những em bé 13 tuổi giúp việc nhà được xem là thiếu tôn trọng chúng. Bởi điều đó ám chỉ chúng chưa đủ trưởng thành hay chưa học được điều cần học, và rằng chúng vẫn chỉ là con nít.
Nhà tâm lý học Sheina Lew-Levy đã kiểm chứng chiến lược trên với những người săn bắt, hái lượm BaYaka ở Cộng hòa Dân chủ Congo. Sau khi học nói và hiểu ngôn ngữ của bộ lạc, Sheina đi theo trẻ em và cha mẹ chúng nhiều giờ mỗi ngày, đếm số lần họ hay người lớn nào đó trong cộng đồng yêu cầu một đứa trẻ giúp đỡ những nhiệm vụ như “cầm hộ cốc nước” “cùng ta đi tìm mật ong” “mang những cọc này theo để đi săn” hay “mặc quần áo cho em con nhé”.
Những điều Sheina khám phá ra thật ấn tượng: Người nhận được nhiều yêu cầu nhất chính là những đứa bé nhất, ba đến bố tuổi, trong khi những đứa lớn ít bị sai bảo hơn. Khi lớn hơn, những đứa trẻ được kỳ vọng là tự biết việc mà làm. Chúng đã được làm quen từ bé. Cha mẹ chúng đã thành công trong việc truyền tải cho con giá trị của sự giúp đỡ.
“Trẻ em phát triển thái độ hợp tác khi lớn lên. Chúng học cách thực hiện các nhiệm vụ được yêu cầu và đoán biết những việc cần chúng hoàn thành,” Sheina kết luận.
Nói cách khác, những đứa trẻ lớn hơn đã học được sự giúp đỡ. Chúng biết để ý đến nhu cầu của người khác và muốn hỗ trợ. Vì vậy chúng không cần ai đó sai bảo. Việc sai khiến sẽ làm chúng cảm thấy bị xem thường và xấu hổ. Bạn có thể nhận được cái nhìn trợn tròn mắt từ một đứa trẻ 14 tuổi. (“Mẹ thật là, con biết tỏng điều đó rồi.”)
Vậy làm cách nào để mang khái niệm giúp đỡ vào gia đình bạn? Thật ra cũng không quá khó. Khi bạn làm việc nhà và cần giúp đỡ, hãy nhờ con. Hoặc giữ chúng ở cạnh để quan sát. Dưới đây là một vài ý tưởng bạn có thể áp dụng cho trẻ dưới 13 tuổi.
Hãy nhớ rằng, nhóm tuổi mà tôi đề xuất chỉ mang tính tương đối. Hãy đặt kỳ vọng dựa trên kinh nghiệm làm việc nhà của con, đừng phụ thuộc vào độ tuổi. Nếu đứa con 9 tuổi của bạn chưa từng xem bạn nấu nướng hay giặt giũ thì đừng kỳ vọng chúng biết làm những việc đó. Hãy bắt đầu với những nhiệm vụ nhỏ (ví dụ như thái hành tây hay cất đồ đang phơi) và phát triển từ đó.
Nhớ rằng, hướng dẫn này chỉ cung cấp cho bạn một vài ý tưởng để thử nghiệm. Hãy xem đứa trẻ muốn làm gì hoặc phản ứng ra sao. Hãy để sự thích thú và xu hướng của chúng dẫn dắt bạn.
Nguồn Znews: https://znews.vn/day-con-cai-don-dep-post1472930.html