Dạy học tích cực

Người thầy cần biết cách tạo ra hứng thú cho học sinh cùng với xây dựng động cơ học tập đúng...

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Trong điều kiện người học có nhiều nguồn để tham khảo và cập nhật kiến thức, giáo viên không chỉ là người truyền thụ đơn thuần mà phải biết cách dẫn dắt và truyền cảm hứng, khơi gợi sự sáng tạo cho học sinh.

Liên tiếp 2 mùa Hè, Trường THCS Trưng Vương (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) tổ chức bồi dưỡng nội bộ cho hội đồng sư phạm về phương pháp dạy học tích cực nhằm phát huy phẩm chất, năng lực học sinh.

Thầy Hồ Ngọc Hưng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Tham gia khóa học, giáo viên sẽ giải đáp được băn khoăn tại sao nghề giáo ngày càng vất vả, áp lực nhưng hiệu quả chưa cao và khám phá cách thức để khắc phục điều đó. Trong vai người học, giáo viên hiểu được những mong muốn cũng như tâm lý tiếp thu của học sinh để có sự điều chỉnh phù hợp trong dạy học, để học là chính nhưng không khí vui vẻ không hề phụ”.

Quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đã hình thành cộng đồng giáo viên đổi mới sáng tạo trong dạy học với nhiều tên gọi khác nhau. Thầy cô cùng trao đổi các công cụ dạy học như thiết kế bài giảng điện tử, phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực (phim hoạt hình, truyện tranh, sơ đồ tư duy tương tác…).

Từ sự lan tỏa của Chương trình Dạy học tích cực do TS Trần Khánh Ngọc (nguyên giảng viên bộ môn Phương pháp học Sinh học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) sáng lập, đã có nhiều khóa học truyền cảm hứng về tình yêu đối với nghề dạy học. Người truyền lửa cũng cần tiếp thêm những “ngọn lửa” để duy trì sự nhiệt huyết với nghề nghiệp. Từ đây, nhiều giáo viên ở các địa phương đã lập các nhóm dạy học tích cực từng môn học.

Từ thực tế giảng dạy, cô Mai Thị Thu Hà - Trường THPT Nguyễn Thái Bình (Quảng Nam) nhận thấy, với phương pháp dạy học truyền thống, giáo viên thường chú trọng chuyển tải kiến thức.

Tình trạng học sinh uể oải, buồn ngủ, không tương tác, chú ý trong giờ học, không tự giác làm bài tập có phần lớn nguyên nhân từ việc truyền thụ, nhồi nhét kiến thức một chiều. Chưa kể, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, có nhiều thứ lôi kéo học sinh, ngoài game còn TikTok, Facebook…

Để thu hút các em, giáo viên phải tạo ra những giờ học sinh động, mới lạ và hấp dẫn. Đây là lý do cô Hà hình thành một cộng đồng giáo viên dạy học sáng tạo, hướng dẫn và truyền cảm hứng cho nhiều đồng nghiệp không thạo công nghệ có những ứng dụng tích cực trong giảng dạy.

Có nhiều thầy cô, bằng chính phương pháp sư phạm cùng tình yêu nghề đã truyền cảm hứng, thậm chí định hình sự nghiệp sau này của bao thế hệ học trò. Nói như TS Nguyễn Thanh Hải - Trưởng nhóm nghiên cứu dự án giáo dục STEM THRIVE, Đại học Missouri, Hoa Kỳ khi chia sẻ về dạy - học STEM với thầy cô giáo ở Đà Nẵng: “Học sinh sẽ là những nhà khoa học trong tương lai nếu thầy cô có cách khơi gợi, truyền cảm hứng để các em quan sát sự việc diễn ra hằng ngày dưới con mắt thích khám phá, khuyến khích sáng tạo, nuôi dưỡng sự tò mò, tìm hiểu… để tạo ra tri thức mới cho nhân loại”.

Và để làm được điều này, người thầy cần biết cách tạo ra hứng thú cho học sinh cùng với xây dựng động cơ học tập đúng. Người dạy, từ đây cũng có hứng thú, tự tin hơn trong hoạt động nghề nghiệp.

Ánh Ngọc

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/day-hoc-tich-cuc-post698769.html