Dày công làm vòng nguyệt quế đặc biệt kỷ niệm 20 năm Đường lên đỉnh Olympia
Xuất phát từ lòng yêu mến chương trình Đường lên đình Olympia, ông Trần Đình Tề (xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã lên ý tưởng làm một chiếc vòng nguyệt quế đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 20 năm của chương trình.
Ý tưởng nảy sinh từ niềm yêu thích chương trình
Vậy là chặng đường tìm kiếm quán quân Đường lên đỉnh Olympia 2020, ghi dấu cho chặng đường 20 năm của chương trình, đã đi tới hồi kết với chiến thắng thuyết phục của em Nguyễn Thị Thu Hằng đến từ trường Trung học Phổ Thông Kim Sơn A, tỉnh Ninh Bình.
Quả thực 2020 là một năm hết sức đặc biệt với không chỉ với chương trình Đường lên đỉnh Olympia mà cả những người hâm mộ lâu năm. Để đánh dấu sự kiện này, ông Trần Đình Tề - một người hâm mộ lâu năm của chương trình đã lên ý tưởng và gửi tặng chương trình một chiếc vòng nguyện quế đặc biệt nhân dịp này.
Ông Trần Đình Tề (75 tuổi, ở xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội) cho biết: "Tôi là một trong những khán giả đã theo dõi chương trình từ những ngày đầu. Hầu như chỉ có lúc ốm đau hoặc bận công việc không dừng được thì phải chịu thôi chứ hầu như tôi không bỏ một buổi nào. Buổi trưa tôi ngủ thành lệ quen rồi, nhưng riêng Chủ nhật thì tôi phải thức tôi xem Đường lên đỉnh Olympia với bà nhà tôi, âu nó cũng là cái thú vui của tuổi già".
Ý tưởng làm chiếc vòng nguyệt quế đến từ chính lòng yêu thích Đường lên đỉnh Olympia của ông. Từ đầu năm 2020, ông Tề đã ấp ủ mong muốn làm tặng cho chương trình một vật phẩm để đánh dấu chặng đường 20 năm của chương trình.
"Khi đang xem chương trình, có cảnh máy quay quay sát vòng nguyệt quế, tôi đã nảy ra ý tưởng sẽ làm vòng nguyệt quế từ những chất liệu của quê hương mình. Đây không chỉ bày tỏ lòng yêu thích đối với Đường lên đỉnh Olympia mà còn cả tình yêu quê hương gửi gắm vào chiếc vòng ấy. Khi đem ý tưởng của mình bày tỏ với gia đình, tôi đã được cả gia đình ủng hộ nhiệt tình và giúp đỡ tôi thực hiện mong muốn của mình" - ông Tề cho biết.
Sau đó, ông Tề quyết định gửi thư cho nhà báo Tạ Bích Loan, Giám đốc kênh VTV6 – Đài Truyền hình Việt Nam, bày tỏ mong muốn được làm chiếc vòng nguyệt quế cho Đường lên đỉnh Olympia năm nay. Ông Tề cũng nhờ anh con trai, anh Trần Đình Lâm, nhắn tin cho fanpage của chương trình và được chương trình chấp thuận ý tưởng này.
Cả gia đình chung tay làm vòng nguyệt quế
Ít ai biết rằng, để làm ra chiếc vòng nguyệt quế cuối cùng, cả gia đình ông Tề đã chung tay và đã làm ra tới 4 phiên bản khác nhau của chiếc vòng đặc biệt này. Sau khi được chương trình phản hồi, ông và gia đình bắt đầu bắt tay vào thiết kế và thực thi sản phẩm.
Anh Tình, cháu của ông Tề là người thực thi thiết kế ban đầu. Lần đầu, chiếc vòng nguyệt quế được làm từ chất liệu gỗ nguyên khối để tạo khuôn vòng, khắc hình lá lên vòng và làm vong tròn cho biểu tượng. Tuy nhiên, do từ chất liệu gỗ nguyên khối nên chiếc vòng dễ bị vỡ gãy và khá nặng nên lần thứ nhất phải bỏ.
Lần thứ hai, chiếc vòng được chuyển sang sử dụng chất liệu khác là cây song. Ông Tề cho biết chất liệu này ở quê bác chuyên được sử dụng để làm mũ cánh chuồn của các ông quan, có độ bền và nhẹ, có thể được khắc trực tiếp lá nguyệt quế lên mà không lo bị gãy.
Tới lần thứ 3, con dâu ông Tề góp ý là có thể thêm hoa xung quanh để vòng nguyệt quế không bị trơn, bản thân chị cũng là một giáo viên đã nhiều lần dẫn học sinh của mình đi thi Đường lên đỉnh Olympia.
Ban đầu, biểu tượng trên vòng nguyệt quế được ông Tề chọn là Khuê Văn Các, biểu tượng cho tri thức, thông tuệ, đỗ đạt cao và sự hiếu học. Tuy nhiên, sau khi gửi lại ảnh sản phẩm cho ban tổ chức, dưới sự góp ý của chương trình, ông Tề đã thay đổi biểu tượng, với ý nghĩa mong muốn nhân tài đất nước có thể chinh phục đỉnh Olympia, vượt ra ngoài thế giới, vươn ra và khẳng định mình trên trường quốc tế.
Vì vậy, chiếc vòng nguyệt quế đã được thiết kế biểu tượng với đỉnh Olympia và con số 20. Chiếc vòng lại được làm lại lần nữa và thay vì sử dụng vàng thường như lần trước, phiên bản cuối đã được thếp từng quỳ vàng 9999.
Sau 4 tháng kể từ khi lên ý tưởng, cuối tháng 8 đầu tháng 9, chiếc vòng nguyệt quế đặc biệt này đã được hoàn thành và trao tới chủ nhân mới. Ông Tề chia sẻ: "Dù chiếc mũ không có giá trị vật chất cao, nhưng nó là tấm lòng của gia đình tôi với Đường lên đỉnh Olympia".
Vậy là, một mùa Olympia nữa đã qua đi, hành trình tìm kiếm những nhân tài đất nước cũng đi đến hồi kết tạm thời. Những tấm lòng trọng nhân tài, yêu tri thức như ông Tề và gia đình cần được khuyến khích, nhân rộng để lan tỏa những điều tích cực trong cuộc sống.