Dạy học thành công - giáo viên phải chuyển mình
2020 là năm quan trọng, đánh dấu những bước chuyển lớn trong công tác GD-ĐT, năm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Giảng dạy trong thời cuộc đó, giáo viên không chỉ phải thực hiện những đổi mới của ngành GD-ĐT mà còn phải thích nghi với những thay đổi của môi trường xã hội khi thế giới đang trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Bình mới, rượu không thể cũ
Cách mạng công nghiệp 4.0 - xu hướng kết hợp giữa các hệ thống ảo và thực thể, vạn vật kết nối Internet - đang thách thức ý niệm của chúng ta về vai trò thực sự của con người, trong đó có người thầy. Vai trò giáo viên trong thế kỉ XXI trở nên phức tạp ở một thế giới thay đổi nhanh chóng, nơi mà tri thức hầu như vô tận.
Bắt kịp với xu thế phát triển của công nghệ, để nâng cao hiệu quả chất lượng công tác giảng dạy, đồng thời bảo đảm công bằng, minh bạch, khách quan trong giáo dục, ngành GD-ĐT đã tích cực ứng dụng CNTT trong quản lý, giảng dạy và thi cử. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh, dù CNTT phát triển đến mấy thì GV cũng là những người không thể thay thế. Bởi trong công tác giảng dạy, công việc của người thầy không chỉ là truyền thụ kiến thức một chiều, mà còn có trách nhiệm hướng dẫn, truyền cảm hứng, động viên học trò.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội phân tích: “Cuộc CMCN 4.0 đặt ra thách thức ngành Giáo dục phải thay đổi cách dạy học cho phù hợp. Nếu nhà giáo chỉ cung cấp, truyền dạy thông tin tri thức của các bộ môn khoa học thì ngày nay, người máy và các thiết bị thông minh sẽ làm tốt hơn các nhà giáo. Nhưng người máy và thiết bị thông minh không thể thay thế thầy giáo, cô giáo trong các trường học vì thầy giáo, cô giáo còn có nhiệm vụ giúp HS phát triển phẩm chất, năng lực. HS không chỉ học để có điểm cao, thi đỗ mà phải có phẩm chất và năng lực của người công dân thế kỷ 21”.
Công việc dạy học của các nhà giáo ngày nay khác trước nhiều. Mọi kiến thức, hiểu biết của HS không chỉ được hình thành qua sách vở, qua Internet mà phải được bổ sung qua các hoạt động trải nghiệm, biết học hỏi lẫn nhau, biết vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống. Thông qua giờ dạy trên lớp và hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường, nhà giáo giúp HS biết tự học một cách sáng tạo. Nhà giáo phải thật sự là nhà giáo dục, nhà sư phạm. Chỉ có thấu hiểu tính cách, hoàn cảnh của từng HS, nhà giáo mới đưa ra được những phương pháp giáo dục phù hợp, làm cho các em thích học, biết cách học, có thói quen học và học hiệu quả.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, trước hết, thầy, cô giáo phải chuẩn bị cho mình có đủ nội lực để phát huy mọi tiềm năng của bản thân cho mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực của mỗi học sinh. Thầy, cô chỉ nói hay, truyền đạt kiến thức giỏi là chưa đủ mà phải có đủ kiến thức về tâm lý học, giáo dục học để có khả năng thấu hiểu từng HS; phải có những quan điểm giáo dục tiên tiến kịp thời khích lệ học sinh, dẫn dắt HS tự chiếm lĩnh kiến thức thông qua các hoạt động trải nghiệm trên lớp, ngoài nhà trường… Dạy học theo kiểu bắt HS răm rắp nghe lời, học sinh nào cũng phải giỏi toàn diện các môn, môn nào cũng quan trọng như nhau là cách dạy không theo hứng thú và sự phát triển khác nhau của mỗi HS.
Đồng hành cùng giáo viên
Đổi mới là yêu cầu tất yếu của mỗi GV hiện nay, thế nhưng bên cạnh yếu tố tự thân, sự nỗ lực và khả năng tự học, rèn luyện và tự đổi mới thì GV cần có sự ủng hộ, tạo điều kiện từ trong chính nhà trường và từ các cấp quản lý giáo dục.
Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai (Hà Nội) Phạm Đàm Thục Hạnh cho biết: Với tốc độ phát triển quy mô nhanh chóng do việc tăng dân số cơ học trên địa bàn, cùng với tiến trình phát triển và hội nhập sâu rộng đòi hỏi công tác chỉ đạo, quản lý giáo dục ngày càng nhiều nội dung mới với những giải pháp mới. Quận Hoàng Mai tạo điều kiện thuận lợi để GV tham dự các khóa học bồi dưỡng nâng cao trình độ. Tăng cường liên kết với các trường ĐH Sư phạm, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Thủ đô, trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục Hà Nội để thực hiện các chương trình bồi dưỡng, trong đó tập trung nhiều nội dung cốt yếu nâng cao về chất lượng giảng dạy, kỹ năng giảng dạy, kỹ năng giao tiếp ứng xử, kỹ năng xử lý các tình huống sư phạm, cách thức sử dụng thiết bị, phương pháp dạy học hiện đại…
Trong khi đó, Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân (Hà Nội) lại tổ chức các chuyên đề đổi mới phương pháp dạy học, xây dựng mô hình bồi dưỡng GV theo chuyên đề, theo bộ môn tập trung giải quyết những vấn đề GV còn khó khăn, vướng mắc như: Phương pháp dạy học các dạng bài, chủ đề khó; dạy học phân hóa đối tượng HS, dạy học theo định hướng phát triển năng lực... Đồng thời, tích cực đăng cai các chuyên đề thành phố ở các cấp học nhằm tăng cường giao lưu, học hỏi chuyên môn với các đơn vị.
Với công tác bồi dưỡng, mỗi trường cũng có những giải pháp khác nhau. Nhà giáo Nguyễn Thị Hiền – Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: BGH nhà trường đặc biệt quan tâm, tạo môi trường sư phạm tốt để GV lâu năm, nhiều kinh nghiệm dìu dắt thầy, cô trẻ. Nhà trường khuyến khích GV tự học hỏi để nâng cao trình độ, thường xuyên trao đổi chuyên môn với các đồng nghiệp và thông qua các tiết dạy mẫu, các sáng kiến kinh nghiệm để GV nâng dần tay nghề và thổi lên ngọn lửa đam mê nghề dạy học…
Nhà giáo Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) phân tích: Thực tế, khi GV chắc về kiến thức sẽ xác định rõ đâu là kiến thức trọng tâm của bài. Khi GV giỏi phương pháp sẽ biết sử dụng phương pháp dạy học nào để truyền đạt kiến thức trọng tâm đó đến với HS một cách đơn giản nhất, dễ hiểu nhất. Vì thế, các chuyên đề bồi dưỡng, các ví dụ được nêu ra trong buổi bồi dưỡng cần phải có sự cập nhật, củng cố cả kiến thức và phương pháp. Sự tương tác giữa kiến thức và phương pháp trong chuyên đề bồi dưỡng sẽ làm cho GV thấy nhận được nhiều điều mới và cần cho công việc của họ vì thế mà họ quan tâm hơn và hứng thú hơn với việc bồi dưỡng và tự bồi dưỡng.
Giảng dạy trong thời điểm có những thay đổi liên tục tạo áp lực không hề nhẹ lên vai những thầy cô giáo trong các nhà trường hiện nay. Thế nhưng, đổi mới sẽ không đáng sợ nếu như các GV nhận được sự đồng hành và thấu hiểu từ các cấp quản lý, từ CMHS và toàn xã hội.