Dạy học hiệu quả theo chương trình mới khối lớp 9 tại Thái Nguyên

Các trường cấp THCS tại Thái Nguyên đang tập trung triển khai dạy học theo chương trình mới, đặc biệt là khối lớp 9 với kì thi quan trọng cuối năm.

Ngay từ đầu năm học, ngành giáo dục và đào tạo Thái Nguyên đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là triển khai hiệu quả chương trình GDPT 2018 đối với các khối lớp, đặc biệt là các lớp cuối cấp, trong đó có lớp 9.

Là năm học đầu tiên thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT thực hiện theo chương trình mới, cô và trò khối lớp 9 tại các nhà trường đang tập trung cao độ. Để triển khai hiệu quả, giáo viên các nhà trường tại Thái Nguyên đang tiên phong nỗ lực trong việc đổi mới cách tiếp cận, phương pháp tổ chức dạy học, hướng dẫn học sinh.

 Một giờ học tiếng Anh của cô và trò trường PT DTNT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Võ Nhai, Thái Nguyên).

Một giờ học tiếng Anh của cô và trò trường PT DTNT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Võ Nhai, Thái Nguyên).

Cô Dương Quỳnh Nga, giáo viên Tiếng Anh Trường PT DTNT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Võ Nhai, Thái Nguyên) trao đổi: Học sinh của nhà trường ở miền núi, điều kiện học tập chưa tốt, khi bắt đầu vào trường thì năng lực tiếng Anh chưa cao. Dạy học theo chương trình mới, cô và trò đều cảm thấy nhiều hứng thú, nhưng cũng phải nỗ lực hơn rất nhiều để đáp ứng yêu cầu mới.

Năm học này, các khối lớp trong toàn nhà trường đang sử dụng thống nhất bộ sách iLearn Smart World. Nhà trường tổ chức khảo sát và phân thành 2 kiểu lớp song song để giáo viên tăng thời lượng ôn tập: lớp phụ đạo cho học sinh còn yếu, lớp bồi dưỡng cho học sinh khá giỏi. Đây đều là những lớp được tổ chức hoàn toàn tự nguyện, miễn phí, nhằm mục đích hỗ trợ các em học tập tốt hơn.

“Ngoài tập trung trong các giờ học chính khóa thì chúng tôi còn phải sát sao với các em nhằm nâng cao chất lượng ở các giờ tự học. Việc bố trí thêm thời lượng để ôn tập đã giúp các em nắm bắt kiến thức tốt hơn, kĩ năng dần nâng cao, đồng thời cũng tự tin hơn trong giao tiếp” - cô Nga chia sẻ.

Đối với cô giáo Đinh Thị Thanh Hiếu, giáo viên Ngữ văn Trường THCS Nguyễn Du (TP Thái Nguyên), việc dạy học theo chương trình GDPT 2018 mở ra nhiều cách tiếp cận, phương pháp tổ chức mới mẻ, sinh động. Tuy nhiên, để có thể dạy học hiệu quả, theo cô Hiếu, giáo viên cần thực sự nỗ lực bắt nhịp với những thay đổi.

Theo đó, các giáo viên bộ môn Ngữ văn của nhà trường tập trung dạy học sinh cách đọc hiểu một văn bản theo đặc trưng thể loại, hướng dẫn vận dụng các phương pháp, chiến thuật đọc hiểu, tổ chức đọc mở rộng các mẫu văn bản thuộc các thể loại khác nhau, thiết kế các dạng bài tập thực hành về thể loại…; giúp học sinh nắm chắc quy trình viết một cách chặt chẽ nhưng có tác dụng phát huy khả năng sáng tạo.

“Thay vì dạy chủ yếu kiến thức của tác phẩm thì nay giáo viên cần dạy phương pháp viết bài như quy trình, cấu trúc, cách hành văn… của từng loại văn bản” - cô Hiếu nhấn mạnh.

 Các em học sinh lớp 9 trường PT DTNT THCS Định Hóa (Định Hóa, Thái Nguyên) đang tích cực ôn tập.

Các em học sinh lớp 9 trường PT DTNT THCS Định Hóa (Định Hóa, Thái Nguyên) đang tích cực ôn tập.

Trao đổi về triển khai dạy học theo chương trình mới, cô Trần Thị Thủy - Tổ trưởng tổ Khoa học Xã hội trường PT DTNT THCS Định Hóa (Định Hóa, Thái Nguyên) cho biết: Môn Ngữ văn lơpa 9 chương trình giáo dục phổ thông 2018 hướng đến hình thành phẩm chất cho học sinh, giúp các em có kỹ năng đọc hiểu, cảm thụ văn chương, các tác phẩm bên ngoài chương trình là nhiều, sách giáo khoa sẽ chỉ là công cụ cho học sinh tham khảo.

“Để giúp học sinh tiếp thu kiến thức một cách tốt nhất bản thân tôi và các thầy cô trong tổ chuyên môn đã tích cực triển khai đa dạng các biện pháp dạy học tích cực như ngoài việc thuyết giảng truyền thống, tích cực học sinh trao đổi thảo luận, thực hành, tự tìm tác phẩm tự viết bài thuyết trình, khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin, tham gia vào các hội nhóm của giáo viên các trường. Đặc biệt, các thầy cô thường xuyên tìm kiếm các ngữ liệu, tài liệu để bổ trợ thêm kiến thức cho học sinh” - cô Thủy chia sẻ.

Theo tìm hiểu, quá trình triển khai dạy học chương trình mới tại trường có nhiều thuận lợi khi cơ sở vật chất, trang thiết bị đầy đủ, các em học sinh chăm ngoan, tích cực nghe giảng và chủ động tìm hiểu thông tin. Tuy nhiên, cũng có những khó khăn nhất định bởi đây chương trình mới, cả cô và trò phải tiếp cận phương pháp học tập mới nên còn bỡ ngỡ và cũng cần nhiều thời gian để tìm hiểu cũng như áp dụng các phương pháp học tập một cách tốt hơn.

Phạm Vũ - Phương Thảo

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/day-hoc-hieu-qua-theo-chuong-trinh-moi-khoi-lop-9-tai-thai-nguyen-post716345.html