DẠY ĐỌC TỪ THUỞ CÒN THƠ
Một khảo sát quốc tế cách đây 5 năm được Bộ Thông tin và Truyền thông trích dẫn liên quan đến việc đọc sách ở nước ta cho kết quả: Chỉ có 30% người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng đọc sách; thời gian dành cho đọc sách hằng tuần xếp hạng thấp, khoảng một giờ.
Chuyện đọc sách nào, bổ ích hay không dễ dàng kiểm chứng qua bảng xếp hạng sách bán chạy (best-seller). Kết quả không mấy khả quan khi các đầu sách công cụ, khảo cứu, văn hóa lịch sử, văn học nghệ thuật... luôn nằm ngoài danh sách best-seller. Trong khi chờ một cuộc điều tra công phu, toàn diện, cập nhật, có thể tạm đánh giá văn hóa đọc ở nước ta đang tồn tại một số bất cập, cần phải được cải thiện, tránh nguy cơ tụt hậu về tri thức.
Với sự tăng trưởng liên tục, ngành xuất bản cho ra đời nhiều đầu sách hay, bổ ích đã tiễn thời kỳ “đói sách” vào dĩ vãng. Thậm chí, có những cuốn sách mới ra đời ở nước ngoài một tháng, đã có sách dịch có bản quyền được phát hành. Ngay cả thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, với thương mại điện tử phát triển, nhất là hội sách trực tuyến quốc gia được tổ chức, người dân chỉ ở nhà chọn sách, hai tiếng sau đã có sách trong tay. Vấn đề cần giải quyết ở đây là làm sao tăng thời lượng đọc sách và định hướng người đọc đến những cuốn sách bổ ích, thiết thực.
Trong một thời gian dài, nhà trường và gia đình hướng học sinh chỉ chú tâm học văn hóa, kiến thức trường quy mà ít quan tâm gây dựng tình yêu với văn hóa đọc, hướng dẫn kỹ năng đọc cho học sinh, sinh viên. Hệ quả là đến khi trưởng thành, nhiều người không có được thói quen đọc sách, tự học, tự nghiên cứu thông qua sách. Có quan điểm cho rằng, người trưởng thành bận bịu cơm áo gạo tiền, bao vấn đề lo toan, thời gian dành cho việc đọc không nhiều là đương nhiên! Điều này không hoàn toàn đúng, bởi ngay ở những không gian, thời gian thuận lợi như ngồi chờ máy bay, quán cà phê mát mẻ, tiện nghi, có bao người cầm một cuốn sách ra đọc hay lại dán mắt vào màn hình điện thoại?
Lợi ích của đọc sách là quá rõ nhưng văn hóa đọc không thể phát triển nếu chỉ hô hào nâng cao ý thức, kêu gọi dành thời gian đọc sách một cách chung chung, mà cần hoạt động thiết thực, hấp dẫn cuốn hút. Đặc biệt, cần phải nhắm đến đối tượng giới trẻ bởi một thói quen cần phải hình thành sớm để trở thành sở thích đi theo suốt cuộc đời. Ý thức điều này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có sáng kiến tổ chức Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”. Năm 2019, lần đầu tiên cuộc thi được tổ chức, chỉ trong 3 tháng phát động và triển khai đã nhận được hơn nửa triệu bài dự thi của học sinh, sinh viên thuộc hơn 4.000 trường học toàn quốc. Đây là ví dụ chứng minh giới trẻ Việt Nam rất hiếu học, có khát vọng chiếm lĩnh tri thức thông qua trang sách, nếu có cách làm đúng đắn, gần gũi sẽ đưa văn hóa đọc trong giới trẻ lên cao. Ở lần tổ chức thứ hai, chắc chắn cuộc thi sẽ thu hút đông đảo số lượng học sinh, sinh viên tham dự. Vấn đề cần được quan tâm không phải là những con số năm sau cao hơn năm trước để lấy thành tích mà chất lượng, hiệu quả thực sự thể hiện trên hai mục tiêu: Càng nhiều bạn trẻ tìm đến với những cuốn sách bổ ích, lành mạnh; nhà trường và gia đình chung tay chăm lo phát triển văn hóa đọc.
Nhiều cá nhân, tổ chức đã kiến nghị, góp ý gửi đến Bộ Giáo dục và Đào tạo với mong muốn đưa tiết đọc sách vào khung giờ học chính khóa của học sinh. Hy vọng điều này thành hiện thực, mỗi nhà trường, thầy cô giáo khi lên lớp cần biến những giờ phút quý giá liên quan đến sách trở thành giờ học giải trí, thú vị; trong đó chú trọng hướng dẫn kỹ năng đọc cho trẻ em, chứ không phải thao thao bất tuyệt về nội dung cuốn sách. Điều cốt lõi là phải dạy đọc từ thuở còn thơ, để con trẻ trong khoảng thời gian không đến trường lớp có thể tìm đến trang sách như người bạn tâm tình, học hỏi bao điều mới mẻ, thú vị.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/lang-kinh-van-hoa/day-doc-tu-thuo-con-tho-627285