Dạy con trong thời đại số: Tạo dựng yếu tố cơ bản làm người cho con trẻ
Diễn đàn 'Dạy con trong thời đại số' của Báo SGGP tiếp tục nhận được ý kiến tâm huyết của các chuyên gia về vấn đề này, xin giới thiệu cùng bạn đọc.
LTS: Những ngày vừa qua, câu chuyện học sinh (HS) Trường quốc tế American Academy (ISHCMC-AA) đánh nhau đã trở thành tâm điểm với nhiều quan điểm về cách ứng xử của các bên liên quan như phụ huynh, nhà trường và dư luận xã hội. Nhiều chuyên gia cho rằng nếu các bên thay đổi cách hành xử để hướng tới mục tiêu bảo vệ trẻ em và môi trường giáo dục thì sự việc sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Diễn đàn “Dạy con trong thời đại số” của Báo SGGP tiếp tục nhận được ý kiến tâm huyết của các chuyên gia về vấn đề này, xin giới thiệu cùng bạn đọc.
- TS HUỲNH CÔNG MINH nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM:
Giáo dục trẻ thế nào trong thời đại ngày nay?
Nói về giáo dục trẻ em ngày nay, tôi vui vì sự quan tâm của xã hội và gia đình ngày càng tốt hơn, mỗi người đã thấy trách nhiệm của mình đối với trẻ hơn là đổ lỗi cho người khác!
Trong việc giáo dục trẻ, tôi quan tâm về cách giáo dục hơn là nội dung giáo dục. Trên các phương tiện truyền thông đã chuyển tải khá nhiều những nội dung hướng dẫn phương pháp giáo dục trẻ của những nhà giáo dục tâm huyết và nhiều kinh nghiệm hay của các bậc phụ huynh, nhưng trên thực tế sự áp dụng các phương pháp giáo dục ấy chưa được phổ cập trong xã hội và từng gia đình.
Về phương pháp và quan điểm giáo dục trẻ, tôi quan tâm nhiều đến giáo dục gia đình và cách hành xử của người lớn trong xã hội. Trước một sai phạm mà nhà sư phạm cho là sự lệch chuẩn của trẻ, suy cho cùng lỗi đó không phải là tự thân của trẻ. Theo nhà sư phạm người Ý Maria Montessori: “Hãy tạo cho trẻ một môi trường sống tốt, trẻ sẽ có sự phát triển tuyệt vời”! “Trẻ có sức thẩm thấu rất mạnh mẽ mọi hoạt động xung quanh như mảnh bọt biển hút nước”. Trẻ bắt chước rất nhanh không chọn lọc về những lời nói, cử chỉ và việc làm của người lớn trong gia đình. Ở lĩnh vực này người ta thường khuyên nhau là người lớn phải làm gương cho trẻ, nhưng Maria Montessori lại bảo rằng: “Vì trẻ mà giá trị người lớn được nâng cao trong cộng đồng xã hội”! Không nói tục, chửi thề; không xả rác bừa bãi; không thô lỗ, bạo lực; không sống buông thả, tùy tiện; không gian dối, thiếu trung thực… tự khắc con người được xã hội trân trọng, tôn vinh. Nhiều phụ huynh đã sống tốt hơn khi có con trẻ trong gia đình là vậy!
Về quy trình giáo dục, theo Maria Montessori thì phụ huynh hay nhà giáo dục phải quan sát trẻ thường xuyên và liên tục. Phải gần gũi, cởi mở, thu hút trẻ và lắng nghe trẻ. Từ kết quả quan sát, lắng nghe ấy chúng ta sẽ xác định đúng nội dung và phương pháp giáo dục trẻ một cách phù hợp, hiệu quả, tránh hành động theo thói quen cố hữu hoặc tạo ra những áp lực trái chiều phản tác dụng.
Về nội dung giáo dục, với phương tiện truyền thông hiện đại ngày nay, nội dung giáo dục của nhân loại vô cùng phong phú, đa dạng, phụ huynh sẽ phối hợp với nhà trường tập trung xây dựng cho học sinh khả năng tư duy phản biện và sự tinh tế trong cuộc sống để phân tích chọn lọc, định hướng phù hợp cho sự phát triển của bản thân và gia đình. Chúng ta không nên chỉ sa đà vào vấn đề kỹ thuật, máy móc mà quên tạo dựng những yếu tố cơ bản làm người cho con trẻ trong một xã hội nhân văn và tiến bộ.
- Chuyên gia tâm lý, Th.S CHẾ DẠ THẢO, giảng viên Trường Đại học Công nghệ TPHCM:
Giúp trẻ chủ động phòng ngừa rủi ro
Mạng xã hội, nếu được sử dụng một cách hợp lý, đúng phương pháp, nội dung phù hợp sẽ trở thành công cụ phát triển bản thân cho học sinh. Vì vậy, thay vì cấm cản, phụ huynh nên hướng dẫn con mình kỹ năng sử dụng mạng xã hội, để giúp trẻ có thể chủ động hơn trong việc phòng ngừa rủi ro có thể xảy ra như bị bắt nạt online, tốn quá nhiều thời gian vô ích khi dùng mạng xã hội.
Phụ huynh cần hướng dẫn cho con sử dụng mạng xã hội, gồm việc trang bị cho con sự nhận thức đúng đắn khi sử dụng mạng xã hội, vai trò của mạng xã hội trong giao tiếp và đời sống hàng ngày của mỗi chúng ta. Giúp các con hình thành “bộ lọc” cá nhân, khi tiếp nhận những thông tin, hình ảnh, video trên mạng xã hội, cũng như cách để các con chọn lọc mối quan hệ trên mạng xã hội và cách vận hành mối quan hệ đó. Hướng dẫn các con kỹ năng để tìm kiếm, tiếp cận nguồn thông tin có ích, hỗ trợ cho việc học, phát triển bản thân… Và đặc biệt là kỹ năng ứng phó những tình huống không hay có thể xảy ra khi dùng mạng xã hội.
Sự phát triển của mạng xã hội sẽ ảnh hưởng một phần đến đời sống của một cá nhân, đặc biệt là các bạn trẻ. Và chúng ta có thể sử dụng những tình huống có thể xảy ra với con khi dùng mạng xã hội, trở thành tình huống giáo dục, giúp các con vững vàng hơn trong việc hòa nhập và tiếp cận các mối quan hệ xã hội mà con sẽ có.
Và dù đời thật hay “không gian ảo” thì tính kết nối giữa ba mẹ và con cái là điều quan trọng. Ngoài việc hướng dẫn các con kỹ năng sử dụng mạng xã hội, ba mẹ nên chú trọng gia tăng tính kết nối giữa mình với các con. Để trong tình huống không hay xảy ra với các con, dù là đời thật hay “không gian ảo”, các con sẽ nhớ rằng luôn có ba mẹ bên cạnh để hỗ trợ và bảo vệ mình. Từ đó, các con sẽ lên tiếng nhờ sự hỗ trợ từ ba mẹ trong tình huống khó khăn.