Dạy học tích hợp: Giáo viên chồng chất mệt mỏi, căng thẳng
Do chưa có đội ngũ giáo viên được đào tạo chính quy, bài bản để dạy môn tích hợp nên tình trạng 'ba thầy cùng dạy một sách' hoặc 'hai thầy một sách'
Trong các môn học mới xuất hiện ở chương trình giáo dục phổ thông mới cấp trung học cơ sở có 2 môn học đang khiến giáo viên than thở nhiều nhất đó là môn Khoa học tự nhiên (tích hợp 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học); Lịch sử và Địa lý (tích hợp môn Lịch sử, Địa lý).
Hai môn học tích hợp được đưa vào giảng dạy ở lớp 6 trong năm học 2021 - 2022 và lớp 7 năm học 2022 - 2023, những năm học tiếp theo bắt đầu triển khai cho học sinh lớp 8 và lớp 9.
Gọi là môn học tích hợp nhưng kiến thức các phân môn lại tách bạch khá rõ trong cùng một quyển sách. Do chưa có đội ngũ giáo viên được đào tạo chính quy, bài bản để dạy môn tích hợp nên phần đông các trường đều phân công thầy cô phụ trách dạy từng phân môn riêng lẻ như Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý.
Lo ngại chất lượng không đảm bảo
Trao đổi với Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học, cô Vũ Thị Quế, Hiệu trường Trường Trung học cơ sở Linh Thông (Thái Nguyên) cho biết, hiện tại, nhà trường chưa có giáo viên dạy môn tích hợp. Đối với môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý trường vẫn phân công 2 - 3 thầy cô cùng dạy một sách.
Cô Quế cho rằng, để triển khai dạy tích hợp hiệu quả, việc bồi dưỡng kiến thức cho giáo viên là rất quan trọng. Thế nhưng, hiện tại, nhà trường chưa có giáo viên nào tham gia lớp bồi dưỡng để được cấp chứng chỉ dạy môn tích hợp do còn băn khoăn về học phí và thời gian đào tạo.
"Chương trình bồi dưỡng được thiết kế từ 20 - 36 tín chỉ đối với từng đối tượng cụ thể. Và giá một tín chỉ bồi dưỡng này đang được một số trường đại học sư phạm niêm yết là 150.000 đồng/tín chỉ.
Để có được một chứng chỉ tích hợp, số tiền phải bỏ ra đóng học phí là rất lớn đối với đồng lương của nhiều nhà giáo hiện nay.
Cầm trên tay chứng chỉ, nhưng giáo viên đơn môn có dạy được môn học tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 hay không lại là chuyện hoàn toàn khác", vị Hiệu trưởng này nêu quan điểm.
Thực trạng "2-3 giáo viên cùng dạy một sách" cũng đang diễn ra tại Trường Trung học cơ sở Thị trấn Cao Phong (Hòa Bình). Thầy Nguyễn Tiến Bắc, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, khi triển khai dạy tích hợp đối với khối lớp 6, trường tổ chức dạy song song các phân môn trong bộ môn tích hợp.
Tuy nhiên, năm nay, theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình và Phòng Giáo dục và Đào tạo Cao Phong về giảng dạy môn tích hợp, nhà trường tổ chức dạy học theo hướng ưu tiên xây dựng kế hoạch môn học và tổ chức dạy các nội dung theo đúng thứ tự các chủ đề trong sách giáo khoa (đối với với môn Khoa học tự nhiên); dạy học đồng thời các phân môn Lịch sử, Địa lý (đối với môn Lịch sử và Địa lý), bảo đảm tương đương về thời lượng trong từng học kỳ.
Theo vị Hiệu trưởng này, việc dạy "một mạch" theo chủ đề của từng môn học có một số hạn chế nhất định. Ví dụ, học sinh học hết chủ đề liên quan đến môn Vật lý rồi mới tiếp tục học Hóa học, Sinh học, như vậy, các em sẽ không được ôn luyện 3 phân môn này thường xuyên, liên tục, dễ xảy ra tình trạng "rơi rụng" kiến thức. Trong khi đó, bài kiểm tra cuối kỳ lại bao gồm kiến thức của cả 3 phân môn.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng khó điều tiết thời khóa biểu, có thời điểm, số tiết/tuần của giáo viên tăng lên nhiều và có thời điểm lại rất ít so với định mức.
Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thị trấn Cao Phong cũng bày tỏ lo ngại khi các lớp tập huấn, đào tạo chứng chỉ tích hợp chỉ tổ chức trong thời gian ngắn, liệu có đảm bảo chất lượng hay không, bởi thực chất một giáo viên phải mất 3 - 4 năm đào tạo tại trường sư phạm.
"Sau một thời gian dạy môn tích hợp, nhiều thầy cô chia sẻ, đối với môn Khoa học tự nhiên ở lớp 6, 7, kiến thức khá cơ bản, thuộc mức độ nhận biết về sự vật, hiện tượng. Thế nhưng, với lớp 8, 9, nếu giáo viên không nắm vững kiến thức chuyên môn của môn học đó, khó có thể dạy tốt được", thầy Bắc nói.
Thầy Bắc cho biết, hiện tại, các trường đại học khối ngành sư phạm đã có kế hoạch đào tạo giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Ít nhất trong hai năm tới sẽ có nguồn giáo viên dạy môn tích hợp.
Tuy nhiên, sau khi các cử nhân được đào tạo đúng chuyên ngành và tốt nghiệp, liệu họ có được tuyển dụng để tham gia công tác trong ngành giáo dục, trực tiếp đứng lớp hay không thì đó cũng là một vấn đề chưa có lời giải đáp.
Thiếu giáo viên được đào tạo chính quy
Cùng chia sẻ về vấn đề này, một hiệu trưởng trường trung học cơ sở tại Hà Nội (xin được giấu tên) cho biết, với môn Lịch sử và Địa lý, trường phân công cho 2 giáo viên dạy song song riêng 2 phân môn, có cân đối số tiết trong một học kỳ để đảm bảo trung bình 1,5 tiết/môn/tuần.
Riêng môn Khoa học tự nhiên lớp 6 đã bắt đầu cho một giáo viên đảm nhiệm.
Hơn một nửa thầy cô dạy môn Khoa học tự nhiên của trường đã được bồi dưỡng và nhận chứng chỉ dạy tích hợp.
"Thực tế, khi dạy môn tích hợp, giáo viên sẽ được tiếp cận với kiến thức các phân môn khác, có cơ hội giao lưu, học hỏi cùng đồng nghiệp và qua hình thức tự học.
Tuy nhiên, một giáo viên chỉ được đào tạo đơn môn thì không thể dạy thật sâu, thật kỹ những phân môn khác, vì những phân môn này, họ không được đào tạo dài hạn khi học ở trường sư phạm.
Trong quá trình triển khai dạy học tích hợp, chúng tôi cũng ghi nhận tâm tư của các thầy cô. Họ rất mệt mỏi, căng thẳng. Thầy cô phải dạy những phần bản thân không hiểu rõ, chỉ đọc, học hỏi đồng nghiệp và lên lớp dạy.
Từ đó rất khó để có học sinh giỏi thi quận, hay thi cấp thành phố vì một số nội dung học sinh chỉ được học kiến thức cơ bản do giáo viên cũng chưa hiểu sâu", vị hiệu trưởng này nêu quan điểm.
Vị hiệu trưởng này cho rằng, dạy tích hợp giai đoạn hiện nay chưa thể đạt hiệu quả như mong muốn do thiếu giáo viên được đào tạo chính quy. Mặt khác, học sinh lớp 6, 7 phải bắt nhịp với lượng kiến thức lớn ở cấp trung học cơ sở nhưng nền tảng từ cấp tiểu học vẫn là chương trình cũ nên nhiều em gặp khó khăn khi tiếp cận với chương trình mới.
Vì vậy, các trường sư phạm cần khẩn trương đào tạo giáo viên dạy được liên môn, đội ngũ hiện tại cũng cần được bồi dưỡng có hệ thống, bài bản hơn.