Dạy con đức tính khiêm tốn

Khen ngợi cũng là cách để động viên con cái phấn đấu trong học tập, ứng xử. Tuy thế, nếu chỉ có khen ngợi hoặc thổi phồng thành tích sẽ làm trẻ trở nên tự kiêu và thiếu đức tính khiêm tốn, ảnh hưởng không nhỏ đến nhân cách của trẻ sau này.

Công bằng mà nhận xét, bé K. (con gái đầu lòng của anh chị T.) rất xinh xắn, tỏ rõ sự thông minh và năng động. Mỗi lần bé thực hiện được việc gì, dù nhỏ, cũng được bố mẹ khen nức nở: “Ồ, con tôi giỏi quá! Hơn hẳn bé H, bé V. con nhà nọ, nhà kia”. Được khen, K. thích lắm. Niềm vui thích được kéo dài, lặp lại khi những “thành tích” ấy được đem ra khoe với người thân trước mặt bé.

Quãng thời gian K. đến trường mẫu giáo, câu chuyện ở trường lớp mỗi ngày, mỗi tuần nào là sạch sẽ, ăn giỏi, hát hay, sống ngăn nắp… được bé mang về nhà khoe, phần thưởng từ bố mẹ là lời khen nức nở, lời nhận xét hơn tất cả bạn bè. Trong đầu óc non tơ của K. mình là số 1, không chịu thừa nhận thua ai cả.

Cho đến một hôm, tại lễ “tốt nghiệp” ra trường, đứng trước các cô giáo, phụ huynh và bạn bè, đại diện các bé nói lời cảm ơn, lời chào tạm biệt ngôi trường mầm non thân yêu không phải là K. đã làm cho bé ngỡ ngàng và hụt hẫng. Không kiềm chế được cảm xúc, cháu bật khóc tức tưởi.

Thay vì vỗ về, giải thích, động viên con, giúp con nhận ra sự thật thì bố mẹ bé K. tỏ thái độ, vùng vằng đưa con gái rời hội trường cùng lời nhận xét: “Nhà trường thiếu công bằng, thiên vị trong việc chọn người đứng ra phát biểu”. Với cách hành xử tương tự, K. càng lớn càng khó gần. Tính tự cao đã khiến cháu bị mọi người xa lánh.

Ảnh minh họa: Internet

Ảnh minh họa: Internet

Còn D. là con trai cầu tự trong một gia đình giàu có. Khi nói chuyện với ai, cha mẹ D. đều khoe thành tích học tập “vô đối” của con trai. Họ còn đưa ra viễn cảnh, D. sẽ du học ở những nước có nền giáo dục tiên tiến, sẽ trở thành kỹ sư, bác sĩ, nhà khoa học nổi tiếng… Và cho dù thành tích học tập không xuất sắc lắm, cậu lúc nào cũng tỏ ra khinh khỉnh hoặc xem thường các bạn.

Trường hợp các cháu K. và D. trong thực tế không phải là ít. Từ một đứa trẻ bình thường, nhưng được nuôi trong môi trường đầy ắp sự khoe khoang, thổi phồng thành tích, “bày dọn” viễn cảnh xa vời từ gia đình mà trẻ trở nên ảo tưởng, kiêu căng, thiếu đức tính khiêm tốn.

Trong mắt cha mẹ, con cái là “thiên thần”, là “cục vàng”... Cũng dễ hiểu, bởi quá yêu con nên cha mẹ mới vậy. Tuy thế, cần phân biệt “lời yêu” lúc âu yếm không đồng nhất với lời động viên, nhận xét đúng mực dành cho con.

Việc chỉ ra những thiếu sót, ôn tồn phân tích nguyên nhân sẽ giúp con trẻ bước qua khó khăn, vấp ngã sẽ hình thành đức tính kiên nhẫn, khiêm tốn, tự tin. Cùng với đó, câu chuyện vượt khó đi lên gắn với con người thật, gần gũi, đến những danh nhân, vĩ nhân thông qua sách vở, các phương tiện truyền thông sẽ giúp trẻ học hỏi, noi gương, nhận diện đúng về mình.

Con người là sản phẩm của giáo dục, hoạt động này được diễn ra thường xuyên, liên tục từ lúc còn là thai nhi cho đến khi nằm xuống. Các nhà tâm lý giáo dục và hoạt động thực tiễn đã chứng minh điều đó.

Chỉ riêng ở độ tuổi vị thành niên, hoạt động giáo dục diễn ra ở gia đình có vị trí quan trọng, hình thành nhân cách con người. Trong khi giúp con học tập, sinh hoạt, vui chơi… các bậc cha mẹ nên khéo léo tìm cách khích lệ, tìm lời động viên đúng lúc, đúng mực; hạn chế hoặc không bao giờ khoe con cái với mọi người trước mặt con.

Giúp đỡ, khuyến khích con cố gắng học hành, chơi vừa sức và cần cho con ý thức thi đua, nhưng phải khiêm tốn là rất cần thiết. Nếu con chê bạn mình điểm văn hóa kém chẳng hạn thì cha mẹ nên trả lời: “Bạn ấy đang cố gắng mà”. Cùng với đó, hỏi con về điểm mạnh của bạn, kịp thời trao lời khen.

Ở tuổi trưởng thành, chúng ta đều hiểu rằng: Núi này cao còn có núi khác cao hơn. Người này giỏi còn có người khác giỏi hơn… Khiêm tốn là đức tính rất cần thiết, được hình thành từ tấm bé, bằng con đường giáo dục, trong đó có lời khen đúng mực từ phụ huynh dành cho con trẻ.

AMA LUÂN

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12381/202104/day-con-duc-tinh-khiem-ton-5731831/